Các tin tức tại MEDlatec

Khám sức khỏe sinh sản: Những điều cần biết

Ngày 15/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trước kết hôn, đặc biệt là khi có kế hoạch mang thai, các cặp đôi nên khám sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa của việc này cũng như không biết khi nào cần đi khám và cần khám những gì.

1. Khám sức khỏe sinh sản là gì?

Khám sức khỏe sinh sản là tập hợp các phương pháp thăm khám, kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe sinh sản của các cặp đôi đang chuẩn bị kết hôn hoặc có ý định mang thai. Hoạt động thăm khám và kiểm tra này mang đến nhiều lợi ích như:

  • Phát hiện và điều trị các bệnh lý phụ khoa. 
  • Phát hiện và điều trị các bệnh lý truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục.
  • Kiểm tra, tầm soát những rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến em bé trong tương lai.
  • Đánh giá nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Tư vấn kế hoạch mang thai và sinh con phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cặp đôi; tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai,…

Trường hợp kết quả thăm khám tốt, bác sĩ sẽ tư vấn cặp đôi những thói quen trong sinh hoạt giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Còn các cặp đôi sẽ có một tâm lý thoải mái cùng nhiều kiến thức hữu ích để tự tin bước vào đời sống hôn nhân và sẵn sàng thực hiện thiên chức làm ba mẹ.

Cặp đôi chuẩn bị kết hôn hoặc có ý định mang thai nên khám sức khỏe sinh sản

2. Thời điểm cần khám sức khỏe sinh sản

Có 2 thời điểm các cặp đôi cần thực hiện khám sức khỏe sinh sản là chuẩn bị kết hôn và trước khi có ý định mang thai khoảng 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bạn vẫn nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ nếu từ 18 tuổi trở lên và đã quan hệ tình dục. 

Có nhiều trường hợp chỉ đi khám khi cơ thể xuất hiện những bất thường, đời sống tình dục bị suy giảm hay kết hôn một thời gian dài nhưng vẫn chưa có con dù không áp dụng biện pháp tránh thai. Lúc này, việc thăm khám và điều trị rất mất thời gian và tốn kém. Nghiêm trọng hơn là một số bệnh lý đã ở giai đoạn muộn nên cơ hội chữa khỏi không cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản, hạnh phúc gia đình.

3. Các hạng mục trong khám sức khỏe sinh sản

Khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc di truyền là 3 hạng mục quan trọng khi kiểm tra sức khỏe sinh sản.

Khám sức khỏe tổng quát

Bác sĩ khai thác tiền sử bệnh của cặp đôi, bao gồm các bệnh lý đã mắc, các phẫu thuật đã thực hiện, thói quen sinh hoạt, môi trường làm việc,… Sau đó tiến hành đo chỉ số thể lực và cho làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm hoặc các thăm dò chức năng khác,… để đánh giá sức khỏe tổng thể cũng như kiểm tra, phát hiện các bệnh lý truyền nhiễm.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tổng thể

Khám sức khỏe sinh sản

Đây là hạng mục khám quan trọng, có sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới. 

Đối với nam giới, các danh mục khám bao gồm:

  • Khám nam khoa.
  • Siêu âm tinh hoàn.
  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: cần kiêng xuất tinh từ 2 - 7 ngày trước khi thực hiện. 
  • Xét nghiệm hormone nội tiết tố sinh dục nam. 

Đối với nữ giới, các danh mục khám gồm:

  • Khám phụ khoa.
  • Xét nghiệm dịch âm đạo như: soi tươi dịch âm đạo, chlamydia.
  • Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung: HPV, PAP- smear.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo.
  • Xét nghiệm dự trữ buồng trứng AMH.
  • Xét nghiệm hormone nội tiết tố nữ. 

Bác sĩ thực hiện siêu âm để đánh giá cơ quan sinh sản 

Sàng lọc gen di truyền

Các danh mục bao gồm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm gen bệnh thể ẩn. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh liên quan đến rối loạn di truyền, bác sĩ sẽ chị định cụ thể sàng lọc gen di truyền về bệnh lý đó, nhằm xác định người được kiểm tra có mang gen bệnh lý đó không.

Sau tất cả các bước khám, cặp đôi được bác sĩ thông báo về tình hình sức khỏe sinh sản. Nếu có bất thường, bác sĩ hướng dẫn và chỉ định các phương pháp điều trị. Ngoài ra, với những trường hợp có ý định sinh con, bác sĩ sẽ cho tiêm phòng các mũi vắc xin phòng ngừa cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, Rubella,... vì những bệnh lý này có thể lây truyền cho thai nhi. 

4. Lưu ý khi khám sức khỏe sinh sản

Các cặp đôi cần chú ý những vấn đề sau khi đi khám sức khỏe sinh sản.

  • Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, hồ sơ khám bệnh, toa thuốc đang dùng. 
  • Tốt nhất là nhịn ăn trước đó 8 giờ và đi khám vào buổi sáng, không ăn sáng để thuận tiện khi thực hiện các xét nghiệm.
  • Có thể uống nhiều nước và nhịn tiểu trong 1 giờ để quá trình siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến tiền liệt được thuận lợi.
  • Tránh uống rượu, sử dụng chất kích thích và kiêng quan hệ tình dục trước ngày đi khám.
  • Nữ giới không nên khám phụ khoa vào ngày đang có kinh, đồng thời không thụt rửa, đặt thuốc âm đạo vào đêm trước khi đi khám. 
  • Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào đang sử dụng.
  • Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau khi có kết quả khám, đặc biệt là tái khám đúng lịch trình để đảm bảo hiệu quả điều trị như mong muốn.

Chuẩn bị tâm lý thật thoải mái khi đi khám và kiểm tra sức khỏe sinh sản 

Chúng ta đã cùng tìm hiểu chi tiết về khám sức khỏe sinh sản. Nếu bạn quan tâm đến gói khám này hay chưa tìm được địa chỉ khám phù hợp, hãy an tâm sử dụng dịch vụ tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để được tư vấn kỹ hơn cũng như đăng ký lịch khám trước, quý khách có thể gọi ngay hotline 1900 56 56 56. 

Từ khoá: khám sức khỏe

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.