Các tin tức tại MEDlatec
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
- 01/04/2024 | Gãy xương đùi có nguy hiểm không và phương pháp điều trị
- 01/02/2024 | Phương pháp phục hồi chân sau bị gãy xương đùi đóng đinh nội tủy
- 01/02/2024 | Gãy cổ xương đùi có thể để lại di chứng nghiêm trọng như thế nào?
- 01/02/2024 | Chiều dài xương đùi ở người là bao nhiêu và sự thật thú vị về xương đùi
- 06/12/2024 | Thông tin về chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần và những lưu ý mẹ bầu nên biết
1. Tìm hiểu hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là gì?
Hoại tử chỏm xương đùi là một trong những hệ quả của tình trạng thiếu hụt máu cung cấp, khiến phần xương và phần sụn bị hoại tử. Khi chỏm xương dần thưa thớt, các nang xương cũng bắt đầu hình thành. Theo thời gian, xương dưới sụn dễ bị gãy, gây xẹp chỏm xương đùi, dẫn đến mất chức năng hoạt động của khớp háng. Trường hợp không phát hiện, điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị tàn phế.
Theo hệ thống phân loại ARCO ra đời năm 1993, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi tiến triển từ cấp độ 0 cho đến cấp độ 6. Cụ thể là:
- Cấp độ 0: Mới xuất hiện tổn thương nhỏ, chỉ có thể phát hiện thông qua các phương pháp giải phẫu bệnh lý.
- Cấp độ 1: Mạch máu bắt đầu bị tổn thương. Cơn đau âm ỉ đã xuất hiện nhưng không kéo dài liên tục.
- Cấp độ 2: Cơn đau có xu hướng giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Quá trình tiêu xương, nhồi máu xương được cho là tương ứng với cấp độ 2 trong thang đo hoại tử chỏm xương đùi.
- Cấp độ 3: Xương dưới mặt sụn bị gãy nhưng chỏm xương đùi vẫn nguyên vẹn. Mức độ tổn thương trong giai đoạn này được chia thành 3 dạng (gồm tổn thương nhẹ, trung bình và nặng).
- Cấp độ 4: Khả năng nâng đỡ của khu vực dưới sụn suy yếu khiến mặt sụn hẹp dần. Lúc này, cơn đau có xu hướng gia tăng, người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển (đi khập khiễng).
- Cấp độ 5: Ổ cối dần biến dạng. Kéo theo đó là tình trạng hẹp khe khớp, xơ cứng ổ cối và phần chỏm xương đùi. Khi đó, người bệnh thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng.
- Cấp độ 6: Mức độ tổn thương ngày càng nghiêm trọng. Viêm xương khớp tiến triển, chỏm xương đùi bị vỡ,... là các biến chứng phổ biến lúc này.
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi xảy ra khi lượng máu nuôi dưỡng xương bị thiếu hụt
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoại tử chỏm xương đùi chủ yếu là do:
- Chấn thương: Xương cổ đùi bị gãy, trật khớp dễ khiến quá trình vận chuyển máu đến xương bị gián đoạn, tăng nguy cơ hoại tử xương. Sau khoảng 2 năm kể từ khi bị chấn thương, tình trạng hoại tử xương có xu hướng khởi phát.
- Ảnh hưởng của việc dùng Corticosteroid: Sử dụng Corticosteroid dài ngày theo dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch đều có thể khiến cho xương đùi bị tổn thương, tăng nguy cơ hoại tử.
- Thói quen lạm dụng rượu bia và thuốc lá: Sử dụng rượu bia thường xuyên khiến quá trình chuyển hóa chất béo bị rối loạn. Từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, giảm lượng máu vận chuyển đến xương.
- Ảnh hưởng của khối máu đông: Các khối máu đông kèm tình trạng viêm, tổn thương động mạch là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng máu cung cấp nuôi dưỡng xương.
Sử dụng thuốc Corticosteroid trong thời gian dài làm tăng nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi
Ngoài ra, tình trạng hoại tử vô khuẩn còn được thúc đẩy bởi một vài yếu tố khác như:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ bị hoại tử chỏm xương cao hơn người trẻ.
- Giới tính: Nữ giới ít có nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới.
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý: Chẳng hạn như chứng cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid.
