Các tin tức tại MEDlatec

Giải phẫu thận và những bệnh lý về thận

Ngày 16/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Thận thuộc hệ tiết niệu và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong các hoạt động sống của cơ thể. Khi hiểu rõ về thận, bạn sẽ biết cách chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh lý về thận hiệu quả hơn. Dưới đây là thông tin giải phẫu thận và một số bệnh lý thường gặp ở thận.

1. Giải phẫu thận

Dưới đây là một số đặc điểm giải phẫu thận mà ai cũng cần biết: 

1.1. Giải phẫu thận hình thể ngoài

- Vị trí: Một người bình thường sẽ có 2 quả thận nằm ở phía sau phúc mạc, trước cơ thắt lưng tại góc xương sườn với đốt sống thắt lưng L3. Thông thường, vị trí của thận phải sẽ thấp hơn thận trái khoảng 2cm. 

Thận rất quan trọng đối với hệ tiết niệu

- Màu sắc: Thận có màu đỏ. 

- Hình dáng: Thận có hình giống như hạt đậu và bên ngoài có bao xơ bao bọc. Bề mặt thận trơn láng. 

- Kích thước: Chiều dài của thận khoảng 9 đến 12 cm và giữa 2 quả thận có thể chênh lệch nhau từ 1 - 1.5cm. Trung bình một quả thận nặng khoảng 150 - 170g và thận của nam thường to hơn so với thận của nữ.

- Mạc thận: Là phần bao bọc thận và tuyến thượng thận.

1.2. Giải phẫu thận hình thể trong

- Đại thể của thận:

+ Bao sợi: Là phần bao bọc quanh thận. 

+ Xoang thận: Là phần rộng ở giữa. Xoang thận có chứa tĩnh mạch, động mạch, hạch bạch huyết, đài bể thận và thần kinh. Những phần chồi lên thành xoang được gọi là nhú thận. Phần lõm được gọi là đài thận. Những đài thận nhỏ sẽ kết hợp với nhau để tạo thành đài thận lớn và tạo thành bể thận. 

+ Nhu mô thận: Bao quanh quanh xoang thận là khối nhu mô thận có hình bán nguyệt. Nhu mô thận gồm có vỏ thận và tủy thận. 

- Vi thể của thận: Các đơn vị chức năng của thận hay còn gọi là nephron gồm đơn vị thận tạo nên thận và mỗi một đơn vị thận sẽ gồm có:

+ Cầu thận. 

+ Ống thận.

1.3. Các cơ quan xung quanh thận

- Phía trước thận: 

+ Thận phải: Đầu trên của thận có liên quan đến tuyến thượng thận phải. Bờ trong và cuống thận có liên quan đến tá tràng. Phần trước của thận có liên quan đến gan, ruột non và góc kết tràng phải và ruột non.

+ Thận trái: Đầu trên có liên quan đến tuyến thượng thận trái còn phần đầu dưới có liên quan đến dạ dày, ruột, lách, tụy tạng, đại tràng. 

- Phía sau thận được chắn ngang bởi xương sườn 12 nằm chắn ngang và chia thận thành tầng ngựa (liên quan đến cơ hoành) và tầng thắt lưng (liên quan đến cơ thắt lưng, cơ ngang bụng).

2. Thận có chức năng gì?

Thận là cơ quan bài tiết quan trọng của hệ tiết niệu và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Trong đó, nhiệm vụ chính của thận là lọc bỏ máu, đào thải chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Thận thường tái hấp thu một số chất như nước, glucose, natri, axit amin... và đào thải một số chất như axit uric, hydro, kali,.....

Thận có chức năng đào thải độc tố trong cơ thể

Nhờ có quá trình bài tiết của thận mà chất lỏng trong cơ thể luôn đảm bảo được cân bằng. Bên cạnh đó, thận cũng giải phóng erythropoietin và renin để tạo máu, điều hòa huyết áp và cân bằng axit - bazơ - muối.

3. Các bệnh lý về thận thường gặp

Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp về thận: 

- Bệnh suy thận: Là tình trạng suy giảm chức năng thận. Bệnh có thể phân loại thành suy thận cấp và suy thận mạn tính. Bệnh có thể gây ra những triệu chứng như điểu nhiều vào ban đêm, lượng tiểu ít, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi,... Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể phải điều trị bằng cách ghép thận, chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc.

- Bệnh sỏi thận là khi các chất khoáng trong nước tiểu tích tụ lại ở thận và tạo ra những tinh thể rắn. Với những viên sỏi bé, cơ thể có thể tự tống sỏi ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, với những viên sỏi lớn, sỏi có thể cọ xát và làm tổn thương các cơ quan đường tiết niệu và gây tắc đường dẫn tiểu, rất nguy hiểm. 

Một số triệu chứng điển hình của bệnh như đau lưng, đau khi tiểu, tiểu ra máu, buồn nôn, sốt,... Tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sỏi thận, chẳng hạn như điều trị bằng thuốc với những trường hợp sỏi nhỏ và mổ lấy sỏi với những bệnh nhân có sỏi to.

Bệnh sỏi thận có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời

- Bệnh viêm cầu thận: Có thể là viêm ở tiểu cầu thận hoặc xảy ra viêm ở các mạch máu trong thận. Người bị viêm cầu thận thường có những triệu chứng như tăng huyết áp, thiếu máu, phù,... Nếu không được điều trị sớm, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng thận, thậm chí có thể tử vong. 

Với những trường hợp viêm cầu thận cấp tính, bệnh nhân có thể khỏi bệnh sau 4 đến 6 tuần điều trị. Tuy nhiên, đối với những trường hợp viêm cầu thận mạn tính, bệnh có thể tiến triển và rất khó phục hồi, cuối cùng có thể dẫn đến xơ teo cả 2 thận. 

- Bệnh viêm thận bể thận cấp: Là tình trạng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở đài thận, bể thận, ở niệu quản hay viêm nhu mô thận. Những triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng sốt cao, rét run, đau vùng sườn lưng, môi khô, tiểu buốt,... Nếu được điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi hẳn sau 10 đến 14 ngày. Ngược lại, điều trị muộn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, ứ mủ thận, tử vong.

- Hội chứng thận hư: Là tình trạng thận nhiễm mỡ, yếu hay bị viêm phù. Bệnh gây ra một số triệu chứng như tiểu ít, phù toàn thân, mệt mỏi, da xanh tai, khó thở, mất ngủ,...

Bạn nên đi khám sớm nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thận

Trên đây là một số thông tin đặc điểm giải phẫu thận và một số bệnh lý liên quan đến thận. Phần lớn các bệnh về thận đều có diễn biến chậm với triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Chính vì thế, bạn nên chú ý và đi khám định kỳ, nhất là những trường hợp có nguy cơ cao mắc các bệnh về thận. Việc phát hiện sớm và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. 

Chuyên khoa Tiết niệu của Hệ thống Y tế MEDLATEC là nơi quy tụ bác sĩ chuyên môn cao và luôn tự tin mang lại dịch vụ y tế chất lượng đến với khách hàng. Để được đặt lịch khám sớm với các chuyên gia, quý khách vui lòng gọi đến Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.