Các tin tức tại MEDlatec

Chẩn đoán đái tháo đường type 2 bằng cách nào?

Ngày 01/08/2023
Bệnh đái tháo đường type 2 nếu không được điều trị kiểm soát tốt đường huyết có thể gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ cơ quan: tim mạch, thần kinh, thị giác, thận,... Vì thế, chẩn đoán đái tháo đường type 2 sớm để có biện pháp kiểm soát đường huyết là cách tốt nhất để ngăn ngừa những hệ lụy này.

1. Đái tháo đường type 2 là bệnh gì?

Đái tháo đường type 2 là bệnh đái tháo đường xảy ra do rối loạn chuyển hóa glucose huyết khiến cơ thể không có khả năng dùng hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên nhưng đang ngày càng trẻ hóa do lối sống vận động ít, cân nặng thừa quá mức cho phép, béo phì,...

Một số thông tin khái quát về bệnh đái tháo đường type 2

Người bị đái tháo đường type 2 có thể sống chung với bệnh nhiều năm liền mà không biết mình bị bệnh vì triệu chứng bệnh tiến triển khá chậm. Khi xuất hiện triệu chứng thì người bệnh thường có hiện tượng: đi tiểu nhiều, khát nước, khô miệng, hay cảm thấy đói, cân nặng giảm đột ngột không rõ căn nguyên, mệt mỏi, mờ mắt, các vết thương lâu lành, bàn chân hoặc tay hay bị ngứa ran, da cổ và nách đen sạm,...

2. Ai nên tầm soát đái tháo đường type 2?

Chuyên gia y tế khuyến cáo người ở độ tuổi từ 35 trở nên nên thực hiện tầm soát đái tháo đường type 2 định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời điều trị ngăn chặn nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, việc tầm soát càng nên ưu tiên với các trường hợp:

- Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh đái tháo đường type 2.

- Béo phì, thừa cân.

- Lối sống vận động ít.

- Từng sinh con cân nặng trên 4kg hoặc có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ.

- Phát hiện chỉ số triglyceride cao hoặc cholesterol HDL thấp.

3. Chẩn đoán đái tháo đường type 2 bằng phương pháp nào?

Để chẩn đoán đái tháo đường type 2 bác sĩ thường dựa trên các xét nghiệm sau:

3.1. Xét nghiệm HbA1c

Đây là một trong các chỉ số không thể bỏ qua để chẩn đoán đái tháo đường type 2. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ biết được mức đường huyết trung bình của người bệnh vài tháng trước khi làm xét nghiệm.

Bằng việc đo lường tỷ lệ đường huyết gắn với hemoglobin - protein vận chuyển oxy ở tế bào hồng cầu sẽ xác định được lượng đường huyết của người bệnh. Chỉ số HbA1c cao tỷ lệ thuận với lượng đường trong máu cao.

Kết quả xét nghiệm HbA1c giúp chẩn đoán đái tháo đường type 2

Bình thường, chỉ số HbA1c < 5.7%. Nếu trong 2 lần xét nghiệm khác nhau đều có kết quả > A1c 6.5% thì có thể chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường type 2. Nếu kết quả xét nghiệm vào khoảng 5.7 - 6.4% thì đây là tình trạng tiền tiểu đường.

Đây cũng là xét nghiệm có tác dụng theo dõi kiểm soát lượng đường huyết sau khi đã được chẩn đoán bị đái tháo đường type 2 nên người bệnh cần chú ý làm xét nghiệm này vài lần mỗi năm để theo dõi diễn tiến bệnh.

3.2. Xét nghiệm đường huyết khi đói

Với phương pháp chẩn đoán đái tháo đường type 2 này, người bệnh cần nhịn đói 8 - 12 giờ, tuyệt đối không ăn uống gì (trừ nước lọc) trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Bình thường lượng đường huyết khi đói khoảng < 100mg/dl (5.6mmol/l).

Nếu kết quả xét nghiệm đường huyết khi đói cho chỉ số 10 - 125mg/dl (5.6 - 6.9 mmol/l) thì phản ánh tiền tiểu đường. Nếu kết quả cho chỉ số 126mg/dl (7mmol/l) tức là bị đái tháo đường type 2.

3.3. Xét nghiệm đường huyết bất kỳ

Có một số trường hợp không phù hợp với xét nghiệm HbA1c bác sĩ sẽ chỉ định thay thế bằng xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên. Đây là xét nghiệm có thể thực hiện vào mọi thời điểm, không yêu cầu nhịn ăn.

Bình thường, mức độ đường huyết < 140mg/dl (7.8 mmol/l). Nếu kết quả xét nghiệm từ 200mg/dl trở lên (11.1 mmol/l trở lên) tức là đã được chẩn đoán xác định bị đái tháo đường type 2. Nếu kết quả xét nghiệm trong khoảng 140 - 199mg/dl (7.8 - 11.0mmol/l) thì có thể chẩn đoán xác định tiền tiểu đường.

3.4. Nghiệm pháp glucose đường uống

Với phương pháp chẩn đoán đái tháo đường type 2 này người bệnh cũng được yêu cầu nhịn đói qua đêm. Bình thường, xét nghiệm này ít khi chỉ định mà chủ yếu thực hiện ở phụ nữ mang thai.

Nghiệm pháp glucose đường uống giúp chẩn đoán tiểu đường thai kỳ ở thai phụ

Đầu tiên, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm đường huyết khi đói sau đó họ được yêu cầu uống chất lỏng chứa đường để lấy máu xét nghiệm đường huyết. Nếu sau xét nghiệm 2 giờ, nồng độ đường huyết < 140mg/dl (7.8mmol/l) thì bình thường. Nếu sau xét nghiệm 2 giờ, nồng độ đường huyết > 200mg/dl (11.1mmol/l) thì có thể chẩn đoán bị đái tháo đường type 2. Nếu nồng độ đường huyết ở giữa 2 khoảng trên thì bị tiền tiểu đường.

4. Nên làm gì khi đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2?

Nếu đã làm một trong các xét nghiệm trên đây và được chẩn đoán đái tháo đường type 2 thì người bệnh cũng không nên lo lắng quá. Lúc này, người bệnh cần thực hiện đúng mọi chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để theo dõi và kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Những trường hợp mới được chẩn đoán đái tháo đường type 2 thường được bác sĩ hướng dẫn thực hiện một số biện pháp ngăn ngừa tiến triển và quản lý đường huyết như: thường xuyên tập thể dục, dinh dưỡng lành mạnh, giảm cân khoa học, dùng liệu pháp insulin hoặc thuốc trị tiểu đường theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thăm khám định kỳ để được đánh giá đúng chỉ số đường huyết.

Kế hoạch điều trị kiểm soát đường huyết của mỗi bệnh nhân không giống nhau nên người bệnh cần chủ động theo dõi chỉ số đường huyết của mình và tái khám đúng lịch bác sĩ đã hẹn. Đây là cách tốt nhất để biết được lượng đường huyết vẫn ở trong phạm vi cho phép.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường type 2 phù hợp, cho kết quả chính xác, có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, quý khách hàng cũng có thể thông qua số điện thoại này để đặt lịch dịch vụ lấy mẫu tiểu đường tận nơi, giúp tiết kiệm công sức và thời gian đi lại để chủ động lên kế hoạch công việc phù hợp với lịch trình của mình.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.