Các tin tức tại MEDlatec

Giải đáp thắc mắc: Ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không?

Ngày 13/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Ung thư gan thường tiến triển theo nhiều giai đoạn. Nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, khả năng điều trị thành công, duy trì cuộc sống bình thường cho người bệnh là khá khả quan. Vậy chính xác thì ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không và việc điều trị sẽ được tiến hành như thế nào?

1. Tìm hiểu về ung thư gan giai đoạn đầu 

Theo American Cancer Society, ung thư gan có xu hướng tiến triển theo 4 giai đoạn chính. Trong giai đoạn đầu hay giai đoạn 1 của ung thư gan, tế bào ác tính vẫn khu trú trong gan, chưa di căn đến hệ thống hạch bạch huyết và những cơ quan khác. Cụ thể: 

  • Giai đoạn 1A: Chỉ mới hình thành một khối u trong gan, nhỏ hơn 2cm, các tế bào gây bệnh chưa xâm lấn đến mạng lưới mạch máu. 
  • Giai đoạn 1B: Vẫn là một khối u trong gan nhưng kích thước lúc này đã vượt 2cm, tế bào gây bệnh chưa xâm lấn đến mạng lưới mạch máu. 

Trong giai đoạn đầu của ung thư gan, khối u mới chỉ hình thành trong gan, chưa có dấu hiệu xâm lấn

2. Triệu chứng cảnh báo có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu

Ở giai đoạn 1, hầu hết người bệnh chưa biểu hiện rõ nét triệu chứng. Trong đó, một số triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn này phải kể đến là: 

  • Ăn không ngon, chán ăn, ăn nhanh no. 
  • Bị đầy hơi sau khi ăn. 
  • Hay cảm thấy buồn nôn. 
  • Cơ thể ớn lạnh hoặc sốt cao, đổ mồ hôi. 
  • Mệt mỏi, kém tập trung. 
  • Da mặt xuất hiện sạm đen. 
  • Xuất hiện cơn đau tại khu vực thượng vị, phía bên phải, cơn đau có xu hướng ngắt quãng. 

Chán ăn, ăn nhanh no là một trong những triệu chứng cần lưu ý

3. Trả lời câu hỏi: Ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không?

ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không là nỗi băn khoăn của rất nhiều người bệnh. Nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư gan thường có nhiều lựa chọn điều trị hơn. Khả năng kéo dài sự sống tối thiểu từ 5 năm trở lên cũng cao hơn là khi điều trị ở giai đoạn muộn. 

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn đầu đạt khoảng 37%. Tuy nhiên, với bệnh nhân ghép gan thành công, tỷ lệ sống có thể tăng lên 60% đến 70%.

Ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không là câu hỏi của nhiều người khi nhắc đến bệnh lý này 

Lưu ý: thống kê về tỷ lệ sống sót sau 5 năm đề cập trên đây được ghi nhận tại Hoa Kỳ, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. 

4. Các phương pháp chẩn đoán 

Xét nghiệm tìm kiếm dấu ấn ung thư, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết là những phương pháp chẩn đoán ung thư gan phổ biến. 

4.1. Xét nghiệm 

Để xác định dấu ấn ung thư, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như: 

  • Xét nghiệm AFP: AFP (alpha-fetoprotein) là một dấu ấn ung thư, nhưng nồng độ AFP không phải lúc nào cũng chỉ ra ung thư gan. Một số bệnh lý gan khác cũng có thể làm tăng AFP, chẳng hạn như viêm gan mạn tính hoặc xơ gan. AFP trên 200 ng/ml có thể làm tăng khả năng ung thư gan. Ngoài ra, ngay cả khi nồng độ AFP nhỏ hơn 200 ng/ml, bệnh nhân vẫn làm thêm xét nghiệm tầm soát khác như xét nghiệm AFP-L3 hoặc PIVKA-II. 
  • Xét nghiệm AFP-L3: Nồng độ AFP-L3 dao động trong khoảng 10% đến 15% là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư gan. Khi AFP-L3 lớn hơn 15%, khả năng cao bệnh nhân đã mắc ung thư gan. 
  • Xét nghiệm DCP (Des-Gamma-Carboxy Prothrombin): Giúp kiểm tra sự biến động của Prothrombin trong trường hợp cơ thể bị thiếu hụt vitamin K tại gan. Theo đó, nồng độ DCP tăng cao là dấu hiệu cho thấy khối u đang lớn dần. 

