Các tin tức tại MEDlatec

Dấu hiệu mẹ ít sữa: Nhận biết và cách khắc phục hiệu quả

Ngày 25/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nuôi con bằng sữa mẹ là điều mà hầu hết các mẹ đều mong muốn vì lợi ích to lớn mà sữa mẹ mang lại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một số mẹ có thể gặp phải tình trạng ít sữa sau khi sinh, sữa không đủ cung cấp cho bé. Vậy dấu hiệu mẹ ít sữa là gì, nguyên nhân và cách khắc phục ra sao? Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Dấu hiệu mẹ ít sữa sau khi sinh

Hiểu rõ các dấu hiệu mẹ ít sữa là điều quan trọng giúp mẹ nhận biết sớm và có hướng giải quyết kịp thời cho tình trạng ít sữa của mình. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến mà mẹ có thể gặp phải:

1.1 Bé bú không lâu, quấy khóc sau khi bú:

Khi mẹ ít sữa, bé sẽ khó khăn hơn trong việc lấy sữa, dẫn đến việc bé có xu hướng bỏ bú sớm hoặc bú ít hơn bình thường. Mẹ có thể nhận thấy bé bú không lâu, có vẻ không hài lòng, miệng di chuyển liên tục để tìm bầu vú hoặc quấy khóc ngay sau khi bú.

Bé quấy khóc sau khi bú có thể là dấu hiệu mẹ ít sữa

1.2 Bé đi tiểu ít:

Sữa mẹ có khoảng 90% là nước, do đó, trẻ bú đủ sữa sẽ đi tiểu thường xuyên. Nếu mẹ nhận thấy trẻ đi tiểu ít hơn 6 lần mỗi ngày, đây có thể là dấu hiệu trẻ không nhận đủ sữa mẹ do mẹ ít sữa. Việc theo dõi số lần thay tã ướt hàng ngày là cách tốt để kiểm tra lượng sữa trẻ bú vào.

1.3 Mẹ không cảm nhận được ngực căng sữa: 

Thông thường, ngực mẹ sẽ cảm thấy căng khi sữa đã đầy, đặc biệt là vào những giờ bé bú. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy ngực không căng trong suốt quá trình cho con bú, đây có thể là dấu hiệu của việc thiếu sữa.

1.4 Lượng sữa khi vắt ra giảm dần: 

Nếu mẹ vắt sữa và nhận thấy lượng sữa ngày càng giảm, đây có thể là một biểu hiện của tình trạng ít sữa. Lượng sữa trung bình mỗi lần vắt nên nằm trong khoảng 90-150ml, tùy thuộc vào thời gian và số lần cho bé bú.

1.5 Bé tăng cân không đều đặn: 

Khi bé không nhận đủ lượng sữa cần thiết, trọng lượng của bé có thể không tăng theo biểu đồ tăng trưởng bình thường. Bé cũng có thể tỏ ra mệt mỏi, không hoạt động nhanh nhẹn và hay quấy khóc vì đói.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ ít sữa

Tình trạng mẹ ít sữa sau sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

- Cách cho con bú không đúng hoặc bé ngậm sai đầu vú có thể dẫn đến việc mẹ không tiết đủ sữa. 

- Nếu mẹ không cho bé bú thường xuyên hoặc không kích thích đầu vú đều đặn, cơ thể mẹ sẽ giảm tiết sữa. Khi bé không bú đủ hoặc mẹ không vắt sữa, quá trình sản xuất sữa cũng sẽ chậm lại.

- Tâm trạng của mẹ sau sinh có ảnh hưởng lớn đến việc tiết sữa. Nếu mẹ cảm thấy căng thẳng, lo lắng, hoặc trầm cảm sau sinh, cơ thể mẹ có thể giảm sản xuất hormone oxytocin - hormone cần thiết để kích thích tiết sữa.

Tâm trạng của mẹ sau sinh có ảnh hưởng lớn đến việc tiết sữa

- Một số tình trạng bệnh lý như bệnh lý về tuyến vú hoặc hội chứng buồng trứng đa nang, tiểu đường, tuyến giáp có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa của mẹ.

- Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh không đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là thiếu nước và các vitamin, khoáng chất quan trọng, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ít sữa.

- Sau khi sinh, mẹ cần nhiều thời gian để hồi phục và chăm sóc bé. Nếu không có đủ thời gian nghỉ ngơi, cơ thể mẹ sẽ mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa. Việc nghỉ ngơi đầy đủ và đảm bảo thời gian ngủ là yếu tố quan trọng để duy trì lượng sữa mẹ ổn định.

