Tin tức
Nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị nhiệt miệng hiệu quả
- 21/08/2014 | Tuyệt chiêu chữa viêm lợi, nhiệt miệng cho trẻ
- 04/01/2013 | 5 cách tự nhiên giúp chữa nhiệt miệng
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như môi, bên trong má, nướu, tên gọi khoa học là aphthous ulcer. Thông thường vết nhiệt ở miệng có máu trắng, đôi khi có màu vàng, viền xung quanh là màu đỏ, chúng có dạng hình tròn hoặc oval.
Hình ảnh vết loét nhiệt ở miệng
Không giống giống như lở miệng do virus herpes hay mụn nước, vết nhiệt miệng không lây lan mà chúng chỉ gây khó chịu cho người mắc phải. Khi ăn, khi nói thậm chí khi nuốt nước bọt mà đụng chạm đến vết nhiệt ở miệng cũng gây nên cảm nhác đau nhói khó chịu.
Trong trường hợp nặng nhiệt miệng có thể gây viêm cấp, sốt nổi hạch, rối loạn tiêu hóa, cảm giác đau hơn bình thường. Tuy rằng bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng nếu bạn tái phát nhiều lần theo chu kỳ có thể bạn đã bị viêm loét miệng mạn tính.
2. Nguyên nhân gây nên tính trạng nhiệt miệng
Theo như Tây y thì nhiệt ở miệng là do cơ thể bạn thiếu một số loại vitamin và dưỡng chất, rối loạn nội tiết tố, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn răng miệng,... Theo Đông y cho rằng nhiệt ở miệng là do nhiệt độc, ảnh hưởng từ tâm, can, tỳ, vị, thận, ảnh hưởng nhiều do chế độ ăn uống.
Có thể liệt kê cụ thể một số lý do bị nhiệt ở miệng như sau:
- Không may cắn vào má gây nên tổn thương, dần dần phát triển thành vết loét miệng.
- Ăn những đồ ăn cay nóng, hoặc có nhiều gluten khiến tổn thương vùng miệng.
- Bị tổn thương trong quá trình vệ sinh răng miệng như: đánh răng mạnh gây xước chảy máu, sử dụng nước súc miệng hoặc kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate.
- Thiếu các loại vitamin B6, B2, C, thiếu kẽm và acid folic.
- Rối loạn nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai, căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài.
Nhiệt ở miệng cũng có thể sinh ra trong quá trình vệ sinh răng miệng không đúng cách
Ngoài ra khi mắc một số bệnh sau cũng có thể gây nên nhiệt ở miệng
- Bị HIV/AIDS.
- Rối loạn tự miễn dịch Celiac, nguyên nhân do hấp thụ gluten khiến ruột non bị tổn thương, theo như ước tính tỷ lệ mắc bệnh là 1/100.
- Viêm ruột, viêm loét đại tràng.
- Bệnh tự miễn Behcet, đây là căn bệnh hiếm gặp tuy nhiên nếu mắc phải sẽ gây viêm toàn thân cả vùng miệng.
Tuy nhiên những trường hợp này khá hiếm, đa số chỉ bị nhiệt ở miệng thông thường, tự khỏi sau vài ngày hoặc sử dụng những biện pháp tự nhiên để thúc đẩy quả trình khỏi bệnh. Tuy nhiên để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe do vết loét miệng làm ảnh hưởng đến quá trình ăn uống. Chính vì thế nếu tự điều trị không hiệu quả hãy tìm đến những phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.
3. Phải làm gì để phòng ngừa nhiệt miệng?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là hạn chế tối đa các yếu tố gây bệnh, một số biện pháp có thể áp dụng như sau:
- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc căng thẳng quá sức, thường xuyên tập luyện thể thao rèn luyện thể chất.
- Chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, những đồ gây nóng trong. Nên ăn những món ăn bổ xung nhiều vitamin và dưỡng chất.
Nên ăn những món bổ xung nhiều vitamin và dưỡng chất để phòng ngừa nhiệt ở miệng
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để không gây tổn thương cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
4. Một số phương pháp điều trị nhiệt miệng hiệu quả tại nhà
4.1. Sử dụng nước súc miệng
Sử dụng nước súc miệng là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng. Có nhiều công thức pha chế khác nhau tuy nhiên sử dụng nước muối là cách làm đơn giản nhất mà hiệu quả đem lại rất tuyệt vời. Có thể súc miệng bằng nước muối theo công thức sau:
- Hòa tan một lượng muối khoảng 5g trong 230ml nước ấm.
- Súc miệng bằng dung dịch vừa pha chế trong khoảng thời gian 30 giây.
- Có thể súc miệng nhiều lần trong một ngày, mỗi lần cách nhau vài giờ.
4.2. Sử dụng Baking soda
Baking soda giúp ích trong việc cân bằng độ pH, hỗ trợ rất nhiều trong việc làm lành vết nhiệt ở miệng. Tương tự như pha nước muối, hòa 5g baking soda với 230ml nước, súc miệng mỗi lần khoảng 30 giây, có thể sử dụng nhiều lần trong ngày nếu cần thiết.
4.3. Trị nhiệt miệng bằng sữa chua
Nếu bạn bị nhiệt ở miệng do khuẩn H.pylori hoặc viêm ruột thì việc đẩy lùi loại khuẩn này sẽ giúp bạn chữa được bệnh nhiệt ở miệng. Theo những nghiên cứu năm 2007 thì men vi sinh sống như lactobacillus có mặt trong sữa chua sẽ giúp ích cho việc tiêu diệt khuẩn H.pylori. Do đó hãy ăn 245g sữa chua mỗi ngày để vết nhiệt ở miệng mau lành.
4.4. Trị nhiệt miệng bằng giấm táo
Trong giấm táo có chứa acid axetic có tác dụng diệt khuẩn, giấm táo đóng vai trò như một loại kháng sinh tự nhiên đối với các vết nhiệt ở miệng. Pha giấm táo với nước ấm theo tỷ lệ 1/1 và dùng chúng để súc miệng mỗi ngày. Lưu ý bạn cần sử dụng loại giấm táo chất lượng cao để kết quả đạt được tốt nhất.
Chữa nhiệt miệng bằng cách súc miệng với giấm táo
4.5. Sử dụng nước oxy già
Pha chế một lượng ít dung dịch bao gồm oxy già 3% và nước theo tỷ lệ 1/1. Lấy tăm bông vô trùng thấm trực tiếp dung dịch trên vào vết nhiệt ở miệng. 1 tiếng sau khi thấm không nên ăn uống, thực hiện đều đặn hàng ngày.
Ngoài ra bạn cũng có thể pha loãng oxy già với nước để sử dụng làm nước súc miệng. Thời gian súc trong khoảng 1 phút, sau đó súc lại bằng nước sạch.
Ngoài những phương pháp trên thì bạn có thể sử dụng mật ong, trà cúc La mã, nha đam,... Nhưng nếu các phương pháp này điều trị trong thời gian dài mà bệnh không khỏi thì bạn nên tìm đến những phòng khám chuyên khoa để kiểm tra chính xác hơn.
Những nguyên liệu chữa nhiệt ở miệng đều dễ kiếm và dễ làm, do đó bạn nên tận dụng chúng để giảm bớt sự khó chịu cũng như đẩy nhanh thời gian khỏi bệnh.
Vết loét có thể không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhưng cũng phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu có vấn đề cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!