Các tin tức tại MEDlatec

Hội chứng thực bào máu điều trị như thế nào?

Ngày 11/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Hội chứng thực bào máu là một rối loạn hiếm gặp và nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch, và thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tìm hiểu thông tin quan trọng về hội chứng thực bào máu trong bài viết dưới đây để hiểu rõ về bệnh này và phương pháp điều trị.

1. Tìm hiểu về Hội chứng thực bào máu

1.1 Hội chứng thực bào máu là gì?

Hội chứng thực bào máu (Hemophagocytic Lymphohistiocytosis - HLH) là một tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch, trong đó các tế bào miễn dịch hoạt động quá mức, tấn công cả tế bào khỏe mạnh của cơ thể, bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và cả tế bào tiền thân của chúng.

Hội chứng thực bào máu là một tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch hiếm gặp

HLH có thể dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm gan, lách, tủy xương và hệ thần kinh trung ương, gây nguy cơ tử vong nếu không được điều trị sớm.

1.2 Nguyên nhân gây hội chứng thực bào máu

Nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng thực bào đến nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở người bao gồm: 

- Do di truyền - Dạng tiên phát (FHLH):

Thường do các đột biến gen trên nhiễm sắc thể gây ra. FHLH có thể tự phát hoặc khởi phát khi cơ thể bị nhiễm trùng.

Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong các gia đình có tiền sử mắc bệnh HLH.

- Do nguyên nhân thứ phát - Dạng thứ phát (HLH mắc phải):

Dạng này xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố kích thích như nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch hoặc một số bệnh lý ác tính. 

+ Nhiễm trùng: Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), Cytomegalovirus (CMV), hoặc các loại vi khuẩn, nấm.

+ Bệnh lý ác tính: Như ung thư hạch, bạch cầu cấp.

+ Rối loạn miễn dịch: Lupus ban đỏ, hội chứng Sjögren, viêm khớp dạng thấp.

+ Sử dụng thuốc chống viêm nhiễm: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Dù xảy ra do nguyên nhân nào, hội chứng thực bào máu đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1.3. Triệu chứng thường gặp của tình trạng thực bào máu

Các triệu chứng của HLH thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tình trạng thực bào máu này một số dấu hiệu điển hình bao gồm:

- Sốt cao kéo dài: Khó kiểm soát dù dùng thuốc hạ sốt.

Hội chứng thực bào máu gây sốt cao kéo dài và khó kiểm soát

- Gan và lách to: Gây chướng bụng, khó chịu.

- Giảm tế bào máu: Dẫn đến mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, bầm tím hoặc chảy máu.

- Vàng da: Biểu hiện của suy gan.

- Triệu chứng thần kinh: Như co giật, mất ý thức, hoặc hôn mê trong trường hợp nặng.

2. Cách điều trị tình trạng thực bào máu

Hội chứng thực bào máu là một tình trạng nguy hiểm với nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng này có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể, bao gồm: suy đa cơ quan, nhiễm trùng nghiêm trọng, thiếu máu, rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh,....

Để ngăn chặn các biến chứng này, cần áp dụng các phương pháp điều trị chuyên biệt.

2.1 Nguyên tắc điều trị

- Đánh giá toàn diện: người bệnh cần được kiểm tra kỹ lưỡng để xác định tình trạng bệnh, bao gồm việc chẩn đoán HLH tiên phát (di truyền) hoặc thứ phát (mắc phải).

- Điều trị theo nguyên nhân: Trong trường hợp HLH thứ phát, cần ưu tiên hoặc kết hợp điều trị nguyên nhân gốc rễ như nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc ung thư.

 2.2 Các phương pháp điều trị cụ thể 

2.2.1 Hóa trị liệu 

Người bệnh sẽ được áp dụng hóa trị liệu toàn thân trong thời gian 8 tuần đầu. Mục tiêu của phương pháp này là kiểm soát nhanh chóng tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nếu sau 2 tuần hóa trị mà các bất thường về thần kinh không cải thiện hoặc tiếp tục tiến triển, phương pháp tiêm tủy sống sẽ được thực hiện. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

- Etoposide: Tiêm tĩnh mạch.

- Cyclosporine A: Thuốc ức chế miễn dịch mạnh.

- Methotrexate: Tiêm vào kênh tủy, nhưng cần lưu ý vì thuốc này có thể gây phù não trong một số trường hợp.

Nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng huyết, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phù hợp nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và giảm thiểu nguy cơ lan rộng.

2.2.2 Giai đoạn điều trị củng cố

Ở tuần thứ 9 trở đi, người bệnh sẽ được điều trị củng cố đến tuần thứ 40. Tùy thuộc vào mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh, phương pháp này có thể thay đổi:

- Đối với HLH thứ phát: Sau 8 tuần hóa trị, người bệnh có thể không cần điều trị củng cố và chuyển sang giai đoạn theo dõi. Nếu bệnh tái phát, thực hiện điều trị củng cố và xem xét ghép tế bào gốc nhanh chóng.

- Đối với HLH tiên phát: Nếu phát hiện có tổn thương gen, người bệnh cần được chuyển sang điều trị củng cố và ghép tế bào gốc sớm để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

2.2.3 Ghép tế bào gốc

Phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài hòa hợp là ưu tiên hàng đầu.

Trong trường hợp không tìm được tế bào gốc đồng loài phù hợp, có thể sử dụng tế bào gốc hòa hợp một nửa từ anh chị em ruột của người bệnh.

Tình trạng thực bào máu cần được điều trị càng sớm càng tốt theo hướng dẫn của bác sĩ

2.2.4 Điều trị hỗ trợ

Ngoài các phương pháp điều trị chính, người bệnh cũng cần được hỗ trợ y tế để ổn định tình trạng sức khỏe, bao gồm:

- Sử dụng kháng sinh, thuốc chống nấm, liệu pháp chống virus.

- Điều trị các trường hợp nhiễm trùng huyết đi kèm.

- Điều chỉnh các rối loạn liên quan:

+ Truyền dịch, thải độc, giảm acid uric.

+ Điều trị thiếu máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.

 + Bảo vệ tế bào gan và hỗ trợ chức năng gan.

Điều trị Hội chứng thực bào máu là một cuộc đua với thời gian, trong đó việc chẩn đoán sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị đóng vai trò quyết định. Với sự phát triển của các liệu pháp mới, người bệnh mắc HLH, dù là tiên phát hay thứ phát, đều có cơ hội kiểm soát bệnh tốt hơn. Hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ chuyên sâu.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.