Tin tức
Tìm hiểu cụ thể về phác đồ điều trị đái tháo đường
Tìm hiểu cụ thể về phác đồ điều trị đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính cần được điều trị kiểm soát tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm ở nhiều hệ cơ quan như: mạch máu, thận, mắt, tim,... gia tăng tỷ lệ tàn tật, tăng chi phí điều trị gây ra áp lực kinh tế cho người bệnh,... Vậy phác đồ điều trị đái tháo đường như thế nào, bài viết dưới đây MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này.
1. Một số vấn đề cơ bản về đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính gây nên bởi rối loạn chuyển hóa lipid, carbohydrate và protein có căn nguyên từ giảm tương đối hoặc tuyệt đối tác dụng của insulin.
Một số triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường
Đái tháo đường gồm 2 dạng chính:
- Đái tháo đường type 1
Đây là bệnh đái tháo đường lệ thuộc insulin - rối loạn chuyển hoá có căn nguyên chính là tế bào beta tuyến tụy không thể tổng hợp và tiết đủ insulin khiến cho insulin lưu hành trong máu ít và lượng đường trong máu không thể điều hoà được. Bệnh lý này thường xuất hiện đột ngột, xảy ra sau nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn, là tình trạng cấp tính có thể gây hôn mê.
Người bị tiểu đường type 1 thường có triệu chứng điển hình là: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. Nếu bệnh bị biến chứng cấp tính người bệnh thường có triệu chứng hôn mê nhiễm toan ceton như: hạ huyết áp, mạch nhanh, chuột rút, buồn nôn, thở nhanh, hơi thở có mùi thối, rối loạn ý thức,... Người bệnh cần được điều trị cấp cứu ngay để không nguy hiểm đến tính mạng.
- Đái tháo đường type 2
Đối với bệnh đái tháo đường type 2, nguyên nhân gây bệnh có thể do tuyến tụy bị giảm tiết insulin do một số bệnh lý như viêm tụy cấp, mạn tính,... hoặc do tình trạng cơ thể sản sinh ra kháng thể kháng insulin khiến thiếu hụt lượng insulin cần thiết để điều hòa đường máu.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 thường gặp gồm: tiểu nhiều, thường xuyên cảm thấy khát nước, cáu kỉnh, nhìn mờ, bàn chân hoặc bàn tay hay bị tê ngứa, mệt mỏi, lâu lành vết thương, thường xuyên tái phát nhiễm trùng nấm men, dễ có cảm giác đói, giảm cân nhanh,...
2. Phác đồ điều trị đái tháo đường như thế nào?
Bệnh đái tháo đường cần được điều trị để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan ngũ tạng. Phác đồ điều trị đái tháo đường luôn cần kết hợp giữa điều trị y tế với việc thay đổi và duy trì chế độ ăn uống, luyện tập khoa học:
2.1. Chế độ ăn và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường
- Chế độ ăn
Đây là vấn đề rất quan trọng đối với hiệu quả kiểm soát chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Vì thế, song song với việc thực hiện điều trị theo phác đồ từ bác sĩ, người bệnh cần:
+ Có chế độ ăn cân bằng: 50 - 60% glucid, 15 - 20% protid, 20 - 30% lipid đồng thời ưu tiên sử dụng thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết thấp, giàu chất xơ, giảm thiểu tối đa đồ ngọt.
+ Người bị đái tháo đường type 2 chỉ nên ăn 3 bữa chính/ngày.
+ Người đang điều trị tiêm insulin có thể ăn mỗi ngày 4 - 5 bữa nhỏ.
Chế độ ăn lành mạnh là một phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị đái tháo đường
- Tập luyện
+ Duy trì chế độ luyện tập đều đặn, tối thiểu mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 30 phút.
+ Kiểm tra đường huyết, tim mạch và huyết áp trước mỗi buổi tập.
+ Lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng: leo cầu thang, bơi lội, đi bộ,...
2.2. Phác đồ điều trị bằng insulin
Phác đồ điều trị đái tháo đường bằng insulin được chỉ định cho các trường hợp:
- Đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường type 1.
- Chỉ áp dụng cho đái tháo đường type 2 nếu người bệnh trong tình trạng:
+ Mất bù xuất phát từ các nguyên nhân: tăng đường huyết và ceton máu cấp nghiêm trọng, nhiễm trùng, stress, vết thương cấp.
+ Cân nặng giảm không thể kiểm soát.
