Các tin tức tại MEDlatec

Đau dạ con sau sinh và 5 cách khắc phục hiệu quả

Ngày 16/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đau dạ con sau sinh là các cơn đau xảy ra sau sinh khi tử cung co thắt để đẩy các mô và máu thừa ra ngoài. Vậy tình trạng này cụ thể là như thế nào, nguyên nhân ra sao và chị em có thể làm gì để kiểm soát nó không? Thông qua bài viết này, MEDLATEC sẽ đồng hành với bạn để tìm câu trả lời cho những câu hỏi liên quan đó.

1. Tình trạng đau dạ con sau sinh

Trước khi tìm hiểu làm sao để khắc phục tình trạng đau dạ con sau sinh, chúng ta hãy cùng xem đâu là nguyên nhân dẫn đến cơn đau này nhé.

1.1. Tình trạng đau dạ con sau sinh là gì?

Theo đó, đây là tình trạng để chỉ các cơn đau mà chị em phụ nữ sau khi sinh gặp phải bởi hiện tượng co thắt tử cung. Theo đó, vào thời gian mẹ bầu mang thai, tử cung sẽ được giãn nở theo từng giai đoạn phát triển cụ thể của em bé trong bụng. Và nó sẽ bắt đầu thực hiện co thắt sau khi mẹ sinh em bé chào đời nhằm trở về với kích thước ban đầu của mình. Điều này vô tình làm xuất hiện các cơn đau ở bụng, những cơn co tử cung giúp đẩy các mô cùng máu thừa ra bên ngoài.

Đau dạ con sau sinh là cơn đau bởi sự co thắt tử cung

Tùy thuộc cơ địa của mẹ mà tình trạng đau dạ con sau sinh hay kéo dài trong khoảng từ hai đến ba ngày, hoặc có khi lâu hơn. Hai ngày đầu sau khi sinh là khoảng thời gian mẹ sẽ phải chịu đựng cơn đau nhiều nhất và sang ngày thứ ba nó sẽ giảm dần đi. Tử cung sẽ co lại càng nhanh khi cơn đau xảy ra càng mạnh. Các trường hợp tử cung có độ đàn hồi tốt hơn khi lần đầu làm mẹ sẽ cảm thấy bớt đau hơn khi so sánh với cơn đau ở các chị em phụ nữ đã có lần từng sinh nở trước đó.

1.2. Nguyên nhân gây đau dạ con sau sinh

Về nguyên nhân của tình trạng đau dạ con sau sinh, một phần là bởi khi trẻ được sinh ra đời, tử cung của người mẹ vẫn phải tiếp tục thực hiện việc co bóp nhằm mục đích đẩy sản dịch ra ngoài để có thể trở về trạng thái như ban đầu. Bên cạnh đó, một phần khác là do khi sinh em bé, cơ thể mẹ đã gần như kiệt sức, bị yếu đi và sức chịu đựng đồng thời trở nên kém hơn. Điều này làm cho cảm giác đau sẽ nhiều hơn khi tử cung thực hiện co thắt. Mẹ càng cảm thấy đau hơn khi cho bé bú bởi vào lúc đó tử cung co bóp nhiều hơn khiến cơn đau tăng lên.

2. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng đau dạ con sau sinh?

Các mẹ gặp bị đau dạ con sau sinh có thể áp dụng một số cách sau đây để góp phần giảm bớt tình trạng này. Cụ thể là:

2.1. Massage bụng

Đây là một cách mà mẹ có thể áp dụng để giảm cơn đau dạ con sau sinh. Bằng việc thực hiện massage bụng, mẹ có thể làm suy giảm tức thì cơn đau dạ con cũng như góp phần hỗ trợ trong việc đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.

Về cách massage, việc này tương đối đơn giản. Cụ thể, chị em hãy tiến hành sờ trên bụng của mình, kiểm tra xem chỗ nào có xuất hiện khối hơi cứng thì chính là dấu hiệu tử cung đang thực hiện co bóp. Sau đó, dùng tay xoa theo chiều kim đồng hồ quanh vùng bụng cứng đó cho tới lúc cảm thấy mềm cũng như dần hết đau là được.

