Các tin tức tại MEDlatec
Chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh cho biết điều gì?
1. Chỉ số Bilirubin là gì?
Theo các chuyên gia, Bilirubin là một sắc tố mật do sự thoái hoá của hồng cầu. Hiện tượng vàng da này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới.
Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.
Chỉ số Bilirubin trong máu tăng cao dẫn tới tình trạng vàng da
2. Giải thích hiện tượng vàng da của trẻ sơ sinh
Khi mới sinh ra, một số cơ quan bên trong cơ thể của trẻ, đặc biệt là gan chưa được phát triển hoàn thiện và lượng hồng cầu trong cơ thể sẽ nhiều hơn so với người lớn. Kéo theo đó là lượng Bilirubin cũng được tích lũy.
Lượng Bilirubin tăng cao sẽ dẫn tới hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng da. Tình trạng này có thể xuất hiện vào ngày đầu tiên đến ngày thứ 3 từ khi trẻ được sinh ra những thông thường sẽ tự khỏi trong khoảng một tuần.
Vàng da ở trẻ có thể là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vì thế, các mẹ cần quan sát, theo dõi những thay đổi trong cơ thể trẻ để từ đó có những cách xử trí kịp thời để giúp trẻ phát triển an toàn, khỏe mạnh.
2.1. Vàng da sinh lý
Đối với những trẻ đủ tháng hoặc có sức khỏe bình thường thì hiện tượng vàng da thông thường là vàng da sinh lý. Thông thường hiện tượng này sẽ tự khỏi trong khoảng 7 ngày đối với trẻ sinh đủ tháng. Đối với trẻ sinh non, tình trạng này có thể kéo dài đến khoảng 14 ngày mới hết.
Chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ quy định mức độ vàng da của trẻ. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể chỉ vàng ở vùng mặt, vùng cổ và vùng bụng phía trên rốn. Đồng thời triệu chứng này không kết hợp với những biểu hiện khác như thiếu máu, bỏ bú hoặc gan to, trẻ mệt mỏi,…
Lưu ý, đối với trẻ đủ tháng, chỉ số Bilirubin/máu không quá 12 mg% và đối với trẻ thiếu tháng sẽ không quá 14mg%. Bên cạnh đó, chỉ số Bilirubin cũng tăng với tốc độ không quá 5mg% trong 24 giờ.
2.2. Vàng da bệnh lý
Nếu là vàng da bệnh lý thì cơ thể trẻ sẽ gặp những bất thường dưới đây:
-
Da vàng đậm hơn bình thường.
-
Thời gian bị vàng da kéo dài hơn bình thường. Cụ thể, hiện tượng này không khỏi sau sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng.
-
Trẻ có thể bị vàng toàn thân, thậm chí vàng cả mắt.
-
Bên cạnh vàng da là những triệu chứng bất thường như trẻ mệt mỏi, lừ đừ, co giật hoặc bỏ bú,...
-
Chỉ số Bilirubin trong máu có tốc độ tăng nhanh.
Nếu thấy trẻ có những biểu hiện kể trên, nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
3. Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh?
Dưới đây là những phương pháp điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh:
Mẹ nên cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú đầy đủ hoặc truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ. Cũng có thể truyền Albumin hoặc sử dụng một số loại thuốc để đẩy mạnh tốc độ chuyển hóa Bilirubin, nhằm cải thiện tình trạng vàng da hoặc tắm nắng hàng ngày, áp dụng cho những trường hợp vàng da nhẹ.
Phương pháp chiếu đèn hiện đang là biện pháp điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh đơn giản nhưng lại an toàn và hiệu quả nhất, ngoài ra còn tiết kiệm chi phí.
Một số trường hợp bé có biểu hiện nhiễm độc thần kinh do chỉ số Bilirubin tăng cao, có thể phải thay máu cho bé.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, chuyên gia sẽ lựa chọn một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp cùng lúc để mang lại hiệu quả cao nhất có thể.
4. Những trường hợp nào cần chiếu đèn để điều trị vàng da?
Chiếu đèn thường được chỉ định với những trẻ vừa sinh, sau 24 giờ tuổi và chưa có hiện tượng tiền nhiễm độc. Hoặc cũng có thể áp dụng đối với những trường hợp trẻ có nguy cơ vàng da như trẻ sinh non hoặc có tán huyết hoặc có bướu huyết thanh,…
Chiếu đèn có thể hiểu là cách sử dụng ánh sáng có bước sóng từ 400 - 500 nm và có khả năng hấp thụ Bilirubin. Ánh sáng này sẽ xuyên qua da để tác động lên các phân tử Bilirubin. Sau khi chịu tác động của ánh sáng năng lượng, Bilirubin sẽ được đào thải qua đường nước tiểu.
Khi chiếu đèn, mẹ cởi hết quần áo của trẻ, che kín mắt và bộ phận sinh dục của trẻ. Bên cạnh đó, mẹ cần thường xuyên thay đổi tư thế cho trẻ để toàn bộ da được tiếp xúc với ánh sáng từ đèn.
Có thể chiếu đèn liên tục hoặc cũng có thể cách quãng để cho trẻ bú mẹ. Bé có thể ở phòng cách ly hoặc ở phòng riêng với mẹ và được bác sĩ theo dõi thường xuyên.
Như vậy, chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh có thể cho biết trẻ mắc vàng da do sinh lý hay bệnh lý. Nếu là vàng da bệnh lý, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như di chứng bại não hoặc tử vong.
Để phòng bệnh vàng da cho con, trong suốt thai kỳ mẹ nên có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Nên đưa trẻ đến khoa Nhi ngay nếu có biểu hiện bất thường. Nếu còn có những băn khoăn về vấn đề vàng da ở trẻ và những vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các chuyên gia tư vấn kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!