3. Triệu chứng cảnh báo
Khi mới tiến triển ở giai đoạn đầu, phần lớn người bị hoại tử chỏm xương đùi đều chưa biểu hiện triệu chứng rõ nét. Đến khi bệnh tiến triển, triệu chứng đau dần xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, nhất là khi xương bị tác động. Trong đó, một số dấu hiệu đặc trưng phải kể đến là:
- Đau tại khớp háng: Triệu chứng này xuất hiện tương đối sớm. Cơn đau khởi phát từ vùng bẹn có thể lan xuống khu vực phía trong mặt đùi. Thậm chí trong nhiều trường hợp, vùng mông cũng xuất hiện cơn đau. Khi phải vận động hoặc đứng lâu, cơn đau lại càng trở nên dữ dội. Nhưng khi nghỉ ngơi, mức độ đau lại giảm bớt. Cơn đau có thể xuất hiện tại một hoặc hai bên háng.
- Khớp háng bị hạn chế vận động: Do ảnh hưởng của tình trạng đau, khả năng vận động của khớp háng cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, người bệnh thường gặp khó khăn khi xoay, dạng và khép háng. Khi bị hoại tử chỏm xương đùi, người bệnh gần như không thể ngồi xổm.
Đau khớp háng là triệu chứng xuất hiện khá sớm
4. Chẩn đoán bệnh lý
Trong quá trình chẩn đoán bệnh lý, bác sĩ cần kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp thăm hỏi tiền sử chấn thương, bệnh lý, thói quen sinh hoạt, bệnh nền mắc phải cần dùng thuốc (nếu có),... Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ.
- Chụp X-quang khớp háng: Gồm chụp thẳng, nghiêng và chụp chếch đùi. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của chỏm xương đùi, đồng thời phát hiện một vài bất thường khác.
- Chụp cộng hưởng từ: Trường hợp hình ảnh chụp X-quang không rõ nét hoặc không cung cấp đủ thông tin cần thiết phục vụ chẩn đoán bệnh lý, người bệnh sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ. Kỹ thuật chẩn đoán này cũng hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng hoại tử, phát hiện sớm bệnh lý.
Chụp cộng hưởng từ chỉ định trong trường hợp hình ảnh chụp X-quang không rõ nét
5. Phương pháp điều trị
Để kiểm soát cơn đau, kìm hãm tốc độ tiến triển của bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa. Bao gồm việc sử dụng một số loại thuốc, vật lý trị liệu, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân hoặc tế bào gốc.
Nếu vùng khớp chưa xuất hiện tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật khoan giảm áp theo dạng mổ mở hoặc phối hợp mổ nội soi. Trường hợp cơn đau xuất hiện với tần suất thường xuyên, mức độ đau nặng, chỏm xương bị chèn ép, ổ cối bị thoái hóa nặng, bệnh nhân có thể phải mổ thay khớp.
Nói chung, các biện pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong điều trị hoại tử chỏm xương đùi sẽ bao gồm:
- Khoan giảm áp chỏm xương: Lấy một phần lõi xương, nhằm kích thích xương tự lành cùng hệ thống mạch máu mới.
- Đục xương điều chỉnh trục: Thông qua kỹ thuật can thiệp này, vùng xương bị tổn thương sẽ được giảm bớt gánh nặng. Khi đó, người bệnh không cần phải thay khớp.
- Phẫu thuật thay khớp háng: Chỉ định trong trường hợp chỏm xương đùi đã bị xẹp lại, biện pháp điều trị khác không còn phát huy hiệu quả.
- Ghép xương mác tự thân với phần cuống sạch: Một phương pháp phẫu thuật khá phổ biến ứng dụng trong điều trị hoại tử chỏm xương đùi.
Phẫu thuật đục xương điều chỉnh trục
6. Các biện pháp phòng ngừa
Hoại tử chỏm xương đùi có thể phần nào được phòng ngừa nếu bạn áp dụng một vài biện pháp sau đây:
- Hạn chế hoặc từ bỏ rượu, bia, thuốc lá.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ quả, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
- Điều trị kiểm soát bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hoại tử chỏm xương như huyết áp, tiểu đường.
- Không tự ý dùng thuốc Corticoid khi chưa được bác sĩ chỉ định, hướng dẫn.
Hy vọng bài chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này, bạn có thể tìm đến chuyên khoa Cơ xương khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ thăm khám cụ thể hơn.
Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ, tư vấn 24/7.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!