2.2. Nhẹ nhàng thay đổi tư thế khi nằm

Trong trường hợp mẹ đẻ thường, có thể nằm sấp nhẹ nhàng, đặt một chiếc gối dưới bụng để có thể làm giảm cơn đau tức thời. Nhưng cách này rất khó thực hiện nếu mẹ sinh mổ.

Đi kèm với đó, vào lúc ngủ, tư thế mẹ nên nằm đó là nằm nghiêng kèm theo một chiếc gối kê bên thành bụng hay lưng sau. Nó có thể giúp các mẹ thoải mái nhất đồng thời cũng không làm ngăn cản và gây ảnh hưởng đến hoạt động của dạ con.

2.3. Cho con bú

Cách này cũng có thể giúp mẹ giảm đi cơn đau dạ con sau sinh. Theo đó, lúc mẹ cho con bú, cơ thể sẽ giải phóng ra hormone oxytocin làm cho tử cung co hồi nhanh hơn cũng như giảm nguy cơ mất máu. Bác sĩ cũng có lời khuyên đối với trường hợp các mẹ gặp phải tình trạng đau dạ con sau sinh nên cho bé bú càng nhiều càng tốt. Bởi vì bé bú chính là cách giúp tử cung co hồi về bình thường một cách nhanh nhất. Nhưng thay vì chịu đựng cảm giác đau âm ỉ ngày qua ngày, thì thời gian mẹ bị đau sẽ nhanh chóng qua đi, trong khi đó em bé vẫn được ăn no sữa cùng sự duy trì ổn định lượng sữa mẹ ngay từ đầu.

Cho con bú càng nhiều càng tốt cũng là một cách khác giúp mẹ giảm đi cơn đau

2.4. Có thể tập luyện nhẹ khi nằm

Để không làm xuất hiện trạng thái co cứng ở các cơ của cơ thể đồng thời hỗ trợ sản dịch được đẩy ra nhanh hơn, mẹ sau sinh 1 tháng nên tập cử động vùng khung sàn chậu cùng những cơ bắp thành bụng. Không chỉ vậy, điều này còn có thể giúp cơ cùng các dây chằng sàn chậu được đàn hồi tốt hơn, góp phần hạn chế tình trạng sa tạng vùng chậu sau sinh.

2.5. Ăn thực phẩm có khả năng giúp làm giảm nhanh các cơn đau dạ con

Ngoài ra, để giúp làm giảm nhanh các cơn đau dạ con mà mẹ sau sinh gặp phải, có thể ăn một số thực phẩm và món ăn gồm có gân bò hầm đu đủ xanh, gà rang nghệ, uống nước cam ấm,...

Uống nước cam góp phần giúp làm giảm đau dạ con sau sinh

3. Mẹ bị đau dạ con sau sinh nên lưu ý gì?

Nếu mẹ bị đau dạ con sau sinh thì cần nên lưu ý một số điều sau đây để không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

  • Không được tự ý chườm nóng ngay sau sinh.

  • Không tự dùng thuốc giảm đau bừa bãi khi bác sĩ chưa được chỉ định.

  • Tránh nhịn tiểu mà nên uống nhiều nước, thường xuyên đi tiểu.

  • Thực hiện vận động nhẹ nhàng.

Mẹ sau sinh bị đau dạ con nên lưu ý một số điều

Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp đến bạn đọc một số thông tin liên quan đến tình trạng đau dạ con sau sinh. Trong trường hợp mẹ bị đau dạ con kéo dài sau sinh mà không thấy có sự thuyên giảm hoặc kèm theo xuất hiện một số triệu chứng bất thường như: chảy máu âm đạo, ra dịch âm đạo bất thường, hôi, có sốt,.. nên sớm đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị.

Nếu vẫn cần được tư vấn thêm về vấn đề này, quý khách hàng hãy liên hệ tới tổng đài: 1900 56 56 56 để các sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ giải đáp.

Từ khoá: Thuốc giảm đau

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.