Các tin tức tại MEDlatec

Chó con cắn có bị dại không và những lưu ý phòng tránh bệnh dại

Ngày 18/07/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Chó con rất nghịch ngợm, do đó, khi chơi đùa với chúng, bạn rất dễ rơi vào tình huống bị chó cắn, cào hay liếm vào vết thương. Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là “chó con cắn có bị dại không”. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này và những lưu ý phòng tránh bệnh dại trong bài viết sau.

1. Chó con cắn có bị dại không?

Nhiều người cho rằng, chó con không bị hoặc ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng. Chó con (thậm chí là chó mới được sinh ra) và chó trưởng thành đều có nguy cơ mắc bệnh dại như nhau. 

Vì vậy với thắc mắc “chó con cắn có bị dại không”, câu trả lời là “có”. Dù bị chó con cắn, cào hay liếm vào vết thương hở, bạn cũng không nên chủ quan mà cần xử lý vết thương đúng cách và nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được tiêm phòng dại kịp thời. 

Chó con cũng có thể nhiễm virus gây bệnh dại

Ngoài ra, bị chó cắn cũng có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như: 

- Nhiễm trùng: Nếu không vệ sinh vết thương đúng cách, người bị chó con cắn cũng có thể gặp phải tình trạng đau, sưng đỏ vết thương, nhiễm trùng. 

- Nguy cơ hình thành sẹo nếu không được xử lý vết thương đúng cách. 

2. Cách nhận biết chó con bị dại

Dưới đây là một số đặc điểm nhận biết chó con đã nhiễm virus dại, giúp bạn sớm nhận biết nguy cơ và xử lý kịp thời: 

- Thay đổi thái độ và hành vi: Khi bị dại, thái độ và hành vi của chó con rất bất thường. Chúng có thể trở nên hung dữ hơn nhưng cũng có thể yếu đuối, sợ hãi mọi thứ xung quanh và có cảm giác rất mệt mỏi. Trong nước dãi của chó có thể chứa virus dại và có thể lây nhiễm sang cho người bất cứ lúc nào. 

- Thay đổi thói quen ăn uống: Khi bị nhiễm virus dại, chó bị mất kiểm soát về vấn đề ăn uống. Chúng có thể ăn những thứ kỳ lạ và thói quen ăn uống không bình thường nhưng đây không phải là dấu hiệu đặc hiệu.

- Sợ nước hoặc sợ ánh sáng ở giai đoạn muộn. 

- Chó bị co giật, run và nôn mửa,... 

- Chó con chảy dãi, nhiều bọt mép và mắt lừ đừ.

Nếu thấy chó có biểu hiện bất thường, nghi ngờ chó nhiễm bệnh dại, cần nhốt chó lại, theo dõi và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng cách, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh sang cho người. 

3. Phòng ngừa bệnh dại bằng cách nào?

Ngoài thắc mắc “chó con cắn có bị dại không”, nhiều người, đặc biệt là những người nuôi chó và hay chơi đùa với chó,... còn rất quan tâm đến vấn đề làm thế nào để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả. 

Bệnh dại chưa có thuốc đặc trị và được đánh giá là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Khi virus dại đã tấn công lên hệ thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong của người bệnh là 100%. Đáng lo ngại hơn khi bệnh có thể dễ dàng lây nhiễm từ động vật sang người. 

- Xử lý sau khi bị chó nghi dại cắn, gây tổn thương: Nếu bị chó nghi nhiễm dại cắn hoặc gây tổn thương (cào, liếm vào vết thương hở), cần thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dại:

+ Rửa vết thương ngay lập tức: Rửa kỹ vết cắn hoặc vết cào dưới vòi nước sạch với xà phòng trong ít nhất 15 phút. Bước này giúp loại bỏ virus dại trong nước dãi trước khi chúng xâm nhập sâu vào cơ thể.

+ Đến cơ sở y tế ngay: Liên hệ cơ sở y tế uy tín để được đánh giá và bắt đầu tiêm phòng dại sau phơi nhiễm (PEP). PEP bao gồm:

+ Vắc-xin phòng dại: Thường được tiêm theo lịch 4 hoặc 5 liều (ngày 0, 3, 7, 14, và đôi khi ngày 28), tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ.

