Các tin tức tại MEDlatec
Mẹ bầu bị táo bón: Nguyên nhân, tính nguy hiểm và cách phòng ngừa
- 12/08/2024 | Các nhóm thuốc trị táo bón và tác dụng phụ cần lưu ý
- 03/09/2024 | Điểm danh 5 cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất qua sinh hoạt hàng ngày
- 27/09/2024 | Gợi ý 7 bài bấm huyệt chữa táo bón và lưu ý khi áp dụng
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ bầu bị táo bón
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị táo bón trong thai kỳ, phổ biến nhất là:
1.1. Sự thay đổi hormone
Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sản xuất ra lượng hormone progesterone cao. Hormone này giúp thai nhi phát triển nhưng đồng thời cũng làm giảm hoạt động của cơ trơn đại tràng, do đó thức ăn di chuyển trong đường ruột chậm, dẫn đến táo bón.
1.2. Sự phát triển của tử cung
Khi thai nhi lớn lên, tử cung của mẹ bầu sẽ dần mở rộng để có đủ không gian cho em bé. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tử cung sẽ chèn ép lên các cơ quan lân cận, đặc biệt là ruột già, gây cản trở sự di chuyển của phân và gây ra tình trạng táo bón.
Sự lớn lên của tử cung là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón
1.3. Thiếu chất xơ và nước trong chế độ ăn
Chế độ ăn uống không cung cấp đủ chất xơ hoặc uống không đủ nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến táo bón ở bà bầu. Chất xơ có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, trong khi đó nước giúp làm mềm phân và tạo điều kiện cho quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi. Khi mẹ bầu không nạp đủ lượng nước và chất xơ cần thiết, tình trạng táo bón sẽ trở nên nghiêm trọng.
1.4. Bổ sung sắt và canxi
Nhiều mẹ bầu cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như sắt và canxi trong suốt thai kỳ để duy trì sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc bổ sung này thường làm cho phân cứng và khó bài tiết hơn, dễ gây táo bón.
1.5. Ít vận động
Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu có xu hướng ít vận động hơn do mệt mỏi hoặc lo ngại về việc ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, ít vận động là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể không kích thích đủ để hệ tiêu hóa hoạt động, làm chậm quá trình bài tiết và dẫn đến táo bón.
2. Táo bón khi mang thai có nguy hiểm tới thai nhi không?
Táo bón khi mang thai không trực tiếp đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé.
Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa như trĩ, nứt kẽ hậu môn, hoặc sa trực tràng. Các vấn đề này thường đi kèm với các triệu chứng đau bụng, đại tiện ra máu, cảm giác đau rát vùng hậu môn khiến mẹ bầu khó chịu, đồng thời gây ra căng thẳng và áp lực tâm lý.
Nghiêm trọng hơn, khi mẹ bầu dùng lực rặn quá mạnh để đi vệ sinh, có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, phân bị ứ đọng quá lâu trong ruột cũng có thể dẫn đến việc các chất độc như phenol, amoniac, và indol bị hấp thụ ngược vào cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mẹ bầu táo bón có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non
Táo bón cũng khiến mẹ bầu thường xuyên buồn nôn, chán ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cho thai nhi và làm giảm sức đề kháng của bé. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý phòng ngừa và táo bón để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và con.
3. Cách chữa trị và phòng ngừa táo bón khi mang bầu
Để giảm tình trạng táo bón và phòng ngừa hiệu quả trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hằng ngày. Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng táo bón cho mẹ bầu:
3.1. Tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ
Chất xơ là một yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Mẹ bầu nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn hàng ngày để tốt cho hệ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón.
3.2. Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng trong việc làm mềm phân và giúp quá trình bài tiết diễn ra suôn sẻ hơn. Mẹ bầu cần uống đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để cơ thể không bị thiếu nước.
3.3. Tăng cường vận động nhẹ nhàng
Vận động giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm nguy cơ táo bón. Mẹ bầu nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga bầu, hoặc bơi lội. Việc vận động sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể cho mẹ và bé.
Việc vận động sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể cho mẹ và bé
3.4. Sử dụng thuốc bổ sung sắt hợp lý
Nếu mẹ bầu cần bổ sung sắt, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc sắt có ít tác dụng phụ gây táo bón. Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt từ tự nhiên như thịt đỏ, cá, đậu và rau xanh để đảm bảo cơ thể không thiếu sắt mà không cần dùng quá nhiều thuốc.
3.5. Điều chỉnh thói quen đi vệ sinh
Mẹ bầu nên tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ, tránh nhịn hoặc rặn quá mạnh. Khi cảm thấy muốn đi vệ sinh, nên tìm chỗ thoải mái và không vội vàng để tránh tạo áp lực lên vùng hậu môn.
3.6. Thăm khám bác sĩ
Nếu tình trạng táo bón kéo dài và không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp trên, mẹ bầu nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể cần sử dụng thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ để giảm tình trạng táo bón mà không ảnh hưởng đến thai nhi.
Để biết thêm thông tin chi tiết về cách chăm sóc sức khỏe khi mang thai, đặc biệt là khi táo bón, mẹ bầu có thể đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm của MEDLATEC sẽ sẵn sàng hỗ trợ mẹ bầu!
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!