Các tin tức tại MEDlatec
Giải mã chỉ số ROMA và các chỉ dấu sinh học trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư buồng trứng
- 25/12/2021 | MEDLATEC tiên phong ứng dụng chuyển đổi số nâng cao chất lượng y tế
- 06/12/2022 | Ứng dụng y tế My Medlatec - Bước chuyển mình trong hành trình nâng cao trải nghiệm khách hàng
- 28/04/2023 | Hội nghị tập huấn y khoa tại Phú Thọ: Cập nhật xét nghiệm và ứng dụng chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán - điều trị
- 27/10/2024 | MEDLATEC tổ chức thành công hội nghị ý nghĩa và ứng dụng xét nghiệm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại Sơn La
Hội thảo trực tuyến số 21 với chủ đề Các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư buồng trứng,diễn ra dưới sự chủ trì của TS.BS Trịnh Thị Quế
Cảnh báo thực trạng ung thư buồng trứng tại Việt Nam
Mở đầu chương trình hội thảo trực tuyến, TS.BS Trịnh Thị Quế - Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC, điểm qua những thông tin tổng quan về tình hình UTBT tại Việt Nam.
Dẫn chứng từ số liệu của GLOBOCAN năm 2022, tại Việt Nam có 1.534 phụ nữ mắc UTBT, trong đó 1.003 người tử vong.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: tiền sử gia đình mắc UTBT, độ tuổi và số lần rụng trứng. Phụ nữ mang thai trước 25 tuổi và mãn kinh sớm có nguy cơ thấp hơn.
UTBT được chia thành 4 giai đoạn theo FIGO:
- Giai đoạn I: Ung thư giới hạn trong buồng trứng
- Giai đoạn II: Ung thư lan tới các cơ quan vùng chậu
- Giai đoạn III: Lan ra ngoài vùng chậu, vào ổ bụng hoặc hạch
- Giai đoạn IV: Di căn xa ngoài ổ bụng
Buồng trứng bình thường và bất thường
Về phân loại theo mô bệnh học, đặc điểm lâm sàng cũng như tiên lượng, ung thư biểu mô buồng trứng là hay gặp nhất (80-90%), thường gặp ở phụ nữ hậu mãn kinh, tiên lượng xấu. Ung thư tế bào mầm (5-10%), ít gặp, đại đa số gặp ở phụ nữ trẻ (từ dưới 20 đến 30 tuổi), tiên lượng rất tốt, tỷ lệ chữa khỏi cao vì rất nhạy cảm với điều trị hoá chất. Bên cạnh đó, còn có UTBT có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô và các ung thư di căn đến buồng trứng.
UTBT là căn bệnh ngầm trong giai đoạn đầu, nghĩa là nhiều phụ nữ không có triệu chứng nào. Nếu có thì thường khó nhận thấy do lẫn với các bệnh cơ bản khác như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng chậu… Do vậy, việc tầm soát định kỳ với phụ nữ tiền mãn kinh là rất quan trọng để phát hiện sớm các dấu hiệu tiềm ẩn, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng bệnh.
Dấu ấn CA125 và HE4 trong ung thư buồng trứng
Tiếp nối chương trình hội thảo, TS.BS Trịnh Thị Quế đã đi sâu vào phân tích vai trò của các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị UTBT, đặc biệt là 2 chỉ dấu CA125 và HE4.
Theo tiến sĩ Quế, CA125 là glycoprotein được mã hóa bởi gen MUC16, thường xuất hiện ở các mô như màng bụng, màng phổi, buồng trứng và ống dẫn trứng. Trong điều kiện sinh lý bình thường, CA125 có thể có nồng độ thấp trong máu, đặc biệt trong các giai đoạn như rụng trứng, thai kỳ và hành kinh.