+ Globulin miễn dịch dại (RIG): Được sử dụng trong trường hợp vết cắn nặng (gần đầu, cổ, hoặc vết thương sâu) để cung cấp kháng thể ngay lập tức.

+ Theo dõi con vật: Nếu có thể, nhốt và theo dõi con chó trong 10-14 ngày. Nếu chó vẫn khỏe mạnh sau thời gian này, nguy cơ lây dại giảm đáng kể. Báo cáo cho cơ quan thú y địa phương nếu chó có dấu hiệu bất thường (chảy dãi, hung dữ, co giật).

+ Chăm sóc vết thương: Theo dõi vết thương để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đỏ, mủ). Nếu cần, bác sĩ có thể kê kháng sinh hoặc tiêm phòng uốn ván. Những bước này cần được thực hiện khẩn trương, vì bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần 100% khi xuất hiện triệu chứng, ngay cả khi vết cắn nhỏ hoặc do chó con gây ra. 

- Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, bạn nên lưu ý thêm một số vấn đề sau: 

+ Hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã và không nên tiếp xúc gần với chó, mèo. Tốt nhất, bạn nên giữ khoảng cách an toàn với chúng, không nên nuôi hoặc chạm vào chó, mèo khi chưa biết tiền sử tiêm phòng dại trước đó của chúng. 

Bạn nên hạn chế tiếp xúc với động vật không rõ nguồn gốc và không rõ lịch sử tiêm phòng

+ Giữ vệ sinh cá nhân: Nếu vừa tiếp xúc với động vật, đặc biệt là tiếp xúc với dịch, chất bẩn của động vật, bạn nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn. Trước khi rửa tay, không nên chạm tay vào miệng hoặc mắt để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh từ động vật. 

+ Không nên chơi đùa quá mức với chó con. Chó con thường rất hiếu động, nghịch ngợm. Vì thế, khi bạn đùa quá mức, chó con rất có thể cắn bạn, gây vết thương trên da và nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bạn. 

+ Không nên ngủ chung với chó con dù bạn có yêu thương chúng đến mức nào, nhất là khi chúng chưa được tiêm phòng dại. 

+ Phòng dại cho thú cưng: Nếu bạn yêu thích động vật và đang nuôi động vật, bạn cần lưu ý đặc biệt đến việc phòng dại cho thú cưng. Để phòng bệnh dại cho vật nuôi, bạn cần lưu ý những điều sau: 

  • Đưa thú cưng đi tiêm phòng dại mỗi năm: Khi chó mẹ đã được tiêm phòng dại, chó con cũng cần được tiêm vắc xin phòng ngừa virus dại khi chúng đủ 3 tháng tuổi. Đối với những trường hợp chó mẹ chưa được tiêm phòng dại, bạn nên tiêm phòng dại cho chó con khi chúng đạt 4 tuần tuổi. 
  • Lưu ý về chế độ ăn của chó: Bạn nên chuẩn bị đồ ăn riêng cho chúng và không nên cho ăn chung với những con vật khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nếu không biết rõ nguồn gốc của thực phẩm, bạn cũng không nên cho có ăn. 
  • Khi đưa chó con đi chơi, bạn nên sử dụng rọ mõm cho chó để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh. 
  • Thường xuyên vệ sinh chuồng chó và môi trường xung quanh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. 
  • Nếu thú cưng có biểu hiện bất thường, cần đưa đến cơ sở thú y để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Trường hợp chó có dấu hiệu nghi ngờ bệnh dại, cần nhốt chó lại, giữ khoảng cách an toàn và liên hệ đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn cách xử lý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. 

Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi “chó con cắn có bị dại không” và một số lưu ý phòng ngừa bệnh dại hiệu quả. Những người bị chó cắn nên xử lý vết thương nhanh chóng và tiêm phòng dại kịp thời. 

Tiêm vắc xin để phòng bệnh dại hiệu quả

Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sức khỏe, tiêm phòng dại, quý khách vui lòng liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ tư vấn và hướng dẫn chi tiết hơn cho bạn. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.