Các tin tức tại MEDlatec

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý?

Ngày 13/05/2022
Trẻ em hiếu động là chuyện hết sức bình thường, phần nào cho thấy đó là một đứa trẻ có sự phát triển tốt về mặt thể chất. Tuy nhiên đối với những bé nghịch ngợm và chạy nhảy không biết mệt mỏi, cảm giác như lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, không chú ý,tập trung hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý vì rất có thể trẻ đang mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý, thường xảy ra ở những trẻ trong giai đoạn từ 3 - 11 tuổi.

1. Làm thế nào để nhận biết hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ?

Cha mẹ cần dựa trên các biểu hiện sau để xác định con em mình có đang bị tăng động hay không:

  • Ngọ nguậy, nghịch ngợm “luôn chân luôn tay", leo trèo và chạy nhảy khắp nơi, không thể ngồi yên một chỗ;

  • Tự ý đi lại tự do khi đang ăn uống hoặc đang học bài;

  • Khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động hay trò chơi đòi hỏi tính kiên trì và nhẫn nại;

  • Có sự bốc đồng trong suy nghĩ và hành vi:

  • Bực tức, khó chịu khi phải chờ đợi tới lượt mình, nhất là khi chơi trò chơi;

  • Hay xen ngang hoặc ngắt lời, nói nhiều khi người người lớn đang nói chuyện. Nhiều khi chưa đợi người khác kết thúc câu hỏi thì đã trả lời;

  • Dễ tức giận, nóng nảy và cáu gắt vô cớ. Có khi còn la hét, tự làm đau bản thân và mọi người xung quanh;

  • Không chú ý đến việc người khác đang đối thoại với mình.

Trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thường biểu hiện cảm xúc và hành vi mang tính bốc đồng

  • Hay làm mất đồ chơi, đồ dùng học tập và vật dụng cá nhân, mau quên;

  • Dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho phân tán tư tưởng;

  • Thường xuyên bỏ sót các hoạt động cơ bản hàng ngày như quên rửa mặt, đánh răng, quên đi học hoặc làm bài tập về nhà,...;

  • Nói ngọng, chậm nói, khả năng diễn đạt và nghe-đọc hiểu rất kém;

  • Vô cùng nhạy cảm với các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, tiếng động;

  • Bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ, mộng mị, trằn trọc, hay tỉnh dậy giữa đêm.

2. Hội chứng tăng động giảm chú ý gây hậu quả gì?

Hội chứng này tuy không đe dọa đến sức khỏe thể chất của trẻ nhưng lại dễ trở thành một chướng ngại liên quan đến hành vi và tâm lý, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ. Hậu quả là:

  • Trẻ không biết cách giao tiếp, ứng xử với mọi người. Do đó rất khó kết bạn cũng như duy trì sự gắn kết với xã hội;

  • Kết quả học tập kém, khó theo kịp chương trình học như bạn bè đồng trang lứa;

  • Dễ bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt và xa lánh;

  • Vì sự tăng động quá mức nên dễ gặp chấn thương khi đang vui chơi. Không nhận thức được các hành vi gây nguy hiểm;

  • Bị rối loạn tâm lý như căng thẳng, tự ti, lo âu, bị cô lập và thậm chí là trầm cảm.

3. Một số phương pháp hỗ trợ cha mẹ điều trị hội chứng tăng động giảm chú ý cho trẻ

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh của trẻ sẽ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những trẻ mắc hội chứng này ở mức độ quá nặng hoặc đã trên 6 tuổi thì bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát cảm xúc, hành vi của trẻ một cách nhanh chóng. Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì nên áp dụng phương pháp giáo dục hành vi kết hợp với chế độ ăn lành mạnh.