CA125 chủ yếu dùng trong theo dõi và đánh giá điều trị UTBT
CA125 là chỉ dấu ung thư nhạy cảm nhưng không đặc hiệu, chủ yếu dùng trong theo dõi và đánh giá điều trị UTBT. Trong UTBT biểu mô, CA125 tăng ở 50-60% bệnh nhân ở giai đoạn sớm (I–II) và 85-90% ở giai đoạn tiến triển (III–IV). Tuy nhiên, ở các loại UTBT không phải biểu mô, CA125 ít tăng nên các marker khác như AFP, β-HCG thường hữu ích hơn.
CA125 có thể tăng trong một số bệnh lý không phải ung thư, như u xơ tử cung, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, hoặc trong thai kỳ. Vì vậy, nó chủ yếu được dùng để theo dõi sau điều trị, đánh giá đáp ứng hóa trị, phát hiện tái phát sớm. Đặc biệt, khi CA125 kết hợp với các chỉ dấu khác như HE4 sẽ giúp tăng độ chính xác.
Chia sẻ về vai trò của dấu ấn HE4, tiến sĩ Quế cho biết, HE4 là một glycoprotein được mã hóa bởi gen WFDC2, có mặt chủ yếu trong mô sinh dục nữ, mào tinh và ống dẫn tinh nam, cũng như trong các biểu mô đường hô hấp và các cơ quan khác. Khi tế bào buồng trứng chuyển thành ác tính, gen WFDC2 được kích hoạt mạnh mẽ, dẫn đến sự gia tăng sản xuất HE4.
HE4 rất hữu ích trong phân biệt u buồng trứng lành tính và ác tính, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh, khi CA125 có thể gây dương tính giả.
HE4 rất hữu ích trong phân biệt u buồng trứng lành tính và ác tính, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh
HE4 có độ đặc hiệu cao và hiếm khi tăng trong các tình trạng lành tính như lạc nội mạc tử cung hay viêm nhiễm. Độ nhạy của HE4 là 80%, trong khi độ đặc hiệu đạt 91,5%. Khi kết hợp với CA125, HE4 giúp tăng độ chính xác trong việc đánh giá nguy cơ ác tính của u buồng trứng, nhất là trong các xét nghiệm sử dụng thuật toán ROMA (Risk of Ovarian Malignancy Algorithm).
Cả CA125 và HE4 đều có vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến triển bệnh, đánh giá đáp ứng với hóa trị, phát hiện tái phát, đồng thời hỗ trợ phân biệt giữa u lành tính/ác tính. Việc kết hợp CA125 và HE4 với các dấu ấn khác giúp tiên lượng UTBT chính xác hơn, từ đó cải thiện kết quả điều trị.
Chỉ số ROMA - Công cụ phân tầng nguy cơ ác tính khối u buồng trứng
Tiếp theo bài báo cáo, tiến sĩ Quế giới thiệu chỉ số về ROMA (Risk of Ovarian Malignancy Algorithm) - một công cụ mạnh mẽ giúp phân tầng nguy cơ ác tính của khối u buồng trứng, từ đó đưa ra quyết định quản lý và điều trị tối ưu.
Tiến sĩ Quế cho hay, HE4 đã chứng tỏ độ chính xác chẩn đoán cao hơn CA125, đặc biệt trong việc phân biệt giữa u buồng trứng lành tính và ác tính. Khi kết hợp CA125 và HE4 trong chỉ số ROMA, độ chính xác chẩn đoán được cải thiện đáng kể, giúp phân biệt chính xác hơn các khối u, hỗ trợ việc chuyển tuyến điều trị phù hợp.
Sơ đồ đánh giá chỉ số ROMA ở bệnh nhân có khối u vùng chậu
Thuật toán ROMA, được FDA chấp thuận vào năm 2016, đã được chứng minh có hiệu quả trong đánh giá nguy cơ ác tính ở bệnh nhân có khối u vùng chậu, giúp phân loại trường hợp nghi ngờ mắc UTBT và cải thiện kết quả điều trị.
Nghiên cứu sử dụng xét nghiệm Roche Elecsys CA125 và HE4 cho thấy, độ nhạy và độ đặc hiệu của ROMA tương đương với các tuyên bố trước đó và cho thấy các điểm cắt được khuyến nghị là phù hợp với lâm sàng.
