Các tin tức tại MEDlatec
Mẹ bầu bị ngứa toàn thân làm thế nào để giảm ngứa hiệu quả
- 22/05/2023 | Những dấu hiệu tiền sản giật mẹ bầu cần ghi nhớ
- 12/08/2024 | Tiền sản giật - Biến chứng sản khoa nguy hiểm hàng đầu, mẹ bầu nên sàng lọc khi nào?
- 16/08/2024 | Mạch máu tiền đạo và những điều mẹ bầu cần biết
1. Nguyên nhân mẹ bầu bị ngứa toàn thân
1.1. Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Trong thai kỳ, nội tiết tố progesterone và estrogen tăng cao. Sự thay đổi này làm ảnh hưởng đến cấu trúc da, làm da khô hơn và dễ bị kích ứng, từ đó gây ra ngứa.
1.2. Da căng giãn quá mức
Khi thai nhi phát triển, bụng mẹ sẽ ngày càng lớn, da bị căng giãn nhiều, làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, khiến da khô và ngứa.
1.3. Bệnh lý về gan (Ứ mật trong thai kỳ)
Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại gây ngứa toàn thân ở mẹ bầu là ứ mật trong thai kỳ. Đây là tình trạng dịch mật không được lưu thông bình thường trong các ống dẫn mật ở gan mà ứ lại, tràn vào trong máu và gây ra triệu chứng ngứa toàn thân, đi kèm với các triệu chứng khác như vàng da, mệt mỏi, ăn uống kém,... . Ngoài ra, ứ mật trong thai kỳ còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, nên cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
1.4. Dị ứng
Mang thai có thể khiến làn da của mẹ trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, bụi, hay một số loại thực phẩm, hóa chất trong mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng,…. khiến mẹ bầu bị ngứa toàn thân.
Dị ứng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ngứa toàn thân
1.5. Bệnh về da
Một số mẹ bầu có thể gặp phải các bệnh về da như viêm da cơ địa, mề đay thai kỳ. Đây là các tình trạng viêm da liên quan đến sự thay đổi nội tiết và hệ miễn dịch của cơ thể khi mang thai. Các bệnh lý này thường xuất hiện trong 3 tháng cuối và có thể đi kèm với các mảng phát ban đỏ, ngứa, khiến mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu.
2. Ngứa toàn thân khi mang thai có sao không?
Phần lớn trường hợp mẹ bầu bị ngứa toàn thân khi mang thai không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ cũng không được quá chủ quan mà cần chú ý nếu hiện tượng ngứa kèm theo những triệu chứng bất thường.
- Ngứa toàn thân kèm theo vàng da: Đây có thể là dấu hiệu của ứ mật trong gan khi mang thai. Khi dịch mật không được bài tiết ra ngoài đúng cách, nó tích tụ trong máu và gây ra hiện tượng ngứa khắp người.
Ngứa toàn thân kèm theo vàng da có thể là dấu hiệu của ứ mật trong gan khi mang thai
- Ngứa kèm theo tổn thương da, bong vảy: Nếu thấy da xuất hiện các mảng tổn thương, đóng vảy, mẹ bầu có thể đang gặp các vấn đề da liễu như vảy nến hoặc chàm cần thăm khám để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
- Phát ban kèm sốt: Nếu ngứa đi kèm với phát ban và sốt, mẹ bầu cần cẩn trọng với các bệnh do virus gây ra như rubella, thủy đậu, sởi, hoặc sốt xuất huyết,... , mẹ bầu nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.
3. Làm thế nào để khắc phục ngứa toàn thân khi mang thai?
3.1. Giữ cho da luôn ẩm
Da khô là một trong những nguyên nhân chính gây ngứa da. Vì vậy, mẹ bầu cần giữ cho da luôn ẩm bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu hoặc hóa chất gây kích ứng để đảm bảo an toàn, đồng thời giúp da giảm ngứa. Mẹ bầu nên thoa kem mỗi ngày sau khi tắm để giúp giữ độ ẩm cho da tốt hơn.
Giữ cho da luôn ẩm là cách khắc phục ngứa toàn thân khi mang thai hiệu quả
3.2. Tắm bằng nước ấm và sử dụng sữa tắm dịu nhẹ
Mẹ bầu nên tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng để tránh làm khô da. Đồng thời, sử dụng các sản phẩm sữa tắm nhẹ nhàng, có chiết xuất từ thiên nhiên, không chứa các chất tẩy mạnh để giúp giảm tình trạng ngứa.
3.3. Mặc quần áo thoải mái
Việc lựa chọn trang phục cũng rất quan trọng. Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, làm từ chất liệu cotton mềm mại để tránh kích ứng da. Hạn chế mặc các loại vải tổng hợp hoặc quần áo quá chật vì có thể làm tăng cảm giác ngứa.
3.4. Hạn chế gãi
Khi bị ngứa, mẹ bầu thường có xu hướng muốn gãi để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, việc gãi có thể làm tổn thương da, gây nhiễm trùng, mà còn có thể làm cơn ngứa trở nên dữ dội hơn. Thay vì gãi, mẹ có thể vỗ nhẹ lên vùng da ngứa hoặc dùng khăn mát đắp lên da để giảm ngứa mà không làm tổn thương da.
3.5. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe làn da, từ đó giảm nguy cơ bị ngứa toàn thân khi mang thai. Các loại thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung để giữ làn da khỏe mạnh là thực phẩm giàu vitamin A, C, E . Tránh ăn các thực phẩm có thể gây dị ứng như hải sản, trứng hay đồ ăn quá nhiều gia vị, đồ ăn cay nóng.
3.6. Hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng
Việc tránh các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, khói thuốc, và các chất hóa học có thể giúp mẹ bầu giảm bớt nguy cơ bị kích ứng da, đồng thời ngăn ngừa ngứa nặng thêm.
3.7. Thăm khám bác sĩ khi cần thiết
Nếu tình trạng ngứa kéo dài và không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp tại nhà, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Đặc biệt, khi có nghi ngờ bị ứ mật trong thai kỳ, hay các bệnh lý da như vảy nến, chàm,…. mẹ cần được thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Tóm lại, mẹ bầu bị ngứa toàn thân khi mang thai là triệu chứng phổ biến Trong hầu hết các trường hợp, ngứa không gây nguy hiểm và có thể được kiểm soát bằng các biện pháp đơn giản. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa dữ dội, kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần được hỗ trợ, mẹ bầu có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56. MEDLATEC luôn sẵn sàng đồng hành và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!