Các tin tức tại MEDlatec

Góc giải đáp: Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa là gì và cách điều trị?

Ngày 18/05/2022
Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa  là thuật ngữ để miêu tả tình trạng cảm xúc luôn bị lo lắng thái quá về các vấn đề và sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Nếu kéo dài lâu người bệnh sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ngủ, dễ cáu  gắt,... và hàng loạt các biểu hiện khác gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.

1. Định nghĩa về bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa xảy ra ở những người bị lo âu, căng thẳng quá mức về một hoạt động, sự việc xung quanh và tình trạng này diễn ra trong ít nhất 6 tháng. Nguy cơ mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa ở nữ giới cao hơn so với nam giới và bệnh chiếm khoảng 3% dân số trên thế giới.

Nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên có một vài nghiên cứu nhận định rằng rối loạn lo âu lan tỏa gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân mắc sẵn các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ hoặc những người lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện.

Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa xảy ra ở những người bị lo âu, căng thẳng quá mức về sự việc xung quanh

Một người khi mắc phải bệnh này thường có cái nhìn bi quan, tiêu cực về cuộc sống và nếu không được điều trị thì bệnh nhân dễ có những suy nghĩ và hành vi tự làm hại chính mình.

2. Dấu hiệu nhận biết một người đang bị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Nếu một người có những triệu chứng sau thì rất có thể người đó đang bị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Lo lắng và suy nghĩ về những tình huống xấu một cách quá độ những không thể kiểm soát được những suy nghĩ này;

  • Mức độ lo lắng càng ngày càng tăng. Đôi khi không có vấn đề gì người bệnh lại đột nhiên ở trong trạng thái bất an khiến họ vô cùng căng thẳng và mệt mỏi;

  • Tính cách thay đổi, dễ bực bội và cáu gắt;

  • Hoạt động nào cũng gây sợ hãi cho họ;

  • Hay bị bồn chồn, khó chịu, ít khi cảm thấy thư giãn, thoải mái;

  • Giảm chú ý, giảm tập trung khiến hiệu suất lao động và học tập cũng giảm;

Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi, tránh giao tiếp xã hội

  • Chất lượng giấc ngủ kém: ngủ chập chờn, khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc do căng thẳng thần kinh);

  • Nhịp tim nhanh, hồi hộp và nếu kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch, thậm chí là đột tử ở những bệnh nhân bị tim từ trước;

  • Tiểu nhiều lần;

  • Đau nhức mắt, dễ ớn lạnh, mặt đỏ bừng;

  • Đau và căng cơ vùng vai gáy, đau nhức mắt;

  • Bị rối loạn tiêu hóa, đau vùng thượng vị, viêm đại tràng co thắt,...

3. Mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa là do nguyên nhân gì?

Như đã đề cập, hiện vẫn chưa rõ rối loạn lo âu lan tỏa là do nguyên nhân nào gây nên. Tuy nhiên cũng tồn tại những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Cụ thể:

  • Do di truyền: nếu người thân cận huyết đã từng bị rối loạn lo âu lan tỏa hoặc bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần thì người trong gia đình cũng có khả năng bị bệnh;

  • Tác động từ ngoại cảnh: gia cảnh thiếu thốn, từng bị đánh đập, lạm dụng, lao động vất vả từ khi còn nhỏ sẽ dễ bị lo âu trước các sự kiện hơn;

  • Nghiện thuốc lá: thói quen này làm tăng rủi ro bị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa gấp 5 - 6 lần;

  • Các yếu tố khác: bị stress kéo dài, trầm cảm, đã hoặc đang phải trải qua khủng hoảng về tài chính, tình cảm, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính, cuộc sống không có niềm vui,...

4. Hệ lụy của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa nếu không sớm được điều trị thì có thể diễn tiến thành mạn tính và gây nên nhiều hệ lụy như sau:

  • Người bệnh tự cô lập bản thân, không biết chia sẻ cùng ai về cảm xúc, suy nghĩ của mình và các vấn đề khác trong cuộc sống;

  • Giảm tập trung, chú ý trong nhiều tình huống dẫn tới sa sút chất lượng công việc, học tập, nguy hiểm khi tham gia giao thông và khi thực hiện các hoạt động khác;

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, dễ nghĩ đến tự sát và làm đổ vỡ các mối quan hệ xung quanh mình;

  • Có xu hướng tìm đến các chất kích thích để giải tỏa như ma túy, rượu bia,...;

  • Ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe về thể chất: mắc bệnh tim, cơ xương khớp, tiêu hóa,...

5. Điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa bằng phương pháp gì?

Hầu hết bệnh sẽ thường xảy ra trước tuổi 25, dễ tiến triển thành mạn tính và tỷ lệ phục hồi thường thấp. Vì vậy, người bệnh khi bị rối loạn lo âu lan tỏa cần phải được chẩn đoán và điều trị từ sớm để các triệu chứng được kiểm soát tốt, đồng thời bảo toàn được sức khỏe của bệnh nhân.

Nguyên tắc điều trị: giảm lo âu, căng thẳng và giải quyết các biểu hiện mà người bệnh đang gặp phải. Cách điều trị như sau:

5.1. Sử dụng thuốc

Để điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm cho người bệnh. Bên cạnh đó là một số loại thuốc khác như:

  • Thuốc chống loạn thần;

  • Thuốc giải tỏa lo âu;

  • Các nhóm thuốc khác: thuốc kháng histamin, thuốc ức chế beta, khoáng chất, vitamin nhón B, các thuốc có tác dụng nuôi dưỡng tế bào thần kinh.

Bệnh rối loạn lo âu lan tỏa có thể điều trị bằng thuốc

Dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Lưu ý chung khi áp dụng thuốc điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa đó là cần bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng dần cho tới khi đạt được hiệu quả. Nhằm phòng tránh tác dụng phụ và các rủi ro không mong muốn, ít khi người ta sử dụng thuốc giải tỏa lo âu có tính chất gây nghiện.

Sau khoảng 8 tuần điều trị, người bệnh có thể cảm nhận được công dụng của thuốc như giảm triệu chứng sợ hãi, lo âu. Bên cạnh đó, người bệnh nên dùng thuốc trong vòng 6 - 12 tháng phòng trường hợp bệnh tái phát.

5.2. Khắc phục bằng tâm lý trị liệu

Là một trong các phương pháp khoa học được áp dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh, tâm lý con người, tâm lý trị liệu cũng là một giải pháp tốt cho tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa. Khi đó các chuyên gia tâm lý sẽ giải quyết căn nguyên của bệnh đồng thời tháo gỡ căng thẳng, lo âu trong suy nghĩ của bệnh nhân bằng cách sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức.

Sau khi kết thúc thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ cảm thấy bệnh được cải thiện tích cực, thay đổi nhân sinh quan về cuộc sống, có cái nhìn bớt tiêu cực hơn về các vấn đề trong xã hội và các mối quan hệ xung quanh. Từ đó có thể vận dụng được các kỹ năng để đối phó với những thay đổi và các tình huống áp lực, stress trong tương lai.

Để được tư vấn trực tiếp và cụ thể hơn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ đặt lịch khám ngay với các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.