Các tin tức tại MEDlatec

Glôcôm căn bệnh nguy hiểm khó nhận diện, dễ mù lòa

Ngày 28/06/2019
Một trong số những bệnh lý về mắt nguy hiểm khó nhận diện mà mọi người thường bỏ qua đó là bệnh Glôcôm. Căn bệnh này là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa. Rất may mắn một trường hợp bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC điều trị bệnh Glôcôm kịp thời.

Những con số biết nói về bệnh Glôcôm

Bệnh glôcôm hay còn gọi là thiên đầu thống, cườm nước là bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Glôcôm chính là một trong những nguyên nhân gây mù lòa sau bệnh đục thủy tinh thể. Bệnh chủ yếu mắc ở những người từ 40 tuổi trở nên; trong đó, tỷ lệ người mắc thiên đầu thống nguyên phát trên 40 tuổi nằm trong khoảng từ 0,38 đến 2,1%.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2008 tại Hội nghị Phòng chống mù lòa thế giới chỉ ra nguyên nhân gây mù do glôcôm chiếm 10%. Đồng thời, kết quả điều tra của RAAB (Rapid Assessment of Avoidable Blindness) năm 2007 cho thấy ở Việt Nam tỷ lệ mù hai mắt do glôcôm ở người trên 50 tuổi chiếm khoảng 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do glôcôm, con số này chính là hồi chuông báo động cảnh tỉnh chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có kiểm tra các bệnh lý về mắt, đặc biệt là những người trên 40 tuổi.

Mặc dù, thực tế cho thấy những con số đáng báo động được thống kê ở trên nhưng sự hiểu biết của người dân ở nước ta về bệnh glôcôm còn rất hạn chế. Do đó người bệnh thường được chẩn đoán bệnh trong tình trạng cấp cứu khi nhìn mờ 2 mắt đồng nghĩa với thị lực đã giảm sút nặng nề và mắt bị tổn thương ở giai đoạn nghiêm trọng.

Đồng thời, người bệnh thường có tâm lý chủ quan ít tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nên trong quá trình điều trị bệnh vẫn có khả năng tiến triển nhanh dễ dẫn đến mù lòa khó hồi phục.

Điều trị Glôcôm hiệu quả tại MEDLATEC

Thạc sĩ, Bác sĩ (ThS.BS) Phí Thùy Linh, Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đặc biệt là các trường hợp như: Người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh thiên đầu thống, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống,... Tuổi càng cao nguy cơ mắc glôcôm càng lớn.

Vừa qua, bệnh nhân Đặng Văn B, 59 tuổi, Ba Đình, Hà Nội có tiền sử đái tháo đường type 2, đã được điều trị 7 năm. Thấy hai mắt có triệu chứng mờ, nhìn mọi vật khó hơn đã lâu nên tới MEDLATEC thăm khám.

Sau thăm khám lâm sàng mắt, ThS.BS Phí Thùy Linh chỉ định các cận lâm sàng cần thiết như đo nhãn áp, soi đáy mắt, soi góc tiền phòng, làm thị trường Humphrey, OCT lớp sợi thần kinh để chấn đoán xác định bệnh nhân có mắc glôcôm hay không.

Ảnh chụp cắt lớp OCT lớp sợi thần kinh võng mạc cho thấy Lớp sợi thần kinh mắt phải đã bị giảm một nửa do tình trạng nhãn áp tăng tiến triển âm thầm gây tổn thương lớp sợi thần kinh của mắt không hồi phục dẫn đến nguy cơ mù lòa.

Ảnh chụp đáy mắt không huỳnh quang lõm gai rộng, theo dõi glôcôm

Hình ảnh tổn thương thị trường 2 mắt kiểu glôcôm

Các xét nghiệm máu liên quan toàn thân như Glucose máu: 7.06 mmol/L, Cholesterol 5.18 mol/ l (ảnh minh họa)

Sau khi thăm khám kỹ về lâm sàng và cận lâm sàng đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh glôcôm, ThS.BS Phí Thùy Linh đã đưa ra chẩn đoán xác định cho bênh nhân B như sau: 2 mắt Đục thủy tinh thể/ Glôcôm góc đống nguyên phát. Mắt phải giai đoạn nặng. Mắt trái giai đoạn tiến triển/Đái tháo đường type 2.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị tới bệnh nhân, ThS.BS Phí Thùy Linh đã tư vấn anh B điều trị và quản lý bệnh theo tuyến bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân may mắn được bác sĩ có kinh nghiệm sử dụng các kỹ thuật như Laser P.I cắt mống mắt ngoại vi để dự phòng cơn tăng nhãn áp và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhằm làm góc tiền phòng sâu hơn tránh nghẽn góc gây tăng nhãn áp.

Những lưu ý để tránh nguy cơ mắc bệnh Glôcôm

Thông qua trường hợp bệnh nhân, ThS.BS Linh muốn lưu ý mọi người nên chủ động bảo vệ đôi mắt của mình để tránh hậu quả không đáng có như bệnh nhân B:

- Glôcôm là bệnh liên quan tới tuổi vì vậy, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh glôcôm càng nhiều. Tỷ lệ glôcôm nguyên phát là 0,5% ở những người dưới 40 tuổi và 2% ở những người trên 40 tuổi. Ở tuổi 70 nguy cơ bị glôcôm với cả 2 hình thái cao gấp 3-8 lần so với lứa tuổi 40.

- Glôcôm góc đóng gặp nhiều hơn ở nữ do mắt nữ giới có độ sâu tiền phòng nông hơn, thể thủy tinh dày hơn và nhô ra trước hơn so với mắt nam giới. Tỷ lệ glôcôm góc đóng ở nữ cao gấp 4 lần ở nam. Ngược lại, hình thái glôcôm góc mở nguyên phát gặp ở nam nhiều hơn, cao hơn khoảng 1,7 lần so với nữ.

- Glôcôm góc mở nguyên phát thường gặp ở người châu Âu, Mỹ do đặc điểm cấu trúc nhãn cầu và độ cong giác mạc của người Âu, Mỹ lớn. Ngược lại glôcôm góc đóng nguyên phát gặp chủ yếu ở các nước châu Á do nhãn cầu người châu Á thường nhỏ, độ cong giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, góc tiền phòng hẹp dễ gây nghẽn đồng tử dẫn tới đóng góc tiền phòng.

- Người da đen có nguy cơ bị glôcôm góc mở cao hơn 4-5 lần so với người da trắng do có nhãn áp trung bình cao hơn và lõm đĩa sinh lý rộng hơn.

- Tiền sử gia đình là yếu tố tiên lượng có ý nghĩa trong bệnh glôcôm nguyên phát, đặc biệt là glôcôm góc mở. Tiềm năng xuất hiện glôcôm nguyên phát có thể được di truyền nhưng tiền sử gia đình không cho phép khẳng định trong tương lai người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm có bị glôcôm hay không.

ThS.BS Phí Thùy Linh khuyến cáo: Đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm cần thực hiện khám định kỳ từ 03 tháng- 06 tháng/ lần; Người dân ở độ tuổi ngoài 40 cần đi khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần nhằm phòng tránh nguy cơ mù lòa do bệnh glôcôm.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.