4.2. Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho phép bác sĩ xác định tình trạng tổn thương, dấu hiệu bất thường tại gan. Cụ thể là: 

  • Siêu âm: Giúp xác định vị trí, kích thước, số lượng và mức độ xâm lấn của các tổn thương. 
  • Chụp CT: Giúp phát hiện khối u gan. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng cho phép xác định tốc độ xâm lấn, vị trí cụ thể của khối u gan.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh với độ chính xác cao, nhất là với khối u trên 2cm. Mặt khác, phương pháp này còn hỗ trợ phát hiện sớm dấu hiệu tổn thương xâm lấn đến mạng lưới tĩnh mạch. 

Siêu âm giúp phát hiện vị trí và kích thước của khối u gan 

4.3. Làm sinh thiết gan

Mẫu tế bào gan được lấy thông qua phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ qua da (FNA) hoặc thông qua sinh thiết qua da. Sau đó, mẫu tế bào này tiếp tục được đem đi phân tích. Từ đó, bác sĩ có thể xác định gan đã phát hiện tế bào ác tính hay chưa. 

5. Một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định 

Tùy theo từng trường hợp cụ thể sau khi đã thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị phổ biến phải kể đến là: 

  • Phẫu thuật: Gồm phẫu thuật cắt bỏ một phần gan và phẫu thuật ghép gan. 
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan: Thường là cắt bỏ thùy gan, chỉ định trong trường hợp chức năng gan chưa bị ảnh hưởng, khối u chưa xâm lấn đến phần mô xung quanh, sức khỏe người bệnh vẫn ổn định. 
  • Ghép gan: Phần mô gan chứa khối u sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng mô gan mới của người hiến tặng. Tuy vậy, vì không phải gan hiến tặng nào cũng tương thích với bệnh nhân nên kỹ thuật này chỉ có thể thực hiện trong một vài trường hợp. 
  • Xạ trị: Tiêu diệt tế bào gây bệnh bằng tia X hoặc proton. 
  • Điều trị đích: Nhắm đến mục tiêu cụ thể là tế bào gây bệnh, không tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh như biện pháp hóa trị thông thường. 
  • Nút mạch: Hóa chất (Chemoembolization) hoặc vi cầu phóng xạ (Radioembolization) được truyền vào nguồn cung cấp máu cho khối u gan khiến khối u dần bị hoại tử. 
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp giúp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên chống lại yếu tố gây bệnh. Những hoạt chất tương tự như thành phần trong miễn dịch tổng hợp tại phòng thí nghiệm. Sau đó, chúng được đưa vào cơ thể để thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch tự nhiên. 
  • Đốt sóng cao tần RFA: Tế bào ung thư bị đốt nóng, tiêu diệt dưới nhiệt độ cao từ 60 đến 100 độ C. 
  • Tiêm cồn: Một loại cồn chuyên dụng được tiêm vào khối u. 
  • Liệu pháp áp lạnh: Khối u bị làm lạnh dưới lượng nhiệt cực thấp. Phương pháp này có thể giúp tiêu diệt tế bào gây bệnh. 

Nhìn chung, nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, khả năng điều trị thành công luôn khả quan hơn là khi khối u đã tiến triển, xâm lấn đến cơ quan khác. Vì vậy, nếu đang mắc bệnh lý về gan, thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư gan, bạn nên duy trì khám tầm soát định kỳ. Một địa chỉ uy tín bạn có thể lựa chọn thăm khám là Trung tâm Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. 

Hy vọng sau những chia sẻ trong bài viết này, bạn đã biết chính xác ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khoá: ung thư gan Ung thư

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.