Các tin tức tại MEDlatec
Hội chứng rối loạn sinh tủy và những thông tin cần biết
- 30/06/2023 | Ý nghĩa các chỉ số huyết học trong xét nghiệm công thức máu
- 14/11/2024 | Mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu và giải pháp tăng tuổi thọ cho người bệnh
- 16/03/2025 | Người bị suy tủy xương sống được bao lâu và những lưu ý trong điều trị
- 13/04/2025 | Suy tủy có phải ung thư máu không? Những lưu ý “sống còn” người bệnh cần ghi nhớ
1. Thông tin tổng quan về hội chứng rối loạn sinh tủy
Hội chứng rối loạn sinh tủy là gì?
Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndromes – MDS) là một nhóm các bệnh lý huyết học mạn tính, trong đó tủy xương không sản xuất đầy đủ các tế bào máu khỏe mạnh (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Đây là các rối loạn tiền ung thư và có nguy cơ tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML – Acute Myeloid Leukemia).
Cơ chế bệnh sinh
Những đột biến trong các tế bào gốc tạo máu của tủy xương, sản xuất ra tế bào máu bất thường, bị chết sớm hoặc không trưởng thành đầy đủ gây ra tình trạng thiếu máu, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác: Phổ biến ở người cao tuổi (thường > 60 tuổi);
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng rối loạn sinh tủy
- Tiền sử xạ trị hoặc hóa trị: Đặc biệt là điều trị ung thư trước đó;
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Như benzen, thuốc trừ sâu;
- Rối loạn di truyền: Một số hội chứng di truyền hiếm (ví dụ: hội chứng Fanconi, hội chứng Down).
2. Chẩn đoán hội chứng rối loạn sinh tủy bằng cách nào?
Việc chẩn đoán hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) cần phối hợp nhiều phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng để xác định rõ tình trạng rối loạn tạo máu trong tủy xương. Dưới đây là các bước chẩn đoán tiêu chuẩn:
Khai thác bệnh sử và khám lâm sàng
Triệu chứng thường gặp:
- Thiếu máu: Mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao;
- Giảm bạch cầu: Dễ nhiễm trùng;
- Giảm tiểu cầu: Dễ chảy máu, bầm tím;
- Sút cân, sốt, đau xương (ít gặp).
Tiền sử:
- Từng điều trị hóa trị/xạ trị;
- Tiếp xúc hóa chất độc hại;
- Bệnh di truyền hiếm.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC – Công thức máu)
Kết quả xét nghiệm xuất hiện các vấn đề bất thường như sau:
- Thiếu máu (đa số là kích thước hồng cầu bình thường hoặc hồng cầu to);
- Giảm bạch cầu;
- Giảm tiểu cầu;
- Tế bào máu có hình dạng bất thường.
Quá trình chẩn đoán hội chứng rối loạn sinh tủy đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp
Chọc hút tủy xương và sinh thiết tủy
Thực hiện tủy đồ nhằm đánh giá tỷ lệ blast (tế bào non):
- Nếu tỷ lệ tế bào blast > 20%, có thể đã chuyển thành bạch cầu cấp dòng tủy (AML);
- Quan sát rối loạn biệt hóa trong các dòng tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).
Sinh thiết tủy:
- Đánh giá mật độ tế bào, cấu trúc tủy xương;
- Phát hiện xơ hóa hay thâm nhiễm bất thường.
Xét nghiệm di truyền tế bào học (Cytogenetics / FISH)
- Giúp xác định chẩn đoán khi biểu hiện lâm sàng chưa rõ ràng. Trong một số trường hợp, hình thái tế bào tủy chưa có đủ tiêu chí để chẩn đoán MDS rõ ràng (ví dụ: loạn sản nhẹ hoặc không điển hình), thì phát hiện bất thường nhiễm sắc thể đặc hiệu sẽ hỗ trợ rất mạnh trong việc khẳng định chẩn đoán. Theo WHO, một số bất thường di truyền đặc hiệu có thể đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán MDS ngay cả khi rối loạn biệt hóa tế bào ở mức tối thiểu;
- Đánh giá tiên lượng bệnh: Các bất thường di truyền học là yếu tố chính trong hệ thống đánh giá tiên lượng như IPSS và IPSS-R. Ví dụ: del(5q) thường có tiên lượng tốt, có đáp ứng tốt với Lenalidomide. Trong khi đó Monosomy 7, del(7q), hoặc các bất thường nhiễm sắc thể phức tạp thường có tiên lượng xấu, hoặc Trisomy 8 có tiên lượng trung bình, có thể kèm nguy cơ rối loạn miễn dịch;
- Hỗ trợ quyết định điều trị cá thể hóa: Xét nghiệm di truyền giúp lựa chọn thuốc phù hợp, ví dụ: Lenalidomide cho bệnh nhân có đột biến del(5q); giúp cân nhắc ghép tế bào gốc sớm ở các bệnh nhân có bất thường nguy cơ cao;
- Giám sát diễn tiến bệnh và đáp ứng điều trị: Có thể theo dõi sự biến mất hoặc xuất hiện mới của các bất thường di truyền để đánh giá hiệu quả điều trị, hoặc phát hiện sự tiến triển thành AML.;
Các xét nghiệm hỗ trợ khác
Xét nghiệm sắt huyết thanh và Ferritin
Giúp đánh giá dự trữ sắt trong cơ thể, từ đó phân biệt:
- Thiếu máu do thiếu sắt (thường gặp ở phụ nữ, người bị mất máu kéo dài).
- Thiếu máu trong MDS (thường có ferritin bình thường hoặc tăng do truyền máu nhiều).
- Ngoài ra, ferritin tăng còn giúp gợi ý quá tải sắt, nhất là ở bệnh nhân truyền máu mạn tính.
