Các tin tức tại MEDlatec
Nên tiêm vắc xin sởi đơn hay vắc xin 3 trong 1
- 03/10/2019 | Vắc xin sởi tiêm mấy mũi là đủ - Có thể bạn chưa biết
- 18/10/2019 | Nhiều phụ huynh lo lắng tiêm vắc xin Sởi Rubella có sốt không?
- 16/10/2019 | Lịch tiêm phòng vắc xin sởi quai bị rubella được khuyến cáo
1. Nên tiêm vắc xin sởi đơn hay vắc xin kết hợp?
Bệnh sởi gây ra bởi virus lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và người chưa được tiêm phòng hoặc đã chưa tiêm phòng đầy đủ. Sởi gây ra triệu chứng đặc trưng là sốt, viêm kết mạc, phát ban và viêm long đường hô hấp.
Nếu không điều trị tốt, sởi có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm phổi, viêm loét giác mạc dẫn tới mù lòa, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét hoại tử hàm mặt,… thậm chí là tử vong. Bệnh rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi sức đề kháng của trẻ yếu¸ dễ dẫn tới biến chứng.
Phụ nữ mang thai nếu mắc sởi trong thai kỳ có thể dẫn tới đẻ non, dị tật thai nhi, sảy thai, thai nhi mắc sởi tiên phát,…
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi, do đó tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả, chủ động nhất. Vắc xin phòng sởi hiện nay có 2 loại là vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi kết hợp. Loại vắc xin này chỉ giúp người tiêm tạo kháng thể phòng sởi, còn vắc xin kết hợp có thể gồm cả phòng sởi, quai bị, rubella (vắc xin MMR và MMRV).
Vắc xin phòng sởi cho trẻ cần tiêm nhắc lại
Hiệu quả phòng sởi giống nhau ở tất cả các loại chế phẩm vắc xin, có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn. Nếu tiêm đủ liều và đúng thời điểm khuyến cáo, vắc xin có thể giúp phòng sởi lên tới 99,7%. Cả 2 loại vắc xin trên đều là loại vắc xin sống, giảm độc lực, ở dạng bột đông khô được pha hồi chỉnh trước khi tiêm.
Mỗi loại vắc xin được khuyến cáo và tiêm phòng với các đối tượng phù hợp, trong trường hợp khác nhau như sau:
Đối tượng | Vắc xin sởi đơn | Vắc xin sởi - quai bị - Rubella (MMR) |
Trẻ em | Vắc xin đơn giá trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. | Vắc xin tam giá phòng 3 bệnh: sởi - quai bị - Rubella và là vắc xin tiêm dịch vụ. |
Trẻ em | Tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi (Với vắc xin sởi - rubella) | Tiêm phòng cho trẻ từ 12 tháng tuổi theo lịch của nhà sản xuất. |
Người lớn | Thường tiêm trong chiến dịch phòng sởi cho các đối tượng, nhất là vào dịch sởi. | Phù hợp với mọi đối tượng, trừ phụ nữ mang thai và người mẫn cảm với thành phần vắc xin. |
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nên tiêm chủng vắc xin sởi đơn lúc trẻ 9 tháng tuổi ở vùng bệnh lưu hành. Còn với vùng bệnh ít xảy ra thì nên tiêm vắc xin kết hợp khi trẻ 12 tháng tuổi. Tại Việt Nam, vắc xin sởi đơn MVVAC có thể tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi, đạt khả năng miễn nhiễm bệnh 85% khi trẻ 9 tháng tuổi và 95% khi trẻ 12 tháng tuổi.
Tiêm sởi nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia
Như vậy, cha mẹ có thể lựa chọn tiêm vắc xin sởi đơn hoặc sởi kết hợp phù hợp với thời điểm cũng như vùng bệnh lưu hành hay ít lưu hành.
2. Tiêm vắc xin sởi đơn khi nào?
Đây là vắc xin nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên tiêm theo lịch tiêm do Bộ y tế phê duyệt.
- Với tiêm chủng thường xuyên: Mũi tiêm đầu khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại các loại vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi - rubella (MR) khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Với tiêm chủng chiến dịch: Tiêm cho tất cả đối tượng thuộc phạm vi của chiến dịch, cần đảm bảo thời gian cách tối thiểu 1 tháng giữa 2 mũi tiêm.
Nếu lỡ thời gian trong Chương trình, phụ huynh có thể lựa chọn tiêm cho trẻ vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (MMR) thay cho vắc xin sởi đơn MR tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Đây là vắc xin 3 trong 1, hiệu quả cao phòng đồng thời 3 bệnh truyền nhiễm thường gặp.
Tuy nhiên, dù tiêm vắc xin 3 trong 1 MMR thì phụ huynh cũng cần lưu ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc xin nhắc lại và vắc xin phòng khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hầu hết các trường hợp sau khi tiêm vắc xin sởi mũi 1 đều chưa đáp ứng miễn dịch tốt nên cần tiêm mũi thứ 2 nhắc lại.
3. Tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin sởi đơn
Vắc xin phòng sởi đơn và kết hợp được đánh giá khá an toàn, ít tác dụng phụ với trẻ. Sau khi tiêm, một số tác dụng phụ thường gặp là: sưng, đỏ, nóng, đau tại vị trí tiêm, sốt, phát ban,… Sốt sau khi tiêm phòng sởi thường gặp ở 5 - 15% trẻ tiêm, phát ban gặp ở khoảng 2% trẻ tiêm, thường các trường hợp này sẽ hết triệu chứng sau khi tiêm 1 - 2 ngày mà không cần sử dụng thuốc điều trị.
Trẻ có thể bị sốt sau khi tiêm vắc xin
Rất ít trường hợp trẻ sau khi tiêm vắc xin sởi bị dị ứng, sốc phản vệ. Nguyên nhân là cơ thể phản ứng quá mức với kháng nguyên của virus đã được giảm độc lực của vắc xin. Để hạn chế tác dụng phụ này, phụ huynh lưu ý sau khi tiêm vắc xin cho trẻ thì nên ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi.
Sau đó tiếp tục theo dõi tại nhà từ 24 - 48 giờ. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như: sốt cao, không đáp ứng với thuốc, cơ thể tím tái, co giật,… thì cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế.
Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, sau khi tiêm vắc xin phòng sởi có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, trẻ quấy khóc, khó ngủ, dễ ói sau bú,… Nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt có tham khảo ý kiến của bác sỹ. Để giảm phản ứng khó chịu sau tiêm cho trẻ, phụ huynh nên:
- Cho trẻ mặc thoáng mát, tránh làm tăng thân nhiệt.
- Uống nhiều nước hoặc cho trẻ bú nhiều hơn.
- Dùng Paracetamol,… để hạ sốt nếu sốt trên 38,5 độ C.
Cần theo dõi trẻ có bị sốc phản vệ sau tiêm không
Trên đây là một số thông tin về tiêm phòng vắc xin sởi đơn với trẻ, cha mẹ nên đảm bảo đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!