Các tin tức tại MEDlatec

Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn như thế nào?

Ngày 27/08/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa gây đau đột ngột và dữ dội cho người bệnh. Nghiêm trọng hơn, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Vậy chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn được thực hiện như thế nào?

1. Tổng quan về xoắn tinh hoàn

Trước khi tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn, chúng ta cùng nắm bắt sơ lược về hiện tượng này. 

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là tình trạng cuống tinh hoàn (còn gọi là thừng tinh) đột nhiên xoắn lại. Lúc này, các mạch máu tại đây bị tắc nghẽn khiến cho máu không được hoặc được vận chuyển ít ỏi đến tinh hoàn. Vì vậy, người bệnh sẽ cảm thấy tinh hoàn bị sưng, đau đột ngột và dữ dội, nghiêm trọng hơn là đối mặt với nguy cơ tinh hoàn bị hoại tử do thiếu máu.

Xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ trong độ tuổi từ 12 - 18. Đặc biệt, sau khi vận động mạnh hay bị chấn thương, hiện tượng xoắn tinh hoàn cũng có thể xảy ra. 

Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn gây đau đột ngột và dữ dội

Dấu hiệu xoắn tinh hoàn

Nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ nhanh chóng để được chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời.

  • Cảm thấy một bên bìu đau đột ngột và dữ dội.
  • Bên bìu đau bị sưng to và chuyển sang màu đỏ.
  • Hai bìu không cân đối, bên to bên nhỏ, bên cao bên thấp.
  • Sờ tay vào bìu thấy có khối u.
  • Đi tiểu nhiều hơn.
  • Sốt, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng. 

2. Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn

Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời là rất quan trọng để phòng tránh biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Chẩn đoán

Bác sĩ thực hiện chẩn đoán xoắn tinh hoàn bằng nhiều phương pháp khác nhau. 

Khám lâm sàng

Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra thật kỹ vùng bìu của người bệnh để phân biệt xoắn tinh hoàn với các nguyên nhân gây đau bìu khác. Thường thì bác sĩ sẽ coi phản xạ cơ bìu như thế nào, có giảm đau khi thực hiện nâng tinh hoàn lên không. Ngoài ra là các triệu chứng như bìu sưng đỏ, bìu phù nề, người bệnh chóng mặt, choáng váng, buồn nôn.

Đầu tiên trong chẩn đoán xoắn tinh hoàn là thực hiện khám lâm sàng 

Chẩn đoán cận lâm sàng

Bao gồm chẩn đoán hình ảnh và chẩn đoán phân biệt, cụ thể như sau.

  • Chẩn đoán hình ảnh: Người bệnh được chỉ định siêu âm hai bên tinh hoàn bằng công nghệ siêu âm Doppler màu. Kết quả siêu âm có thể cho thấy lượng máu đến tinh hoàn bị giảm hoặc không có, tốc độ dòng máu trong tinh hoàn giảm trong khi sức cản động mạch lại tăng,... 
  • Chẩn đoán phân biệt: Phương pháp chẩn đoán này nhằm xác định người bệnh bị xoắn tinh hoàn hay mắc các bệnh lý về tinh hoàn như viêm tinh hoàn, nang thừng tinh, thoát vị bẹn, chấn thương, phù nề, tụ máu vùng bìu,…

Điều trị

Theo bác sĩ Nam khoa thì trong vòng 6 giờ đầu xuất hiện triệu chứng, nếu được chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn thì người bệnh sẽ khỏi 100%. Sau 6 - 12 giờ thì khả năng “cứu” tinh hoàn giảm còn 50%. Sau 12 - 24 giờ thì tỷ lệ giảm xuống 20%. Và sau 24 giờ thì hầu như không thể “cứu” tinh hoàn vì tinh hoàn đã bị hoại tử. 

Do đó, việc nhận biết triệu chứng và cấp cứu nhanh chóng là cực kỳ quan trọng. Nếu không, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng nghiệm trọng đến khả năng sinh sản. Hiện nay, phẫu thuật là lựa chọn luôn được ưu tiên số một trong chữa xoắn tinh hoàn.

Người bệnh được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ rạch một đường nhỏ để mở bìu, đánh giá tình trạng “sống còn” của tinh hoàn. Nếu tinh hoàn sống thì thực hiện tháo xoắn và cố định tinh hoàn đúng vị trí trong bìu để ngăn hiện tượng xoắn tái phát. Nếu tinh hoàn đã hoại tử, bác sĩ buộc cắt bỏ tinh hoàn. 

Điều trị xoắn tinh hoàn bằng phẫu thuật là ưu tiên hàng đầu 

3. Có phòng ngừa xoắn tinh hoàn được không?

Song song với việc tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn, rất nhiều người quan tâm đến biện pháp phòng ngừa hiện tượng này. Tuy nhiên, không có biện pháp phòng ngừa triệt để, nam giới chỉ có thể chú ý trong sinh hoạt hàng ngày, tránh những va đập mạnh vào vùng kín để tránh gây tổn thương cho bìu, tinh hoàn.

Quan trọng nhất là ngay khi xuất hiện triệu chứng nghi xoắn tinh hoàn, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao, tránh được biến chứng cắt bỏ tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Và còn có một lưu ý khác là nếu chẳng may cắt bỏ một bên tinh hoàn thì bên tinh hoàn còn lại sẽ có xu hướng phát triển to hơn. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì. Lúc này, cần lựa chọn quần phù hợp, đặc biệt là quần lót và các loại quần thể thao, quần bảo hộ.

Cần được chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn ngay khi xuất hiện các triệu chứng

Chúng ta đã cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn. Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ y tế uy tín để thăm khám, điều trị các bệnh lý Nam khoa thì có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. MEDLATEC là đơn vị đã có gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện hiện quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, luôn tận tình với bệnh nhân. Ngoài ra, MEDLATEC cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hệ thống máy móc hiện đại, mang đến cho khách hàng những dịch vụ y tế chất lượng, chuyên nghiệp.

Để được tư vấn, thăm khám và điều trị các bệnh lý của nam giới, bạn hãy đến Chuyên khoa Nam khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách cũng có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để chủ động đặt lịch khám trước tiện lợi.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.