Các tin tức tại MEDlatec

Điểm danh những loại thuốc tăng huyết áp phổ biến hiện nay

Ngày 06/04/2023
Một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhất đó chính là huyết áp cao. Bệnh thường phát triển trong âm thầm, ban đầu không có triệu chứng rõ ràng nhưng về lâu dài nếu không được chẩn đoán và điều trị từ sớm, đúng cách thì huyết áp cao có thể gây tổn thương tim, mạch máu, thận và não. Thuốc tăng huyết áp là biện pháp điều trị chính được sử dụng để kiểm soát tình trạng này.

1. Đại cương về cao huyết áp

1.1. Phân loại huyết áp cao

Huyết áp cao được phân thành 2 dạng:

  • Huyết áp tăng tiên phát: chiếm phần lớn các trường hợp;

  • Huyết áp tăng thứ phát: huyết áp tăng chỉ là triệu chứng của một bệnh lý nào đó như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ hay u tuyến thượng thận,...

Trong đó tăng huyết áp tiên phát (tăng huyết áp không rõ nguyên nhân) có tỷ lệ mắc cao, xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể khiến máu bị lưu thông kém, tổn thương thận, đau tim, suy tim, đột quỵ,...

Huyết áp cao thường tiến triển trong âm thầm ít triệu chứng rõ ràng nhưng lại rất nguy hiểm

Những người bị huyết áp cao cần phải theo dõi, điều trị và gắn bó với thuốc cả đời. Mỗi ngày bệnh nhân nên dùng thuốc tăng huyết áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để duy trì được mức độ ổn định của huyết áp dưới mức 140/90 mmHg. Việc quản lý tốt chỉ số huyết áp sẽ giúp người bệnh sống khỏe và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra.

1.2. Tìm hiểu chung về thuốc tăng huyết áp

Khi chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tăng huyết áp, bác sĩ cần cân nhắc đến các vấn đề sau:

  • Giới tính, tuổi tác của bệnh nhân;

  • Chỉ số huyết áp hiện tại;

  • Các bệnh lý nền mà người bệnh đang mắc phải như mỡ máu, tiểu đường, bệnh về tim mạch,...;

  • Những tác dụng phụ của thuốc;

  • Giá thành của các loại thuốc.

Nhiều trường hợp phải dùng kết hợp hai hoặc nhiều thuốc tăng huyết áp khác nhau để huyết áp được đảm bảo luôn ở mức ổn định. Thuốc tăng huyết áp được phân theo 2 cấp độ như sau:

  • Thuốc điều trị huyết áp cao độ 1: bệnh nhân chỉ sử dụng 1 trong các nhóm thuốc sau: thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu thiazid dùng với liều thấp, thuốc chẹn beta giao cảm và thuốc chẹn kênh canxi;

  • Thuốc điều trị huyết áp cao độ 2 trở lên: người bệnh cần dùng phối hợp 2 loại thuốc (thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II hoặc thuốc ức chế men chuyển).

Ngoài việc dùng thuốc bệnh nhân cần kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Trong quá trình dùng thuốc tăng huyết áp nếu bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn thì cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn hoặc dùng thuốc khác để thay thế.

2. Các loại thuốc tăng huyết áp được dùng phổ biến hiện nay

2.1. Thuốc ức chế men chuyển ACE

Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là tác động đến quá trình sản sinh hormone trong cơ thể. Cụ thể là thuốc giúp ngăn chặn sự sản xuất enzyme có nhiệm vụ tạo ra hormone angiotensin - loại hormone khiến huyết áp tăng cao. Một số loại thuốc nằm trong nhóm này bao gồm: lisinopril, Benazepril, quinapril, captopril, ramipril, moexipril, fosinopril,...

Ho khan là một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất khi sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra những triệu chứng khác ít gặp hơn bao gồm phát ban ngoài da và giảm chức năng vị giác. Thuốc được khuyến cáo là không phù hợp cho phụ nữ mang thai vì có thể tác động lên thai nhi.

2.2. Nhóm thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng giúp thải bỏ bớt lượng nước dư thừa trong cơ thể, hỗ trợ chức năng thận và hạ huyết áp. Các thuốc tăng huyết áp nhóm lợi tiểu thường được chỉ định bao gồm: Chlorothiazide, Hydrochlorothiazide, Indapamide,...

Dùng thuốc lợi tiểu có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ như tiểu nhiều lần (nhất là thời gian đầu mới dùng thuốc) nhưng bác sĩ thường sẽ chỉ định bệnh nhân bắt đầu điều trị với liều thấp nên tác dụng phụ này thường nhẹ. Ngoài ra việc tiểu nhiều còn có khả năng dẫn tới mất nhiều nước, gây yếu cơ, khô miệng. Để không gặp phải tình trạng này, người bệnh nên uống đủ nước đặc biệt là sau khi vận động, khi thời tiết nắng nóng. Loại thuốc này cũng không dành cho người bị Gout.

Nhiều trường hợp phải kết hợp các thuốc tăng huyết áp khác nhau để đảm bảo ổn định huyết áp

2.3. Thuốc chẹn beta

Công dụng của các thuốc chẹn beta là hỗ trợ hạ áp, thông qua cơ chế bảo vệ cơ tim khỏi những hormone gây căng thẳng và điều hòa nhịp tim. Các loại thuốc chẹn beta được sản xuất theo nhiều loại khác nhau, ví dụ như: acebutolol, nadolol, betaxolol, metoprolol, nebivolol, atenolol, bisoprolol,...

Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân loại thuốc phù hợp, nếu khi sử dụng nếu bệnh nhân muốn ngưng thuốc thì cần hỏi ý kiến bác sĩ bởi vì dừng thuốc đột ngột có thể khiến huyết áp tăng đột xuất rất nguy hiểm.

Thuốc chẹn beta có thể gây ra một số tác dụng phụ như co thắt đường hô hấp dưới dẫn tới triệu chứng khó thở. Vì vậy người bị bệnh hen suyễn không nên dùng loại thuốc này.

2.4. Thuốc chẹn canxi

Công dụng của các thuốc chẹn canxi là giúp các mạch máu giãn nở, thúc đẩy lưu thông máu hỗ trợ giảm huyết áp. Một số thuốc chẹn canxi thường được sử dụng đó là diltiazem, verapamil, nifedipin và amlodipin.

Bên cạnh công dụng chính, thuốc chẹn canxi cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ như phát ban trên da, sưng mắt cá chân, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh. Thuốc không nên sử dụng cho những người bị táo bón hoặc nhịp tim không đều.

2.5. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin

Bao gồm các thuốc như olmesartan, valsartan, losartan có tác dụng là giảm bớt ảnh hưởng của hormone angiotensin (loại hormone làm tăng huyết áp).

Cũng gần giống như thuốc ức chế men chuyển ACE nhưng nhóm thuốc này ít gây ho hơn, ngoài ra không nên dùng khi mang thai.

Việc dùng thuốc tăng huyết áp phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ

Như vậy bài viết đã liệt kê các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được chỉ định phổ biến hiện nay. Ngoài việc tuân thủ liệu trình dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên, kết hợp vận dụng chế độ ăn lành mạnh và lối sống khoa học để kiểm soát tốt huyết áp và phòng ngừa rủi ro biến chứng do huyết áp cao.

Nếu bạn đang còn nhiều băn khoăn cần được tư vấn, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 hoặc đến khám trực tiếp tại Chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn chi tiết hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.