Các tin tức tại MEDlatec
Đừng chủ quan với những dấu hiệu thiếu máu não
- 29/03/2021 | Thiếu máu não có thể dẫn tới đột quỵ hay không?
- 29/01/2021 | Dấu hiệu thiếu máu não là gì và bệnh có nguy hiểm không?
- 22/06/2021 | Thiếu máu não cục bộ tạm thời: nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa
1. Những dấu hiệu thiếu máu não thường gặp
Tình trạng thiếu máu não có thể chia thành 2 dạng bệnh đó là thiếu máu não bệnh lý và những cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là căn bệnh khó phát hiện, một phần là vì nhiều người chưa có hiểu biết về bệnh dẫn đến chủ quan, không đi kiểm tra sức khỏe kịp thời, một phần là vì những biểu hiện của bệnh dễ bị nhầm lẫn với những căn bệnh khác như bệnh rối loạn tiền đình hoặc tình trạng tiền mãn kinh,…
Đau đầu là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh thiếu máu não
1.1. Dấu hiệu thiếu máu não bệnh lý
Phần lớn thiếu máu não bệnh lý là do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra. Bên cạnh đó, bệnh còn bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác có thể kể đến như các bệnh lý về tim mạch, tình trạng chấn thương đốt sống cổ,… Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:
Đau đầu: Đây chính là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh. Ban đầu, những cơn đau xuất hiện ở một vùng cố định nhưng sau đó nó sẽ lan rộng ra khắp đầu. Hơn nữa, nếu để bệnh kéo dài thì tần suất những cơn đau sẽ tăng lên. Cơn đau đầu sẽ dễ dàng xuất hiện khi nếu bạn đột ngột di chuyển hoặc mới ngủ dậy hay gặp phải những vấn đề về tâm lý.
Hoa mắt, ù tai, chóng mặt: Những triệu chứng này có thể xảy ra dù người bệnh đang sinh hoạt và làm việc trong một không gian yên tĩnh, không có gió. Tình trạng chóng mặt, ù tai khiến người bệnh không thể đứng vững và nếu như không có chỗ dựa để giữ thăng bằng thì họ rất dễ bị ngã.
Người bệnh thiếu máu não hay bị chóng mặt, mất thăng bằng
Rối loạn giấc ngủ: Một trong những dấu hiệu thiếu máu não là tình trạng rối loạn giấc ngủ, cụ thể là tình trạng khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc, hay mơ khi ngủ,… Tình trạng này kéo dài có thể khiến cho người bệnh bị ảnh hưởng nhiều đến tinh thần khiến họ dễ cáu gắt vô cớ, đồng thời sức khỏe thể chất cũng có thể giảm sút do ngủ kém.
Tê bì chân tay: Khi bị thiếu máu não, người bệnh sẽ có cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay hay ngón chân, cảm giác giống như kiến bò,… Kèm theo đó là một số triệu chứng như đau dọc xương sườn, đau vai gáy hoặc bị lạnh sống lưng.
Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy giảm trí nhớ: Khi não không được cung cấp đủ oxy và máu thì hoạt động của não cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Người bị bệnh thiếu máu não thường cảm thấy mệt mỏi và rất hay quên.
Rối loạn giấc ngủ do thiếu máu não
1.2. Dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua
Nguyên nhân dẫn đến những cơn máu thiếu máu não thoáng qua chính là do cục máu đông bị tắc ở động mạch máu nuôi não. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như tê liệt, choáng, mù mắt tạm thời,… Những dấu hiệu này gần giống với những cơn đột quỵ nhưng ở mức độ nhẹ hơn và không nguy hiểm bằng đột quỵ. Thời gian xảy ra cơn thiếu máu não thoáng qua là khoảng 10 phút.
Sau khi, cục máu đông gây tắc động mạch nuôi não biến mất hoặc di chuyển sang khu vực khác thì những triệu chứng sẽ biến mất. Tuy nhiên, những người bệnh này cần được theo dõi cẩn thận hơn vì nó rất có thể là một cơn “tiền” đột quỵ, có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe trong tương lai.
2. Nhận biết sớm dấu hiệu thiếu máu não để điều trị bệnh hiệu quả
2.1. Phương pháp điều trị thiếu máu não
Nhận biết sớm những dấu hiệu thiếu máu não chính là một yếu tố quan trọng để điều trị bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh thiếu máu não:
Nếu tình trạng thiếu máu não liên quan đến một số bệnh lý tiềm ẩn thì việc đầu tiên chính là điều trị các bệnh lý đó. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân bị thiếu máu não do xơ vữa động mạch thì việc quan trọng trước hết chính là điều trị căn bệnh này để cải thiện lưu lượng máu lên não. Nếu bệnh nhân bị thiếu máu não do thừa cân, béo phì, thì cần phải thay đổi chế độ ăn kết hợp luyện tập nhẹ nhàng để giảm cân giúp sớm cải thiện tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, một số phương pháp hỗ trợ điều trị thường được áp dụng là bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp, xông hơi,…
Tê bì chân tay do thiếu máu não
2.2. Phương pháp phòng bệnh thiếu máu não
Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu não, bệnh nhân cần có một lối sống lành mạnh, khoa học. Cụ thể như sau:
Lên kế hoạch về một chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Nếu bạn ăn uống không khoa học sẽ dễ dẫn đến thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc hàng loạt các loại bệnh tật khác. Nhưng nếu bạn ăn uống điều độ và lành mạnh thì cơ thể sẽ được hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất, giúp bạn tăng cường sức đề kháng. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh tật. Đặc biệt nên bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, hạn chế ăn chất béo, đồ ngọt, thực phẩm nhiều dầu mỡ,… đồng thời tránh lạm dụng rượu bia và các loại chất kích thích.
Nên tập luyện, vận động thường xuyên để rèn luyện sức khỏe, duy trì cân nặng ổn định,… giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh tật.
Không nên gối quá cao khi ngủ, không thức quá khuya hoặc lạm dụng các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính,…
Nếu bạn mắc phải một số bệnh lý mạn tính thì cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bản thân.
Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để nhận biết sớm những bất thường trong cơ thể.
Trên đây là những thông tin về các dấu hiệu thiếu máu não, giúp người bệnh nhận biết và phát hiện sớm để kịp thời điều trị bệnh, phòng tránh tối đa nguy cơ biến chứng. Nếu bạn còn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy gọi đến tổng đài 1900565656, chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng giải đáp giúp bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!