Các tin tức tại MEDlatec

Gợi ý bài tập giảm đau thần kinh tọa tại nhà đơn giản, hiệu quả cao

Ngày 04/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Đau thần kinh tọa thường làm giảm nghiêm trọng chất lượng sống của người bệnh. Bệnh thường được điều trị bằng một số phương pháp như dùng thuốc, vật lý trị liệu,… Bên cạnh đó, người bệnh nên tập luyện để khắc phục triệu chứng bệnh lâu dài và phòng ngừa những tổn thương nghiêm trọng. Dưới đây là gợi ý về những bài tập đơn giản, có thể thực hiện tại nhà.

1. Bị đau thần kinh tọa có nên tập thể dục không?

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa. Chẳng hạn như cơn đau ở mặt ngoài đùi, đau mặt trước ngoài cẳng chân, đau mắt cá chân và các ngón chân,... 

Đau thần kinh tọa làm giảm chất lượng sống của người bệnh 

Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa phổ biến hiện nay là dùng thuốc, vật lý trị liệu,... Bên cạnh đó, người bị đau thần kinh tọa vẫn có thể tập luyện thể dục nhưng cần lưu ý lựa chọn những bài tập phù hợp. Nếu tập luyện đúng cách, xương khớp sẽ dẻo dai hơn, tăng cường sức đề kháng, khắc phục hiệu quả các triệu chứng. Trong đó: 

- Người bị đau thần kinh tọa có thể lựa chọn nhiều môn thể thao khác nhau bao gồm tập xà đơn, bơi lội, đi xe đạp hay yoga,… Ngoài ra bạn cũng có thể chạy bộ, chơi cầu lông, đá bóng,... sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Các môn thể thao khiến bạn phải cúi nhiều như cử tạ, golf,.... không được khuyến khích vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. 

- Một số bài tập vật lý trị liệu như bài tập ép gối tới ngực hai chân, bài tập nằm chống khuỷu, bài tập duỗi thắt lưng, bài tập kéo giãn nhóm cơ lưng dưới,... có thể giúp người bệnh giảm đau hiệu quả và sớm phục hồi. 

2. Tác dụng của các bài tập với người bị đau thần kinh tọa

Nếu lựa chọn bài tập phù hợp và tập đúng cách, người bệnh có thể nhận được một số lợi ích sức khỏe như sau: 

- Giảm cơn đau thần kinh tọa cấp tính. 

- Giúp các cơ vùng lưng, hông và đặc biệt là nhóm cơ đùi sau dẻo dai hơn và tăng cường sức mạnh. 

- Giúp tạo ra sự cân xứng sức cơ cạnh cột sống. Từ đó, cải thiện tình trạng chèn ép vào gốc dây thần kinh tọa và giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng của bệnh. 

- Tăng cường lưu thông máu: Tập luyện đều đặn mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng cường lưu lượng máu đến các cơ và dây thần kinh hay những mô mềm ở vùng cột sống. Từ đó, quá trình chữa lành mô mềm sẽ diễn ra nhanh hơn và tình trạng cứng khớp cũng được cải thiện sớm. 

- Giảm triệu chứng đau và đồng thời phòng ngừa nguy cơ tái phát cơn đau, giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống.

3. Gợi ý một số bài tập đau thần kinh tọa 

Dưới đây là một số bài tập giúp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà: 

- Bài tập ép gối tới ngực hai chân:

+ Đầu tiên, bạn nằm ngửa và 2 gối duỗi thẳng.

+ Dùng 2 tay để kéo 2 chân về phía trước ngực cho tới khi cảm thấy vùng thắt lưng căng ra, giữ tư thế này một lúc rồi thả lỏng. 

Bài tập ép gối tới ngực hai chân

- Bài tập nằm chống khuỷu: Bạn nằm sấp. Hướng 2 bàn tay ra phía trước. Khuỷu tay chống vuông góc với vai. Giữ tư thế này trong khoảng vài giây. Sau đó, thả lỏng và quay trở lại tư thế ban đầu. 

Bài tập nằm chống khuỷu

- Bài tập kéo giãn nhóm cơ dựng sống và cơ lưng dưới: Bài tập này cũng không quá phức tạp và người bệnh có thể dễ dàng thực hiện. Đầu tiên, bạn thực hiện tư thế quỳ 4 điểm, 2 tay vuông góc với 2 vai. Sau đó, trượt 2 tay từ từ về phía trước, cho tới khi cảm thấy lưng duỗi thẳng, giữ một lúc rồi trở về tư thế bắt đầu. 

Bài tập kéo giãn cơ lưng dưới

- Bài tập kéo giãn cơ đùi sau: Bạn bắt đầu với tư thế nằm ngửa, 2 gối duỗi thẳng. Sau đó, dùng khăn dây cao su để kéo chân về phía ngực. Bạn cần giữ thẳng đầu gối cho đến khi chân và đùi cảm thấy căng. Giữ tư thế này vài giây rồi quay về tư thế ban đầu.

4. Những lưu ý khi tập luyện các bài tập giảm đau thần kinh tọa

Để đảm bảo đạt được hiệu quả tập luyện tốt nhất và phòng ngừa những nguy cơ rủi ro, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Lựa chọn bài tập: Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ và kỹ thuật viên để nhận được những lời khuyên hữu ích, từ đó lựa chọn bài tập phù hợp và lên kế hoạch luyện tập khoa học, hiệu quả. Ngược lại, tập những động tác không phù hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

- Khởi động: Nhiều người thường bỏ qua bước này. Tuy nhiên, khởi động là bước rất quan trọng để giúp bạn tập luyện hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ chấn thương. Trước khi tập luyện, bạn cần nên khởi động ít nhất 10 phút.

- Cường độ tập luyện: Không nên tập quá sức, hãy lựa chọn những bài tập có cường độ vừa phải. Thời gian đầu, bạn chỉ nên tập với mức độ vừa phải. Sau một thời gian, khi cơ thể đã quen với các bài tập, những cơn đau cải thiện, bạn có thể tăng dần cường độ tập. Nếu tập cường độ nặng ngay từ đầu, bạn có nguy cơ cao bị chấn thương. 

- Thời gian tập luyện: Mỗi ngày chỉ nên tập khoảng 30 phút và nên tập vào buổi sáng trong không gian thoáng đãng. Người bệnh cũng nên tập ở những nơi có bề mặt phẳng. Không nên tập quá lâu để tránh gây quá sức và có thể khiến cho triệu chứng bệnh càng nghiêm trọng hơn. 

Trên đây là một số gợi ý về bài tập dành cho người bị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, những gợi ý này chỉ mang tính tham khảo. Bạn không nên tự ý thực hiện theo mà cần đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ và kỹ thuật viên. 

Nếu có những biểu hiện nghi ngờ bị đau thần kinh tọa và có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe tại Chuyên khoa Cơ xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ tư vấn viên của chúng tôi hướng dẫn cụ thể.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.