3.1. Dùng thuốc điều trị

Các thuốc này chia làm 3 nhóm chính:

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm: ít khi được áp dụng nhưng thường đem lại hiệu quả cao đối với những trẻ bị thiếu kiểm soát, bị rối loạn hành vi và quá hung hăng;

  • Nhóm thuốc kích thích: gồm Adderall, Dexedrine hay Methylphenidate,... với công dụng chính là kích thích não tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh đồng thời kiểm soát và hạn chế các hành vi, cảm xúc mang tính bốc đồng. Sẽ cần phải có một khoảng thời gian cho trẻ thử thuốc để xem khả năng đáp ứng của trẻ;

  • Nhóm thuốc không kích thích: như Guanfacine, Atomoxetine tuy tác dụng không nhanh bằng nhóm thuốc kích thích nhưng lại duy trì hiệu quả lâu hơn.

Ngoài lợi ích giúp kiểm soát các hành vi của trẻ bị tăng động, các loại thuốc cũng đem lại một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, đau đầu, dị ứng, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ, chậm phát triển, hay cáu gắt thậm chí là có ý nghĩ tự tử,... Do đó khi cho trẻ dùng thuốc, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao và tuân theo liều dùng của bác sĩ chuyên khoa.

3.2. Phương pháp giáo dục hành vi

Đây là liệu pháp sử dụng hành động, lời nói, cử chỉ,... để uốn nắn trẻ theo chiều hướng tích cực. Điều này đòi hỏi cha mẹ cần phải nhẫn nại và kiên trì, đặc biệt phải tuân theo những nguyên tắc sau:

  • Khen ngợi hoặc tặng thưởng những món quà nhỏ như quyển sách, đồ chơi, món ăn bé thích khi trẻ làm được việc tốt. Hành động này sẽ khích lệ trẻ và hình thành thói quen thực hiện những việc có ích về sau;

  • Dành ra nhiều thời gian hơn để trò chuyện và chơi đùa cùng trẻ để gia tăng tình cảm gia đình. Trẻ sẽ cảm thấy mình không cô độc vì đã có người thân cùng mình vượt qua;

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và trò chuyện cùng trẻ

  • Lập ra thời gian biểu, kế hoạch cụ thể cho mỗi ngày từ khi trẻ bắt đầu thức dậy cho đến khi đi ngủ và đồng hành cùng thực hiện những hoạt động này cùng trẻ một cách nghiêm túc. Điều này có tác dụng hình thành và rèn luyện kỹ năng tập trung, sắp xếp, tổ chức công việc;

  • Khi trẻ có những hành vi không tốt, thay vì dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ thì cha mẹ hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng chỉ bảo, đồng thời chọn ra những hình phạt phù hợp để trẻ nhận thức được điều mình làm là sai trái. Cho trẻ có cơ hội từ từ sửa chữa sai lầm;

  • Nên cho trẻ tham gia nhiều các môn thể thao hoặc hoạt động ngoại khóa mang tính đồng đội cao. Nhờ vậy trẻ sẽ cải thiện được kỹ năng giao tiếp và tính đoàn kết, kỷ luật.

3.3. Chế độ ăn phù hợp

Khi duy trì một thói quen ăn uống khoa học và thực đơn lành mạnh:

  • Không cho trẻ ăn nhiều đồ ăn thức uống nhiều mì chính, nhiều đường và chứa chất phụ gia như xúc xích, pizza, bánh kẹo, snack, nước ngọt,...;

  • Thêm cá ngừ, cá thu, cá hồi, dầu olive, hạt điều, quả óc chó vào khẩu phần ăn hàng ngày của bé vì trong những loại thực phẩm này rất giàu omega-3;

  • Tăng cường ăn hoa quả và rau tươi;

  • Chế biến nhiều món ăn từ thịt gà, thịt bò, các loại hải sản, tôm, cua, quả bơ, rau chân vịt, đậu Hà Lan,...

Hãy tìm lời khuyên từ các chuyên gia y tế về hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn về hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Từ đó lắng nghe tư vấn của các chuyên gia để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, khoa học cho con em mình.

Tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng tư vấn cho khách hàng những thông tin hữu ích và hỗ trợ đặt lịch khám cho khách hàng 24/7.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.