Nghiên cứu meta phân tích từ 56 nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng, ROMA có độ nhạy 90%, độ đặc hiệu 91%. Một nghiên cứu mới tại Việt Nam cũng xác nhận, giá trị của ROMA trong phân loại giai đoạn và thể mô bệnh học của UTBT. ROMA có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa phụ nữ mãn kinh và chưa mãn kinh (p<0,01), đồng thời tăng dần theo giai đoạn bệnh (p<0,01). ROMA đạt hiệu quả cao nhất ở thể giải phẫu bệnh UTBT thanh dịch độ cao.
Chỉ số ROMA phát huy hiệu quả cao nhất ở các giai đoạn III và IV, với độ nhạy và độ đặc hiệu tăng theo sự tiến triển của bệnh, giúp cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác.
Hướng dẫn thực hành lâm sàng trong sử dụng chỉ dấu sinh học
Không chỉ chia sẻ thông tin về các chỉ dấu sinh học, chuyên gia MEDLATEC còn giúp các đồng nghiệp nắm vững cách sử dụng chúng để theo dõi đáp ứng điều trị, phát hiện tái phát sớm và điều chỉnh kế hoạch điều trị kịp thời, từ đó nâng cao tiên lượng cho bệnh nhân. Các yếu tố cần chú ý khi sử dụng các chỉ dấu sinh học bao gồm:
- Lấy mẫu bảo quản
- Bệnh cảnh lâm sàng
- Khoảng đo
- Các chất nội sinh gây nhiễu
- Các thuốc có khả năng gây nhiễu
- Thời gian bán hủy
- Nguyên tắc sử dụng marker
Kết thúc bài báo cáo, tiến sĩ Quế nhấn mạnh, các dấu ấn trong UTBT có giá trị lớn trong việc hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi điều trị và đánh giá khả năng tái phát. Thuật toán ROMA của Roche đã được FDA chấp thuận và được Mayo Clinic xác nhận giá trị điểm cắt do Roche đưa ra. Tuy nhiên, khi sử dụng, cần lưu ý nguyên tắc áp dụng các dấu ấn ung thư và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần học hỏi cao, hội thảo trực tuyến số 21 với sự chủ trì của TS.BS Trịnh Thị Quế đã cập nhật tới y bác sĩ tham dự những thông tin giá trị về ứng dụng của chỉ số ROMA và các chỉ dấu sinh học trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị UTBT. Từ đó, giúp Quý đồng nghiệp ứng dụng hiệu quả vào thực tế lâm sàng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Hệ thống Labo Xét nghiệm MEDLATEC hiện đại, công nghệ cao được đầu tư ở nhiều chi nhánh trên toàn quốc
Đồng hành cùng chị em phụ nữ trong cuộc chiến giành lợi thế trước mối đe dọa mang tên UTBT, Hệ thống Y tế MEDLATEC với việc sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, Trung tâm Giải phẫu bệnh đạt chuẩn quốc tế (ISO 15189:2022 và CAP), cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại có năng lực thực hiện đầy đủ các xét nghiệm giải phẫu bệnh, đảm bảo kết quả nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, đơn vị đáp ứng thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng chuyên sâu hỗ trợ chẩn đoán.
Mọi thông tin về chăm sóc sức khỏe tại MEDLATEC, người dân có thể liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.
Tiếp nối chuỗi hội thảo ung bướu “Hội thảo số 22” sẽ được phát sóng vào 15h00 - 16h30, chiều thứ 6 (1/8/2025). Kính mời các chuyên gia, bác sĩ và người dân đăng ký tham gia để không bỏ lỡ những kiến thức hữu ích, đồng thời, các bác sĩ có cơ hội nhận chứng nhận đào tạo CME từ MEDLATEC. Thông tin cần phúc đáp về Hội thảo, Quý vị vui lòng liên hệ: ThS.BS Bùi Văn Long - SĐT: 0388 812 342. |
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!