Các tin tức tại MEDlatec
Đau mắt hàn là gì? Cách chữa như thế nào?
- 01/03/2024 | Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi và lời giải đáp từ bác sĩ Nhãn khoa
- 16/09/2024 | Đau nửa đầu kèm đau mắt là do nguyên nhân nào?
- 04/10/2024 | Đau mắt đỏ do virus lây như thế nào và biện pháp phòng tránh
- 23/10/2024 | Trẻ bị đau mắt đỏ - Những lưu ý trong cách chăm sóc và phòng ngừa
1. Đau mắt hàn là gì?
Trước khi tìm hiểu về cách chữa đau mắt hàn, bạn cần hiểu rõ về khái niệm này. Đây là tình trạng mắt của người bệnh bị tiếp xúc với tia lửa hàn hay mạt sắt hoặc bụi kim loại khi hàn kim loại và khiến cho mắt bị sưng đỏ, bỏng rát.
Đau mắt hàn do người bệnh tiếp xúc với tia lửa điện
Nguyên nhân đau mắt hàn thường do người thợ không đeo đồ bảo hộ khi hàn kim loại, những người thợ mới chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến sai sót hoặc các trường hợp vô tình tiếp xúc với tia lửa hàn. Không những vậy, tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh nắng mặt trời gây viêm kết mạc, viêm giác mạc cũng có thể gây đau mắt hàn.
Triệu chứng đau mắt hàn thường gặp bao gồm sưng đỏ vùng mí mắt, người bệnh thường xuyên chảy nước mắt, mắt bị đau rát, cảm giác như có dị vật trong mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng và nhìn mờ,...
Người bệnh bị đau và đỏ mắt
Khoảng vài ngày sau khi tiếp xúc với tia lửa điện, các triệu chứng đau mắt hàn có thể được cải thiện. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng và không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương võng mạc và thủy tinh thể. Thậm chí, những tia lửa điện này còn có thể làm biến đổi cấu trúc và tỉ lệ phân tử protein, cuối cùng dẫn đến đục thủy tinh thể, suy giảm thị lực.
Không những vậy, ánh sáng hồ quang trong quá trình hàn kim loại cũng có thể khiến cho tế bào thị giác cũng như biểu mô sắc tố võng mạc bị tổn thương nghiêm trọng. Điều này dẫn đến giảm khả năng tụ ảnh cho mắt, cuối cùng có thể gây mù lòa.
2. Chữa đau mắt hàn bằng cách nào?
- Cách chữa tại nhà:
+ Trước hết, cần phải loại bỏ tất cả những bụi bẩn ra khỏi mắt để làm dịu mắt bằng nước mắt nhân tạo. Sau khi đã mắt đã được loại bỏ hết bụi bẩn, bạn dùng khăn lạnh để đắp lên mắt để mắt nhanh chóng giảm cảm giác nóng rát. Có thể dùng đá cho vào khăn sạch hoặc túi chườm. Lưu ý không cho đá trực tiếp lên mắt để hạn chế nguy cơ tổn thương mắt.
Sau khi đã hoàn tất những bước trên, bạn hãy để mắt nghỉ ngơi bằng cách ngủ một giấc. Để mắt có thể phục hồi nhanh chóng, bạn nên hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu vẫn lạm dụng điện thoại, máy tính,... trong thời gian này, mắt của bạn sẽ bị quá tải, mệt mỏi hơn và tình trạng đau mắt hàn sẽ nghiêm trọng hơn.
Nếu đã áp dụng phương pháp này trong khoảng 1 đến 2 ngày mà vẫn đau mắt, bạn không nên chủ quan mà hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh.
- Cách chữa mắt hàn hiệu quả bằng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để làm sạch dị vật trong mắt người bệnh và khắc phục tình trạng đau mắt. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp, bao gồm thuốc nhỏ mắt kháng sinh, nước mắt nhân tạo, thuốc giãn đồng tử,... Tác dụng của những loại thuốc này là giảm triệu chứng đau mắt, phòng ngừa nhiễm trùng và hạn chế nguy cơ để lại sẹo ở mắt. Trong trường hợp đau mắt hàn nghiêm trọng, bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau để giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau hiệu quả.
Nên đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Nếu sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ thì bệnh sẽ phục hồi sau 3 đến 4 ngày dùng thuốc. Tuy nhiên, ngay cả khi triệu chứng đau mắt đã thuyên giảm, người bệnh vẫn cần tái khám để được kiểm tra mắt và đảm bảo mắt đang trong quá trình phục hồi.
Khi điều trị đau mắt hàn bằng thuốc, bạn vẫn có thể chườm khăn lạnh lên mắt. Lúc này, bạn không nên xem tivi và dùng điện thoại, đồng thời cũng không nên đọc nhiều sách báo. Nếu phải ra ngoài hoặc phải tiếp xúc với ánh sáng mạnh, bạn nên đeo kính râm để bảo vệ mắt và giúp cho mắt sớm bình phục.
3. Hướng dẫn phòng tránh đau mắt hàn
Khi xảy ra tình trạng đau mắt hàn, bệnh nhân không chỉ bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà công việc cũng sẽ bị gián đoạn. Do đó, việc phòng ngừa bệnh là rất cần thiết, đặc biệt đối với những trường hợp thợ hàn và những người thường xuyên phải tiếp xúc với tia lửa điện hàn. Bạn hãy chủ động phòng ngừa bằng những cách sau:
- Hãy bảo vệ mình, đặc biệt là bảo vệ đôi mắt trong quá trình làm việc bằng cách mang đầy đủ các đồ bảo hộ, bao gồm kính hàn điện tử, mặt nạ hàn hay mũ hàn,...
Đội mũ chuyên dụng để che chắn và bảo vệ mắt khi hàn xì
- Khu vực hàn nên được tách biệt hoàn toàn với những khu vực xung quanh để hạn chế trường hợp vô tình đi qua và bị tiếp xúc với tia lửa hàn. Nếu làm việc trong không gian hẹp, bạn nên tạo vách ngăn để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh.
- Trường hợp không may bị đau mắt hàn, bạn không nên dụi mắt.
- Luôn đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi dùng thuốc nhỏ mắt hay vệ sinh mắt.
Như vậy với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh đau mắt hàn và các phương pháp điều trị bệnh, đồng thời là những cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Lời khuyên cho bạn là hãy đi khám sớm nếu có nghi ngờ bị đau mắt hàn. Khi đến cơ sở y tế chuyên khoa, bác sĩ sẽ thăm khám và hướng dẫn cách điều trị phù hợp nhất cho bạn, để đảm bảo phòng ngừa nguy cơ biến chứng và giúp mắt sớm phục hồi.
Để được tư vấn chi tiết hơn hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!