Các tin tức tại MEDlatec

Máu nhiễm mỡ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 15/08/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu thường xảy ra ở những người trung tuổi và cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Để dự phòng ngăn ngừa bệnh, hiểu rõ về nguyên nhân, tác hại của bệnh lý này là rất cần thiết. 

1. Máu nhiễm mỡ có nguyên nhân do đâu?

Bệnh nhân mắc bệnh lý này có nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu cao, do nhiều nguyên nhân gây ra như:

1.1. Chế độ ăn uống có nhiều chất béo

Chế độ ăn uống hàng ngày thu nạp quá nhiều chất béo trong khi cơ thể không sử dụng hết là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh. Các thực phẩm đứng đầu trong danh sách này như:

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Thịt bò, thịt lớn, thịt bê, trứng, sữa,…

- Thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao: Thực phẩm đóng hộp, thức ăn chứa bơ, dầu dừa, ca cao,…

Máu nhiễm mỡ là rối loạn chuyển hóa lipid thường xảy ra ở người trung tuổi

Thực tế sau khi ăn từ 2 - 3 giờ, chất béo trong thức ăn được hấp thụ gây tăng lipid máu, đạt mức cao nhất là sau 4 - 6 giờ. Mức độ và thời gian tăng mỡ máu phụ thuộc vào loại chất béo cơ thể hấp thụ, mức độ chuyển hóa, cường độ hoạt động của ruột, hoạt tính men tiêu hóa và chuyển hóa,…

1.2. Do cơ thể béo phì

Người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ lớn do hàm lượng cholesterol xấu trong máu cao trong khi hàm lượng cholesterol trong máu thấp. Hơn nữa mỡ thừa tích tụ chủ yếu ở bụng và các cơ quan nội tạng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và hoạt động của cơ thể.

1.3. Do lười vận động

Lười vận động là thói quen xấu ở rất nhiều giới trẻ hiện nay, cũng là lý do khiến bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ. Ít vận động làm tăng lipoprotein xấu trong máu và giảm cholesterol tốt. Vì thế việc lười tập thể dục thể thao, thường xuyên ngồi, nằm một chỗ thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ

1.4. Do căng thẳng, stress kéo dài

Tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm mỡ ở máu. Chủ yếu do khi gặp phải tình trạng này, cơ thể có xu hướng ăn nhiều hơn, nhất là thực phẩm ngọt chứa nhiều đường hoặc đồ thịt chiên rán nhiều dầu mỡ.

Những người áp lực, làm việc mệt mỏi cũng có xu hướng lười vận động hơn, có thói quen uống rượu bia, chất kích thích khiến nồng độ cholesterol xấu trong máu càng tăng cao.

1.5. Vấn đề giới tính và tuổi tác

Ở độ tuổi trước mãn kinh, từ 15 - 45 tuổi thì nữ giới thường có nồng độ mỡ máu thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên sau thời kỳ này, do hormone Estrogen suy giảm nên quá trình chuyển hóa chất béo gặp vấn đề, cholesterol xấu và triglycerid trong máu của nữ giới tăng cao, nguy cơ máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch.

1.6. Yếu tố di truyền

Các nghiên cứu đã chứng minh, những người trong gia đình có bố mẹ, anh chị em hoặc ông bà bị máu nhiễm mỡ thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

1.7. Do bệnh lý khác

Người mắc bệnh lý rối loạn hoạt động tuyến giáp, tiểu đường,… cũng có nguy cơ mỡ trong máu tăng cao hơn người bình thường.

Máu nhiễm mỡ thường gặp hơn ở người béo phì

2. Triệu chứng và biến chứng bệnh

2.1. Triệu chứng bệnh

Hầu hết mọi người chỉ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, gây nhiều tổn thương cho các cơ quan và cơ thể bởi máu nhiễm mỡ không có triệu chứng điển hình. Đặc biệt, bệnh lý này ở người trẻ diễn biến âm thầm, khó nhận biết, khiến nhiều người chủ quan.

Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải như:

- Khi bệnh chưa tiến triển sang giai đoạn cuối: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thở gấp, tim đập nhanh, đau tức ngực,…

- Khi bệnh phát triển đến giai đoạn cuối: Đau tim, huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,…

Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện ban vàng dưới da, thể hiện là các nốt phồng nhỏ có bề mặt bóng loáng, màu vàng. Ban vàng dưới da có thể xuất hiện khắp cơ thể, kích thước lớn gây mất thẩm mỹ.

2.2. Biến chứng bệnh

Đây là căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Hàm lượng mỡ trong máu cao cùng rối loạn chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch như: xơ vữa động mạch, tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

Gây bệnh viêm tụy

Viêm tụy là biến chứng nguy hiểm của bệnh. Nguyên nhân do hàm lượng triglyceride trong máu cao tác động gây sưng viêm tuyến tụy với các triệu chứng như: sốt, nôn, đau bụng dữ dội, đi ngoài, nhịp thở nhanh,… Viêm tụy cấp diễn biến phức tạp, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Tai biến mạch máu não

Cholesterol và Triglyceride trong máu cao ở bệnh nhân máu nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm máu cung cấp đến não. Lâu dần lòng động mạch ngày càng thu hẹp, nguy cơ tai biến mạch máu não.

Máu nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não

Suy giảm chức năng gan

Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh lý về gan khác.

Cao huyết áp

Bệnh nhân máu nhiễm mỡ thường gặp tình trạng lưu thông máu tới các cơ quan kém do hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn. Khi đó áp suất máu cũng tăng, nguy cơ gây bệnh cao huyết áp.

3. Cách phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ hiệu quả

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, quan niệm này cũng đặc biệt đúng với bệnh máu nhiễm mỡ. Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm ở giai đoạn đầu, chỉ bằng việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đã có thể cải thiện bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn, hơn nữa biến chứng nguy hiểm cũng luôn đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Một số biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh hiệu quả:

- Kiểm soát cân nặng ở mức vừa đủ.

- Ăn vừa đủ các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như: thịt bò, thịt bê, thịt lợn,..

- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích,…

- Cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày, các dưỡng chất được cung cấp đầy đủ, không nên ăn quá nhiều chất đạm và chất béo.

- Bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất qua các loại trái cây tươi, rau xanh tốt cho sức khỏe và cân bằng chất béo trong máu.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng ở người máu nhiễm mỡ

Bên cạnh việc phòng ngừa, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bạn cũng nên khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu định kỳ để sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Nếu có thắc mắc liên quan đến kiểm tra, khám và điều trị bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.