Các tin tức tại MEDlatec

Cây dướng có công dụng gì và cách dùng

Ngày 01/02/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

Cây dướng có công dụng gì và cách dùng

Ngoài sử dụng để làm bột gỗ sản xuất giấy và dây thừng, cây dướng còn có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền. Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu công dụng chữa bệnh cũng như những bài thuốc hay từ loài cây này.

1. Sơ lược về cây dướng

Cây dướng còn được gọi là Chử đào thụ, Chử thực tử hay rau ráng, câu thụ,… Cây thuộc loài cây thân gỗ với các đặc điểm như sau.

Đặc điểm tự nhiên

Cây dướng cao khoảng 10 - 16m, thân có đường kính khoảng 2,5cm. Cành cây mọc tỏa rộng với những cành non màu lục nhạt, có lông tơ mềm; còn cành già màu xám, nhẵn. Lá cây dướng mọc so le, hình trứng, gốc tù đầu thuôn nhọn, mép lá có khía răng nhỏ, mặt trên lá hơi ráp, còn mặt dưới lá hơi mềm dính.

Hoa cây dướng mọc thành cụm, có sự khác nhau giữa hoa đực và hoa cái. Theo đó, hoa đực mọc dạng bông dài ở ngọn cành, còn hoa cái mọc thành cụm hình cầu ở cuối cành. Hoa thường nở vào tháng 5 - 6 hàng năm. Quả cây dướng hình tròn, đường kính khoảng 2 - 4cm, khi chín có màu đỏ hoặc cam, mềm và vị ngọt, được nhiều động vật hoang dã “yêu thích”. Quả thường được thu hoạch vào khoảng tháng 8 - 11.

Cây dướng thuộc loài cây thân gỗ, có nhiều công dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền

Phân bố sinh thái

Cây dướng khá “dễ tính”, có thể sống tốt trên nhiều loại đất và địa hình khác nhau, do đó, chúng ta có thể bắt gặp loài cây này ở khắp nơi, từ vùng núi, trung du đến đồng bằng; từ đất liền đến hải đảo. Đặc biệt, ở những nơi có nhiều ánh sáng thì cây tập trung rất nhiều và lớn rất nhanh.

Cây dướng phân bố nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Việt Nam, cây tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây Bắc, được đồng bào dân tộc thu hoạch lá non để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Bộ phận sử dụng

Hầu hết các bộ phận của cây dướng đều được sử dụng để chữa bệnh, bao gồm rễ, thân vỏ, lá, quả và hạt. Trong đó, lá và quả là được sử dụng nhiều nhất. Vào mùa hè, khi quả chín, người ta sẽ thu hoạch về rửa sạch và phơi khô. Còn lá thì được thu hoạch vào mùa hè và thu, có thể dùng tươi hoặc phơi/ sấy khô rồi dùng dần. Trong khi đó, rễ và thân vỏ thì được thu hoạch quanh năm.

Thành phần hóa học

Cây dướng chứa rất nhiều thành phần dưỡng chất, cụ thể như sau:

● Saponin 0,51%, acid p.coumaric, vitamin B, dầu béo trong quả dướng.

● Dầu béo trong hạt dướng.

● Flavonoid và alkaloid trong lá cây dướng.

● Flavonoid (brous flavonol …) và một số chất khác trong vỏ thân và vỏ rễ cây dướng.

Hầu hết các bộ phận của cây dướng đều chứa những thành phần dưỡng chất có tác dụng chữa bệnh

2. Công dụng chữa bệnh của cây dướng

Theo Đông y, quả và lá cây dướng có vị ngọt, tính hàn. Người ta thường sử dụng quả dướng để chữa cảm ho, đau lưng, mỏi gối, viêm thấp khớp, phù thũng trướng nước. Ngoài ra, quả dướng còn có tác dụng làm mạnh gân cốt, tăng cường sinh lực, và đẹp da.

Còn lá cây dướng có thể nấu nước xông để giải cảm hoặc vắt lấy nước uống để chữa chảy máu cam. Ngoài ra, lá còn có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm ruột, thổ huyết, xuất huyết tử cung, cầm máu vết thương, kháng khuẩn, kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, tiêu độc và nhuận tràng.

Vỏ rễ cây dướng có vị ngọt, tính bình, thường được dùng để chữa phù thũng, đau mỏi thấp khớp. Bên cạnh đó, nhựa của cây có thể bôi trực tiếp lên vết côn trùng cắn/ đốt, sát trùng và trị viêm ngoài da, chàm,…

Vỏ thân cây dướng sắc lấy nước uống để trị đầy bụng, khó tiêu hoặc cải thiện tình trạng nhiệt miệng, nấm miệng. Ngoài ra, có thể nấu vỏ thân cây, vỏ rễ với các nguyên liệu khác để kích thích tiết sữa ở mẹ mới sinh.

Có thể bôi nhựa cây dướng lên vết côn trùng cắn hoặc điều trị viêm da, nấm da, ngứa ngáy

3. Những bài thuốc hay từ cây dướng

Cây dướng có nhiều cách sử dụng, có thể dùng tươi hoặc khô; có thể dùng rễ, vỏ thân, lá, quả hoặc hạt; có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị khác. Dưới đây là một số bài thuốc hay để bạn tham khảo và áp dụng.

Trị mỏi mắt, nhìn không rõ

Bạn kết hợp 500g quả dướng với 500g hoa kinh giới. Nghiền nát 2 nguyên liệu này rồi đem trộn với mật ong nguyên chất và vo thành từng viên nhỏ. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 viên cùng với nước sắc bạc hà để cải thiện tình trạng.

Trị phù chân, tiểu nhiều

Người già bị phù chân, tiểu nhiều và suy nhược cơ thể hãy dùng 12g quả dướng, 8g ngưu tất, 3g tiểu hồi hương, 10g bạch truật, 10g phục linh, 10g đỗ trọng, 10g kỷ tử sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống 3 lần và nên uống trước ăn, bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Chữa phù nề toàn thân

Nấu lá cây dướng thành cao rồi đem pha với nước ấm để uống. Có thể uống nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả cao nhất.

Chữa cảm ho, mỏi lưng gối

Dùng 10 - 15g quả dướng sắc lấy nước rồi uống. Mỗi ngày uống 2 lần và uống liên tục trong 7 - 10 ngày.

Quả dướng sắc lấy nước uống có tác dụng hỗ trợ điều trị ho và cảm lạnh

Chữa rong kinh

Dùng 6 - 18g vỏ thân cây dướng sắc lấy nước uống. Hoặc có thể kết hợp 12g vỏ thân cây dướng với 12g kinh giới rồi sắc lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 lần.

Chữa kiết lỵ

Trẻ em bị kiết lỵ, táo bón có thể dùng 50 - 100g lá dướng tươi vắt lấy nước uống. Ngoài ra, nếu trẻ bị cảm, khó tiểu thì cũng có thể dùng lá dướng tươi để nấu nước xông.

Những chia sẻ trên đây giúp bạn biết được công dụng và những bài thuốc hay từ cây dướng. Nếu cần được tư vấn sức khỏe, bạn có thể đến các phòng khám của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, cùng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại sẽ mang đến cho bạn sự hài lòng và an tâm cao nhất khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Tổng đài tư vấn hỗ trợ khách hàng 24/7: 1900 56 56 56.

BS Chỉnh đã duyệt

Từ khoá: cây dướng

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.