+ Mang thai.
+ Can thiệp ngoại khoa.
+ Bị suy thận, suy gan.
+ Có phản ứng dị ứng khi dùng thuốc hạ đường huyết.
+ Đã điều trị bằng thuốc hạ đường huyết nhưng bị giảm tác dụng hoặc đường huyết rối loạn mất kiểm soát.
+ Chỉ định tạm thời khi kết quả HbA1c > 11% và đường huyết > 250 - 300 mg/dl (14 - 16.5 mmol/l).
+ Tăng áp lực thẩm thấu.
+ Hôn mê toan ceton.
+ Đái tháo đường xuất phát từ căn nguyên bệnh lý tuyến tụy.
Có nhiều phác đồ điều trị đái tháo đường bằng insulin. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và loại insulin mà bác sĩ có thể lựa chọn:
- Đái tháo đường type 1: phác đồ 2 - 4 mũi/ngày.
- Đái tháo đường type 2: có thể áp dụng phác đồ của đái tháo đường type 1 kết hợp phác đồ 1 mũi insulin và thuốc viên.
- Đái tháo đường thai kỳ: 1 - 4 mũi/ngày tùy thuộc vào chỉ số đường huyết của từng bệnh nhân và chỉ dùng insulin sinh tổng hợp.
Có nhiều phác đồ điều trị đái tháo đường, tùy từng trường hợp bệnh mà bác sĩ cân nhắc để đưa ra phác đồ phù hợp
2.3. Phác đồ điều trị bằng thuốc
Đối với phác đồ điều trị đái tháo đường bằng thuốc uống, chủ yếu sử dụng các nhóm:
- Thuốc kích thích bài tiết insulin
+ Chỉ định: đái tháo đường typ 2 có thể trạng gầy hoặc trung bình.
+ Chống chỉ định: suy thận, đái tháo đường type 1, đái tháo đường toan ceton, suy gan, dị ứng với sulfonylurea, mang thai.
+ Các loại thuốc thường dùng: gliclazid, glimepirid, glibenclamid, glyburide, glipizid,...
+ Phối hợp với: insulin, acarbose, thiazolidinedione, metformin,...
+ Tác dụng phụ có thể gặp phải: tăng cân, dị ứng, hạ đường huyết,...
- Thuốc làm tăng nhạy cảm insulin ngoại vi và giảm đề kháng insulin
+ Chỉ định: bệnh nhân bị đái tháo đường type 2.
+ Chống chỉ định: đái tháo đường type 1, thiếu oxy tổ chức ngoại biên, toan ceton, suy thận, mang thai, rối loạn chức năng gan, chế độ ăn ít calo, trước và sau phẫu thuật, bệnh nhân đái tháo đường > 70 tuổi.
+ Thuốc thường dùng: thiazolidinedione, metformin.
+ Tác dụng phụ có thể gặp phải: tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng, chán ăn, nôn,...
- Thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase gây giảm hấp thu glucose
+ Chỉ định: bị tăng nhẹ chỉ số đường huyết sau ăn, đái tháo đường type 2.
+ Thuốc thường dùng: acarbose, voglibose, miglitol,...
+ Tác dụng phụ có thể gặp phải: chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, buồn đi ngoài.
- Thuốc Glinide
+ Chỉ định: bị tăng đường huyết sau bữa ăn.
+ Thuốc thường dùng: repaglinide, meglitinide.
+ Tác dụng phụ có thể gặp phải: hạ đường huyết.
- Thuốc tác dụng lên hệ incretin
+ Chỉ định: bị tăng đường huyết sau bữa ăn, đái tháo đường type 2.
+ Các thuốc thường dùng: thuốc đồng phân GLP1, thuốc ức chế DPP IV, thuốc đồng phân amylin,...
+ Tác dụng phụ có thể gặp phải: buồn nôn, hạ đường huyết, đau đầu, chán ăn,...
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là giải pháp duy nhất để sống chung hòa bình với bệnh lý này. Hiệu quả điều trị đạt được phụ thuộc rất nhiều vào ý thức hợp tác thực hiện chỉ định từ bác sĩ của chính người bệnh. Mặt khác, người bị đái tháo đường cũng cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ đánh giá được hiệu quả điều trị bệnh từ đó có phác đồ điều trị phù hợp cho từng giai đoạn.
Những chia sẻ về phác đồ điều trị đái tháo đường trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị cụ thể với trường hợp của mình, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!