- Một số loại thực phẩm như rau mùi tây, bạc hà, lá lốt, hoặc thực phẩm có nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng và các loại đồ uống có cồn có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa. Để đảm bảo lượng sữa đủ cho bé, mẹ nên tránh những loại thực phẩm này.

- Tình trạng sót nhau, tức là một phần nhau thai vẫn còn bám lại trong tử cung sau sinh, cũng có thể làm cản trở quá trình tiết sữa. Điều này làm cơ thể mẹ tăng hormone progesterone, một loại hormone ức chế quá trình sản xuất sữa.

- Sự thay đổi nội tiết tố sau khi sinh có thể dẫn đến tình trạng rối loạn hormone, bao gồm các hormone cần thiết cho việc tạo sữa. 

- Nếu mẹ bị thiếu máu sau sinh, máu không đủ lưu thông đến các cơ quan, gây ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.

3. Trường hợp nào mẹ sau sinh ít sữa cần gặp bác sĩ?

Dù tình trạng ít sữa sau sinh là khá phổ biến, nhưng trong một số trường hợp, mẹ cần đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Những trường hợp này bao gồm

- Sữa giảm đáng kể trong một thời gian ngắn: Nếu mẹ đột ngột nhận thấy lượng sữa giảm rõ rệt và kéo dài hơn 1 tuần, mẹ nên gặp bác sĩ để được kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân.

- Vú bị viêm, sưng đau, cứng, hoặc cảm thấy đau khi cho bé bú: Đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề liên quan đến vú, chẳng hạn như viêm tuyến vú hoặc viêm vú, làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa.

- Bé không tăng cân hoặc giảm cân: Nếu bé có dấu hiệu không tăng cân trong suốt quá trình bú mẹ, thậm chí giảm cân, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bé.

- Cảm thấy mệt mỏi quá mức hoặc có triệu chứng bất thường: Khi mẹ cảm thấy quá mệt mỏi, chóng mặt, hoặc có những triệu chứng bất thường khác, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe cần được điều trị kịp thời.

4. Mẹ có thể làm gì để phòng ngừa tình trạng ít sữa?

Để phòng ngừa tình trạng mẹ ít sữa, mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Trang bị kiến thức: Mẹ nên chủ động chuẩn bị và trang bị kiến thức vững chắc về nuôi con bằng sữa mẹ từ khi mang thai. 

- Da kề da sau sinh: Ngay sau khi sinh, nên để trẻ da kề da với mẹ càng sớm càng tốt để trẻ tận hưởng được những giọt sữa non quý giá, bổ dưỡng, đồng thời giúp kích thích sữa về nhiều hơn.

- Cho bé bú đúng cách và đều đặn: Hãy đảm bảo rằng bé ngậm vú đúng và bú đủ lượng cần thiết. Nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên, cả ngày lẫn đêm. Cho trẻ ti mẹ trực tiếp, hạn chế sử dụng ti giả và cho trẻ bú đều hai bên bầu ngực để kích thích quá trình sản xuất sữa.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết để mẹ duy trì sức khỏe và đảm bảo sản xuất đủ sữa. Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm, vitamin, khoáng chất và uống đủ nước hàng ngày.

Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết để mẹ duy trì sức khỏe và đảm bảo sản xuất đủ sữa cho bé

- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng: Căng thẳng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ít sữa. Mẹ cần duy trì tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ và tìm sự hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè khi cần thiết. Mẹ cũng nên chia sẻ những kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ với gia đình, người thân xung quanh để nhận được sự thấu hiểu, động viên và hỗ trợ tích cực trong quá trình con nhỏ.

- Sử dụng máy vắt sữa: Nếu mẹ không thể cho bé bú thường xuyên, việc sử dụng máy vắt sữa có thể giúp duy trì lượng sữa sản xuất và dự trữ sữa cho bé.

- Thăm khám định kỳ: Sau sinh, mẹ nên thăm khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe toàn diện và phát hiện sớm các vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa.

Nhận biết sớm dấu hiệu mẹ ít sữa và hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp mẹ có thể điều chỉnh kịp thời, đảm bảo cung cấp đủ sữa cho bé. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng ít sữa kéo dài và không thể khắc phục, mẹ nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ mẹ trong việc thăm khám và tư vấn về sức khỏe sau sinh, cũng như các vấn đề liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm tại MEDLATEC sẽ giúp mẹ tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe, mẹ có thể liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch hẹn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.