Các tin tức tại MEDlatec

“Hung thủ” gây bệnh thiếu máu não là gì và phòng bệnh ra sao?

Ngày 12/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Ngày nay, với những áp lực, căng thẳng trong công việc, khá nhiều người mắc phải căn bệnh thiếu máu não. Trên thực tế, mọi người chưa thực sự hiểu về căn bệnh này và tác động xấu của chúng đối với sức khỏe. Chính vì vậy, họ có thái độ chủ quan, bỏ qua việc điều trị, hậu quả là sức khỏe bị đe dọa nặng nề. Vậy những nguyên nhân nào khiến bệnh hình thành?

1. Bệnh thiếu máu não - căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Chắc hẳn chúng ta đều biết não chính là một trong những cơ quan giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể. Mặc dù trọng lượng của chúng khá nhỏ, tuy nhiên cơ quan này tham gia vào hầu hết các quá trình vận động trong cơ thể. Nếu như não bộ bị tổn thương thì một số hoạt động khác cũng chịu ảnh hưởng xấu.

Trên thực tế, mọi người chưa có hiểu biết rõ ràng về bệnh thiếu máu não

Một trong những căn bệnh thường gặp nhất đó là thiếu máu não, hiểu đơn giản, đây là tình trạng tế bào não không được cung cấp đầy đủ lượng oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. Hậu quả để lại đó là hệ thần kinh trung ương bị suy giảm chức năng rõ rệt.

Căn bệnh này có thể đe dọa bất cứ đối tượng nào, kể cả người trẻ tuổi và những người cao tuổi. Chính vì thế, chúng ta không thể chủ quan trước những tác động xấu tới sức khỏe.

Ngày nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng rất nhanh. Phải chăng những áp lực, căng thẳng của cuộc sống hiện đại là yếu tố tác động tới khả năng cung cấp oxy, dinh dưỡng của não bộ?

2. Hung thủ gây bệnh thiếu máu não là gì?

Dẫu biết đây là căn bệnh nghiêm trọng, nguy hiểm, song không phải ai cũng biết về nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não. Nhìn chung, có rất nhiều tác nhân góp phần gia tăng số lượng người mắc bệnh.

Tình trạng thiếu máu lên não xảy ra do nhiều lý do khác nhau

2.1. Xơ vữa động mạch

Trong đó, các bác sĩ đã nghiên cứu và chỉ ra rằng xơ vữa thành mạch là một trong những tác nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt máu lên não. Cụ thể, khi mắc chứng xơ vữa động mạch, mạch máu của bệnh nhân bị tắc nghẽn do nhiều mảng xơ vữa tích tụ, bám ở đó. Chính vì thế, dòng máu chảy không thông suốt và gây ra tình trạng thiếu máu lên não.

2.2. Thoái hóa đốt sống cổ

Nhiều bạn bất ngờ khi biết bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến lượng máu lên não suy giảm. Bởi vì, ở vị trí đốt sống bị thoái hóa, các gai xương hình thành, chúng là nguyên nhân khiến dòng máu lưu thông kém hiệu quả và không được bơm đầy đủ lên não bộ.

2.3. Các nguyên nhân khác

Một số nghiên cứu trong thời gian gần đây cũng chỉ ra rằng bệnh thiếu máu não xuất phát từ hiện tượng máu đông, khả năng vận chuyển oxy của máu rất kém. Những yếu tố này tác động và gây ra nhiều cản trở đối với dòng tuần hoàn máu. Thực sự, chúng ta không thể coi thường những triệu chứng kể trên. Càng để tình trạng này kéo dài, sức khỏe càng chịu nhiều tác động xấu.

Co mạch máu, chèn ép động mạch là những hiện tượng đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe

Ngoài ra, hiện tượng co mạch máu, chèn ép động mạch từ bên ngoài được coi là tác nhân góp phần gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh thiếu hụt máu lên não.

3. Triệu chứng của bệnh nhân thiếu máu não

Chắc hẳn mọi người đều lo lắng trước sự nguy hiểm của bệnh thiếu máu lên não, vậy những triệu chứng nào cho biết đang mắc bệnh?

Đầu tiên, đau nhức đầu là triệu chứng hầu hết người bệnh đều phải đối mặt, thông thường chúng sẽ xuất hiện ở vị trí trán, phía sau gáy. Thậm chí, cơn đau còn lan tới cả đầu khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, không thể tập trung làm việc. Đặc biệt, nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, họ càng cảm nhận cơn đau đầu rõ ràng hơn.

Khi mắc bệnh, đa số bệnh nhân đều gặp phải triệu chứng đau nhức đầu

Bên cạnh đó, khi bị thiếu máu não, bạn không thể tránh khỏi hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và thường xuyên bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Các triệu chứng kể trên khiến tâm lý của bệnh nhân trở nên căng thẳng hơn.

Đặc biệt, rất nhiều người phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ, nhiều người cho rằng đây chỉ là dấu hiệu lão hóa của tuổi già và bỏ qua việc theo dõi, điều trị. Trên thực tế, khi oxy không được cung cấp đầy đủ cho não bộ thì khả năng ghi nhớ của chúng ta giảm đi đáng kể.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy tê bì chân tay, hãy cẩn thận, bởi vì đây cũng là triệu chứng khi máu không lên não. Tình trạng này xảy ra ở cả cánh tay, cẳng chân, ngón tay chân, bàn tay chân,… Thực sự, người bệnh gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển trong điều kiện như vậy.

4. Bệnh thiếu máu não ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Căn bệnh thiếu máu não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của chúng ta sẽ suy giảm cực kỳ nhanh chóng. Tới khi các biến chứng xuất hiện, khả năng điều trị bệnh là rất mong manh.

Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân phải đối mặt với biến chứng tai biến mạch máu não

Một trong những biến chứng thường gặp đó là tình trạng tai biến mạch máu não, chúng ta còn biết đến với tên gọi khác đó là đột quỵ. Việc não bộ không được cung cấp đủ máu trong một thời gian dài khiến cơ quan này chịu những tổn thương cực kỳ nghiêm trọng.

Hậu quả đó là não đột nhiên ngưng hoạt động, chết não trong một thời gian ngắn, khoảng vài giây đến vài phút. Sau khi trải qua tổn thương đáng sợ ấy, nhiều người bệnh rơi đối mặt với nguy cơ bị liệt nửa người, không có cảm giác và không thể di chuyển. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu trong một thời gian tương đối dài.

5. Bí quyết phòng bệnh

Khá nhiều bạn thắc mắc không biết căn bệnh này có thể di truyền từ đời này sang đời khác hay không? Câu trả lời là không, chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ hình thành bệnh.

Để hạn chế khả năng mắc bệnh thiếu máu não, mỗi chúng ta nên cố gắng xây dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ đối với sức khỏe của bạn. Các nhóm dinh dưỡng giúp cải thiện hệ tuần hoàn bạn không thể không nhắc tới là: thực phẩm giàu đạm, sắt, vitamin,…

Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, khả năng lưu thông máu cũng được cải thiện đáng kể. Chúng ta không nhất thiết phải vận động mạnh, những bài tập nhẹ nhàng như yoga vẫn đem lại hiệu quả đáng ngạc nhiên đấy nhé!

Như vậy, bất cứ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu não nếu bạn không biết cách chăm sóc bản thân. Nếu bạn phát hiện bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu kể trên, hãy nhanh chóng đi khám và điều trị theo phác đồ phù hợp nhất. Như vậy, chúng ta có thể hạn chế sự phát triển của các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.