Vitamin B12 và Acid Folic
Thiếu vitamin B12 hoặc folate có thể gây thiếu máu hồng cầu to, tăng sinh tế bào non và loạn sản nhẹ. Việc loại trừ thiếu máu dinh dưỡng là bắt buộc trước khi chẩn đoán xác định MDS.
Tủy đồ với nhuộm đặc hiệu
- Nhuộm Perls: Đánh giá sắt trong tủy, tìm vòng sideroblast (gợi ý MDS nếu >15%).
- Nhuộm Sudan black B, Myeloperoxidase...: Giúp phân biệt MDS với các bệnh lý tăng sinh tủy ác tính (ví dụ: AML, PV, ET, PMF);
- Cần thiết để phân loại chính xác MDS theo WHO hoặc IPSS-R..
3. Tiêu chí chẩn đoán xác định hội chứng rối loạn sinh tủy
Tiêu chí chẩn đoán MDS theo phân loại WHO (2016). Theo đó, bác sĩ cần dựa vào vào lâm sàng, huyết học, tủy đồ và xét nghiệm di truyền, bao gồm các tiêu chí sau:
Tiêu chí chẩn đoán xác định hội chứng rối loạn sinh tủy dựa theo phân loại WHO (2016)
Giảm số lượng tế bào máu ngoại vi (cytopenia)
Giảm ít nhất một dòng tế bào máu kéo dài (>6 tháng, nếu không có nguyên nhân khác):
- Hồng cầu: Hb < 10 g/dL;
- Bạch cầu trung tính: < 1.8 G/L (1.8 x 10⁹/L);
- tiểu cầu: < 100 G/L (100 x 10⁹/L)
Loạn sản tủy xương (dysplasia)
Có rối loạn biệt hóa (≥10% tế bào) ở ít nhất 1 trong 3 dòng tế bào:
- Dòng hồng cầu;
- Dòng bạch cầu hạt;
- Dòng mẫu tiểu cầu
Tỷ lệ blast trong tủy xương và máu ngoại vi
- Blast trong máu ngoại vi < 5%;
- Blast trong tủy xương < 20% (nếu ≥20% → chẩn đoán chuyển thành bạch cầu cấp dòng tủy – AML).
Bất thường di truyền tế bào học (nếu có)
- Có thể hỗ trợ chẩn đoán MDS khi các tiêu chí hình thái chưa rõ ràng;
- Ví dụ: del(5q), monosomy 7, del(7q), trisomy 8…
Loại trừ các nguyên nhân thứ phát
- Không do thiếu vitamin (B12, folate);
- Không do nhiễm trùng, bệnh lý tự miễn hoặc độc chất.
4. Phương pháp điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy
Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mức độ nguy cơ (theo thang điểm IPSS/IPSS-R);
- Tình trạng sức khỏe tổng thể và tuổi của bệnh nhân;
- Các bất thường di truyền học tủy xương;
- Triệu chứng lâm sàng (thiếu máu, nhiễm trùng, chảy máu...)
Dựa trên những yếu tố nêu trên, các phương pháp điều trị được đưa ra bao gồm:
Điều trị hỗ trợ (thường dùng cho nhóm nguy cơ thấp)
- Truyền máu: Hồng cầu và tiểu cầu khi cần;
- Sử dụng thuốc kích thích tạo hồng cầu: Như Epoetin alfa hoặc Darbepoetin;
- Sử dụng kháng sinh: Trong trường hợp có tình trạng nhiễm trùng;
- Sử dụng thuốc ức chế hấp thu sắt (như Deferasirox) nếu truyền máu nhiều lần gây quá tải sắt;
- Bổ sung Acid folic, vitamin B12 nếu thiếu.
Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu sinh học và hóa chất
- Thuốc hạ methyl hóa DNA bao gồm Azacitidine hoặc Decitabine;
- Loại thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân nguy cơ trung bình đến cao, hoặc không đủ sức khỏe để ghép tủy nhằm làm chậm tiến triển bệnh, cải thiện triệu chứng;
Thuốc điều trị nhắm trúng đích
- Lenalidomide: hiệu quả đặc biệt ở bệnh nhân có đột biến del(5q);
- Luspatercept: kích thích tạo hồng cầu ở bệnh nhân phụ thuộc truyền máu;
- Các thuốc ức chế IDH1/IDH2, TP53... (nếu có đột biến tương ứng – thường trong thử nghiệm lâm sàng hoặc trung tâm chuyên sâu).
Ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy xương)
Là phương pháp duy nhất có thể chữa khỏi hội chứng rối loạn sinh tủy, được áp dụng cho các đối tượng sau:
- Bệnh nhân dưới 70 tuổi, sức khỏe còn tốt;
- Nhóm nguy cơ trung bình - cao hoặc nguy cơ cao;
- Có người cho tủy phù hợp.
Ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy xương) là phương pháp hiệu quả hàng đầu trong điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy
Hóa trị liều cao
- Dành cho MDS đã tiến triển gần giống bạch cầu cấp dòng tủy (AML);
- Dùng thuốc như Cytarabine, Daunorubicin;
- Ít được dùng cho bệnh nhân lớn tuổi vì độc tính cao
Hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS) là một nhóm bệnh lý huyết học phức tạp, có thể tiến triển âm thầm nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao chuyển thành bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu lâm sàng, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hiện đại như tủy đồ, sinh thiết tủy và xét nghiệm di truyền là yếu tố then chốt trong việc xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong bối cảnh y học ngày càng phát triển, việc cá thể hóa điều trị và theo dõi sát sao giúp nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân MDS.
Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC là đơn vị đáp ứng thực hiện các kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm chẩn đoán chính xác hội chứng phức tạp này, từ đó đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. Nếu có thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người dân hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!