Các tin tức tại MEDlatec

Chuyên gia tư vấn cách điều trị rách cơ do chấn thương chóp xoay

Ngày 22/09/2022
Rách cơ do chấn thương chóp xoay xảy ra thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Nếu người bệnh xem nhẹ bỏ qua tình trạng này và không kịp thời điều trị thì sẽ dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng, nặng nhất là biến chứng đứt khớp vai làm ảnh hưởng tới chức năng vận động sau này.

1. Thế nào là rách cơ do chấn thương chóp xoay?

Cơ chóp xoay ở bả vai được cấu tạo bởi các bó gân khớp vai, bao gồm cơ trên vai, cơ dưới vai, cơ tròn bé và cơ dưới gai. Vai trò của nhóm gân này đó là giữ vững khớp vai khi hoạt động, đồng thời giúp hỗ trợ chỏm xương cánh tay có thể xoay quanh ổ chảo một cách dễ dàng hơn.

Tình trạng chấn thương hoặc rách cơ chóp xoay thường xảy ra ở người trung niên trên 40 tuổi hoặc là do khi chúng ta vận động, chơi thể thao ở cường độ mạnh.

Cấu trúc cơ chóp xoay

Ban đầu bệnh nhân bị chấn thương chóp xoay sẽ có triệu chứng là đau vùng vai, sau đó cơn đau lan dần về vùng cánh tay trên khuỷu và cả vùng cổ. Người bệnh bị đau nhiều về ban đêm, đặc biệt là khi nằm ở tư thế nghiêng về vùng vai bị tổn thương. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm và đúng cách thì sẽ làm suy yếu lực cánh tay, teo cơ hoặc thậm chí là đứt cơ chóp xoay.

2. Nguyên nhân dẫn đến chấn thương chóp xoay

Chấn thương chóp xoay làm rách cơ ở bộ phận này phần lớn là xuất hiện ở những người vận động mạnh thường xuyên hoặc tập luyện, thực hiện lặp đi lặp lại những động tác gây tổn thương cho vùng khớp vai. Các tư thế rất dễ dẫn đến tình trạng này đó là:

  • Đột ngột đưa cánh tay mạnh về phía sau;

  • Bị ngã khi đang ở trong tư thế dang rộng cánh tay;

  • Hay nâng vác vật nặng từ dưới đất nhấc qua khỏi đầu.

Rách cơ do chấn thương chóp xoay thường bắt gặp ở những vận động viên hoặc người chơi các bộ môn thể thao như bóng chày, tennis, bắn cung hoặc bóng rổ,... Ngoài ra người làm công việc nặng hay phải bê vác cũng có nguy cơ cao bị rách cơ chóp xoay.

3. Rách cơ do chấn thương chóp xoay được chẩn đoán bằng những phương pháp nào?

Để giúp xác định tình trạng chấn thương chóp xoay, bác sĩ cần dựa trên những triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải, thông qua khám thực thể và vận dụng những chỉ định cận lâm sàng sau mới đưa ra kết luận chính xác về bệnh:

  • Siêu âm khớp vai: phương pháp này giúp cung cấp những hình ảnh mô tả rõ cấu trúc gân vùng khớp vai, thông qua đó bác sĩ sẽ quan sát được cơ khớp vai đang ở trong tình trạng như thế nào, mức độ tổn thương ra sao;

  • Chụp X-quang vùng khớp vai: hình ảnh thu được từ phương pháp chụp X-quang giúp bác sĩ kiểm tra chấn thương đối với cấu trúc xương và khả năng thoái hóa bộ phận khớp vai;

  • Nội soi khớp vai: kết quả sau khi nội soi không những giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng cơ chóp xoay mà còn phục vụ cho công tác điều trị về sau;

  • Chụp Cộng hưởng từ (MRI) khớp vai: đây được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý về khớp vai, trong đó có chấn thương chóp xoay. Đặc biệt, chụp cộng hưởng từ MRI nếu kết hợp sử dụng thuốc cản quang hoặc bơm thuốc tương phản sẽ càng cho ra kết quả rõ ràng, chính xác hơn.

Rách cơ do chấn thương chóp xoay xảy ra thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên

4. Làm sao để khắc phục tình trạng rách cơ do chấn thương chóp xoay?

Dựa trên mức độ rách của cơ chóp xoay khi gặp phải chấn thương mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương án điều trị phù hợp nhất. Hiện có 2 phương pháp thường được áp dụng trong điều trị chấn thương chóp xoay đó là điều trị nội khoa thông qua dùng thuốc và ngoại khoa là vận dụng phẫu thuật.

4.1. Điều trị chấn thương chóp xoay bằng thuốc

Nếu bệnh nhân chỉ bị chấn thương nhẹ hoặc rách nhẹ cơ chóp xoay thì bác sĩ sẽ thường chỉ định cho dùng thuốc kháng viêm và giảm đau không steroid. Ngoài ra bệnh nhân cần kết hợp điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động của khớp vai.

Cần đặc biệt lưu ý rằng phải tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không được đổi loại thuốc, tăng hay giảm liều lượng hoặc ngưng sử dụng khi chưa có chỉ định cụ thể. Nếu điều trị đúng thuốc và tập luyện đúng cách, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng chỉ sau vài tháng và có thể vận động như bình thường.

4.2. Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn đối với những trường hợp cơ chóp xoay bị tổn thương nặng, thậm chí là rách hoàn toàn. Bệnh nhân cần được khâu lại gân và sau khi hoàn thành phẫu thuật, bệnh nhân cần hạn chế cử động khớp vai từ 3 - 6 tuần. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tập vật lý trị liệu phù hợp để tránh làm cứng khớp trong thời gian điều trị phục hồi.

Hiện nay thủ thuật khâu nội soi đã được chỉ định phổ biến hơn để hạn chế tối đa những tổn thương cho các cơ lành xung quanh vị trí cơ chóp xoay bị rách. Phương pháp này còn có một ưu điểm là tốc độ hồi phục thường sẽ nhanh hơn so với mổ mở truyền thống. Tuy nhiên bác sĩ thực hiện kỹ thuật khâu gân nội soi phải là người dày dặn kinh nghiệm và được tập huấn kỹ càng.

5. Có cách nào giúp phòng ngừa chấn thương chóp xoay?

Bất kỳ chấn thương nào kể cả là chấn thương chóp xoay thì bệnh nhân cũng đều gặp nhiều trở ngại trong vận động, sinh hoạt hàng ngày và đến gần hơn với nguy cơ thoái hóa khớp sớm. Bệnh nhân nếu không được điều trị tích cực ngay từ đầu thì sẽ gặp phải tình trạng cứng cơ, teo cơ hoặc bị liệt. Vì vậy để phòng ngừa nguy cơ chấn thương chóp xoay, chúng ta nên:

  • Tránh thực hiện các vận động đột ngột và gắng sức;

  • Nếu là người đã có tuổi, không nên mang vác hoặc xách đồ quá nặng;

  • Nên tập những bài thể dục tốt cho cơ vai, hạn chế chấn thương chóp xoay;

  • Nên từ bỏ thuốc lá và hạn chế hàm lượng cholesterol trong cơ thể vì đây là những yếu tố làm chậm khả năng hồi phục cơ gân;

  • Trong trường hợp có các cơn đau ở vai xuất hiện thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn đối với những trường hợp cơ chóp xoay bị tổn thương nặng

Trên đây là những chia sẻ của các chuyên gia MEDLATEC về tình trạng chấn thương chóp xoay. Nếu bạn cần được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu thăm khám cơ xương khớp, hãy liên hệ ngay tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch ngay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.