Các tin tức tại MEDlatec

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em bằng cách nào?

Ngày 16/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi thường gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sinh lý, khiến trẻ bị nôn, trớ hoặc sặc. Nhưng khi trẻ lớn hơn với chế độ ăn đặc dần thì tình trạng này sẽ giảm. Ngược lại nếu không thuyên giảm, trào ngược dạ dày có thể chuyển sang tình trạng bệnh lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em cần được thực hiện sớm.

1. Vì sao trẻ em lại dễ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Đối tượng trẻ sơ sinh, cụ thể là những trẻ dưới 3 tháng tuổi thường có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày thực quản vì những lý do say đây:

Khi trẻ còn quá nhỏ thì dạ dày, thực quản của các em chưa phát triển hoàn chỉnh vì thế khả năng hoạt động của dạ dày và thực quản vẫn còn rất yếu kém. Theo cơ chế thông thường, cơ vòng thực quản mở ra để thức ăn có thể từ đây đi vào dạ dày và sẽ đóng lại ngay sau đó để thức ăn không bị trào ngược trở lại.

Tuy nhiên, chính vì những cơ quan này ở trẻ sơ sinh chưa được phát triển toàn diện, chưa được hoạt động trơn tru nên cơ chế của cơ vòng còn nhiều hạn chế, không ổn định và dẫn đến việc thức ăn dễ bị trào ngược.

Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi thường gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản

Hơn nữa vị trí của dạ dày thường nằm ngang và cao hơn so với vị trí dạ dày của người trưởng thành, điều này dẫn đến trẻ gặp phải nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bú sữa mẹ, điều này nghĩa là lượng thức ăn của các bé chủ yếu là dạng lỏng, cũng chính vì thế nó dễ bị lọt ra ngoài trong trường hợp xuất hiện các khe hở.

Đối với những trẻ lớn hơn, một số trẻ có thói quen xấu, chẳng hạn như vừa ăn xong đã đi nằm - đây là thói quen gây hại cho sức khỏe dạ dày mà cha mẹ cần hướng dẫn các con thay đổi, loại bỏ càng sớm càng tốt.

Bên cạnh các nguyên nhân đã kể đến phía trên, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản còn có thể là do một số những bệnh lý khác gây ra. Chẳng hạn những bệnh như dị ứng, viêm ruột,… Khi mắc những bệnh lý này, chức năng co bóp của dạ dày sẽ bị ảnh hưởng nhiều và từ đó dẫn đến nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản.

2. Trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu nào khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Khi mắc phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, trẻ có thể gặp phải những biểu hiện sau đây:

  • Ợ nóng: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Tùy vào mức độ bệnh mà trẻ có thể bị ợ nóng kéo dài hay không. Sau bữa ăn, biểu hiện ợ nóng thường rõ ràng hơn.

  • Trẻ bị nôn, trớ sau khi ăn.

  • Trẻ bị thở khò khè nếu có hiện tượng dịch trào ngược vào khí quản và phổi.

  • Trẻ có thể bị nấc cụt.

  • Trẻ quấy khóc sau khi ăn.

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, trẻ có biểu hiện chán ăn

  • Trẻ có hiện tượng chán ăn, ăn ít.

  • Trẻ không tăng cân, thậm chí có biểu hiện suy dinh dưỡng và thiếu máu mạn tính.

  • Đối với một số trẻ lớn hơn, tình trạng trào ngược dạ dày có thể kèm theo cảm giác đau xương ức.

3. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em

Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Khi axit tràn vào khí quản hoặc mũi có thể gây ra những vấn đề về hô hấp, hoặc có thể gây ra tình trạng thực quản bị sưng tấy, nóng rát, thậm chí nếu kéo dài có thể gây tình trạng xuất huyết thực quản, rất nguy hiểm cho trẻ.

Chính vì thế, chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên đưa con đi thăm khám sớm nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em:

Phương pháp điều trị đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi:

  • Mẹ hạn chế cho con bú với lượng sữa quá nhiều trong mỗi lần bú, có thể cho con nghỉ một chút rồi mới bú tiếp.

Mẹ nên cho con bú với lượng vừa phải trong mỗi cữ ăn

  • Khi trẻ vừa bú xong, mẹ không nên cho trẻ nằm ngay mà cần bế trẻ thẳng lên khoảng nửa tiếng.

  • Nếu bé phải dùng sữa công thức mà không bú mẹ, mẹ lưu ý chọn sữa dành cho trẻ bị trào ngược.

  • Nếu những cách này không giúp cải thiện tình trạng bệnh của trẻ, mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn về cách điều trị.

Phương pháp điều trị đối với trẻ trên 1 tuổi:

  • Mẹ nên đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, không nên cho trẻ ăn quá quá nhiều sô cô la, không cho trẻ uống cà phê, hay các loại nước ngọt có ga, thực phẩm chua cay để hạn chế tối đa hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Mẹ không nên cho con uống nước có gas vì nó có thể khiến tình trạng trào ngược thêm trầm trọng

  • Nên cho trẻ gối đầu khi ngủ để cải thiện tình trạng ợ nóng vào ban đêm.

  • Không để trẻ nằm sau khi vừa ăn no, nên ăn khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ.

  • Nếu trẻ có hiện tượng thừa cân, béo phì, nên động viên trẻ giảm cân để cải thiện chứng trào ngược và đảm bảo sức khỏe.

Một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc hoặc nếu cần có thể thực hiện phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh.

Trên đây là những phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em, nếu các bậc phụ huynh có thắc mắc cần được giải đáp, có thể gọi đến số đường dây nóng 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, chúng tôi tự hào là nơi quy tụ các bác sĩ chuyên khoa Nhi đầu ngành với nhiều kinh nghiệm thăm khám và điều trị các bệnh lý cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các trường hợp rối loạn tiêu hóa, trong đó phải kể đến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ.

Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các bệnh nhi luôn được chăm sóc với chế độ đặc biệt nhất, đồng thời hệ thống khử khuẩn luôn được đảm bảo để tránh tối đa nguy cơ lây bệnh chéo. Vì thế, các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm khi trải nghiệm các dịch vụ y tế tại MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.