Các tin tức tại MEDlatec
Hội chứng ống cổ tay và những điều cần biết
- 09/12/2020 | Nổi gân xanh ở lòng bàn tay - Chớ chủ quan!
- 04/12/2020 | Nguyên nhân bị tê chân tay ở người trẻ là do đâu?
- 10/12/2020 | Bệnh giãn tĩnh mạch tay là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh
1. Tổng quan về hội chứng cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay hay cổ tay, còn được gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Bệnh bao gồm tập hợp nhiều triệu chứng bất thường xuất phát từ hệ thống thần kinh ngoại biên ở tay. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn, trong đó phụ nữ mang thai là trường hợp gặp nhiều nhất.
Hội chứng cổ tay là tình trạng bệnh lý xuất phát ở các dây thần kinh ngoại biên
Nguyên nhân
Hội chứng đường hầm cổ tay xảy ra là do khoảng cách (đường hầm) giữa các xương ở vị trí này hẹp hơn bình thường do nguyên nhân nào đó. Các dây thần kinh bị chèn ép và chẹt lại trong không gian dẫn đến cảm giác đau, bỏng rát và nhức nhối. Các triệu chứng có thể lan dần lên cẳng tay và cả cánh tay, dẫn đến những vận động kém linh hoạt và thường xuyên bị tê cứng. Tình trạng chèn ép kéo dài có thể dẫn đến teo cơ hoặc liệt cơ cổ tay, các tổn thương thần kinh sẽ không hồi phục nếu bị tác động liên tục.
Thông thường, do tính chất công việc phải hoạt động tay liên tục hay duy trì ở một tư thế cố định trong thời gian dài sẽ gây ra hội chứng chèn ép thần kinh giữa cổ tay. Do đó mà người làm việc thường xuyên với máy tính, nhà văn, tác giả, biên tập, nhân viên văn phòng, thu ngân, kế toán,... là những trường hợp có nguy cơ mắc hội chứng cổ tay.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: bất thường ở các gân gấp, ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, nang hạch, bướu mỡ,... Người bị nhiễm trùng khớp, bệnh Lyme hay nhiễm Mycobacterium,... Đối tượng mắc bệnh như mô liên kết, gout hoặc giả gout, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, nhược giáp, suy tim, béo phì, phụ nữ mang thai,... cũng có nguy cơ mắc bệnh ống cổ tay.
2. Chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác tình trạng ở ống cổ tay, các bác sĩ có thể dựa vào những biểu hiện lâm sàng kết hợp cùng với yếu tố tác động nhằm đưa ra định hướng.
Bên cạnh đó, phương pháp đo dẫn truyền dây thần kinh về cảm giác và vận động ở vùng da và cơ mà nó chi phối, nhằm chẩn đoán chính xác với bệnh nhân bị hội chứng cổ tay. Kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ đưa ra kết luận đúng vị trí bị chèn ép và kiểm tra mức độ tổn thương. Từ đó tìm kiếm và tư vấn với bệnh nhân phương pháp điều trị cho từng trường hợp cụ thể.
Việc chẩn đoán có thể dựa trên các biểu hiện lâm sàng kết hợp cùng với phương pháp ghi dẫn truyền thần kinh
Điều trị
Tùy vào mức độ tổn thương và tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ tiến hành phương pháp điều trị hội chứng cổ tay khác nhau.
Phương pháp điều trị bảo tồn
Những trường hợp bệnh nhẹ có thể kiểm soát bằng những biện pháp đơn giản như giảm áp lực trong ống cổ tay bằng cách giảm hiện tượng viêm, phù nề của các gân gấp hoặc dịch viêm do khớp hay máu tụ do chấn thương. Ngoài ra, cũng cần chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động tay. Có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen để giảm triệu chứng đau, nhức.
Với các bệnh nhân cần có sự can thiệp y khoa thì có thể áp dụng phương pháp đeo nẹp cổ tay. Đây là cách cố định ống cổ tay kể cả khi người bệnh đang ngủ nhằm hạn chế các triệu chứng. Phương pháp này còn được đánh giá an toàn và hiệu quả dành cho các bà bầu.
Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh hơn có thể được chỉ định như NSAID hoặc tiêm Steroid vào ống cổ tay, kết hợp thuốc bổ thần kinh như vitamin nhóm B hoặc các chế xuất từ B6. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị nội khoa với thuốc chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh có biểu hiện triệu chứng kéo dài nhưng không xảy ra tổn thương thần kinh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay áp dụng với bệnh nhân nặng, sau khi đã sử dụng thuốc một thời gian nhưng không mang lại hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân phát hiện đã có sự tổn thương thần kinh thì việc phẫu thuật cần phải được tiến hành ngay lập tức.
Hiện nay, phẫu thuật thường mang lại nhiều thành công và cho hiệu quả điều trị hội chứng ống cổ tay cao. Dù vậy, quá trình thực hiện có thể làm tổn thương đến nhiều vùng khác của cổ tay nên đòi hỏi cần phải được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn.
Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở tùy thuộc vào trang thiết bị y tế, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện và tình trạng cũng như yêu cầu của bệnh nhân.
Bác sĩ sẽ dựa theo từng mức độ tổn thương của bệnh nhân mà đưa ra phương pháp điều trị cụ thể
Tuy nhiên, bạn cần phải biết rằng, dù là đã phẫu thuật nhưng hội chứng này vẫn có thể tái trở lại nếu không có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Do đó mà những người mắc bệnh cần phải hết sức lưu ý, phòng bệnh trước khi để nó xảy ra sẽ là cách bảo vệ đôi tay khỏe mạnh và an toàn nhất.
3. Những biện pháp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Để có thể phòng ngừa tình trạng hội chứng ống cổ tay, bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
-
Thay đổi thói quen làm việc của tay. Đây là cách khắc phục nguyên nhân để bảo vệ sức khỏe đôi tay. Nếu tính chất công việc yêu cầu bạn phải vận động tay liên tục, hãy cho nó nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn có thể cân nhắc giữa thời gian làm và thời gian nghỉ để tay thư giãn và phòng ngừa bệnh lý.
-
Chú ý tư thế làm việc, tránh giữ một trạng thái quá lâu, đặc biệt là vị trí của cánh tay và bả vai vì chúng gây ảnh hưởng đến cổ tay.
-
Không nên dùng tay gối đầu hoặc để trên trán khi ngủ vì sẽ dễ làm tê tay và dẫn đến hội chứng chèn ép thần kinh.
-
Không sử dụng các chất kích thích như Cafein, Nicotine vì sẽ gây hại cho sức khỏe, làm tê tay và tình trạng bệnh lý có thể nặng hơn.
-
Châm cứu và massage là phương pháp an toàn, giảm đau hiệu quả và giúp máu lưu thông tốt. Đây cũng là biện pháp mà nhiều bác sĩ khuyên bà bầu áp dụng để phòng ngừa hoặc kết hợp điều trị hội chứng ống cổ tay.
Châm cứu là một trong những phương pháp giúp giảm đau do hội chứng chèn ép dây thần kinh giữa
Trong trường hợp cần thiết, tốt nhất bạn nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra cụ thể tình trạng bệnh lý. Việc kiểm soát tình trạng bệnh lý của cơ thể có mang lại hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào khả năng chăm sóc của chính bạn. Nếu bạn cần được tư vấn các bệnh lý liên quan ống cổ tay, có thể gọi đến hotline của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900.56.56.56, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và hỗ trợ bất cứ khi nào bạn cần.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!