Các tin tức tại MEDlatec
Nguyên nhân và phương pháp điều trị viêm loét đại tràng hiệu quả
1. Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng
Muốn điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa tái phát bệnh viêm loét đại tràng, chúng ta cần hiểu rõ bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm mãn tính với tổn thương ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, viêm kéo dài kết hợp với loét dễ gây xuất huyết đại tràng. Vị trí tổn thương thường gặp là niêm mạc đại tràng, trực tràng.
Đại tràng là cơ quan nằm gần cuối của hệ tiêu hóa
Hiện nay, nguyên nhân gây viêm loét đại tràng vẫn chưa được làm rõ, song các nhà khoa học đã chứng minh được mối quan hệ giữa bệnh và quá trình đáp ứng miễn dịch. Tổn thương ban đầu thường chỉ xuất hiện ở trực tràng, sau đó mới lan dần vào đại tràng và dần đến toàn bộ đại tràng.
Những tổn thương loét đại tràng có thể chảy máu, tạo ra dịch nhầy và mủ. Đây là lí do vì sao bệnh nhân thường bị tiêu chảy kèm dịch nhầy theo đường tiêu hóa xuống ruột già và ra ngoài thường xuyên với số lượng lớn. Ai cũng có thể mắc viêm loét đại tràng, song đối tượng nguy cơ cao hơn là hai nhóm tuổi 15 - 30 và nhóm 60 - 70 tuổi.
2. Điều trị viêm loét đại tràng với từng đối tượng là khác nhau
Viêm loét đại tràng với tổn thương dai dẳng, có thể đi kèm với chảy máu cần được điều trị tích cực và kéo dài. Nếu không, bệnh dễ tái phát và gây biến chứng nặng. Việc điều trị hiện nay thực hiện theo một số nguyên tắc sau:
Điều trị nội khoa áp dụng với hầu hết bệnh nhân viêm loét đại tràng
2.1. Với trường hợp chưa từng điều trị viêm loét đại tràng
Khả năng đáp ứng với thuốc ở đối tượng này sẽ khá tốt, ban đầu bác sĩ thường lựa chọn sử dụng 1 loại thuốc điều trị và đánh giá đáp ứng sau 10 - 15 ngày. Nếu triệu chứng bệnh giảm, nghĩa là đáp ứng thuốc tốt thì loại thuốc này sẽ tiếp tục được dùng để điều trị.
Sau điều trị vẫn cần theo dõi phòng ngừa viêm loét đại tràng tái phát.
2.2. Với trường hợp đã hoặc đang điều trị
Nếu đã hoặc đang điều trị viêm loét đại tràng nhưng bệnh dai dẳng, tái phát không khỏi thì khả năng nhờn thuốc cao hơn. Việc điều trị lúc này cũng cần sử dụng thuốc có tác dụng mạnh hơn, liều cao hơn. Bệnh nhân được điều trị lại thường bằng 2 thuốc đang điều trị kết hợp với 1 loại thuốc khác để cải thiện hiệu quả.
2.3. Với trường hợp tổn thương nhẹ
Viêm loét nhẹ mới xuất hiện ở trực tràng và đại tràng Sigma thì việc điều trị không quá khó khăn, bệnh nhân thường được chỉ định dùng viên đặt hậu môn và thuốc thụt.
2.4. Trường hợp đã ngưng điều trị từ lâu
Đối tượng này cũng được điều trị với 1 loại thuốc mới và theo dõi giống như trường hợp khởi phát viêm loét đại tràng lần đầu. Tuy nhiên cần chọn loại thuốc chưa từng điều trị trước đó.
Viêm loét đại tràng rất dễ tái phát
Điều trị viêm loét đại tràng nói chung và viêm loét đường tiêu hóa nói riêng phải kết hợp giữa điều trị duy trì và điều trị tấn công. Bệnh có đặc điểm dễ tái phát, kéo dài dai dẳng do phải hoạt động liên tục, chịu nhiều tác động từ quá trình tiêu hóa. Vì thế phải kiên trì trong điều trị, tránh bỏ dở liệu trình khiến bệnh tiến triển nặng hơn, khó khăn hơn trong lựa chọn thuốc sau này.
3. Phương pháp điều trị viêm loét đại tràng phổ biến hiện nay
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân viêm loét đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định độc lập hoặc kết hợp tùy theo tình trạng, diễn biến bệnh. Cụ thể gồm các phương pháp sau:
3.1. Điều trị nội khoa
Loại thuốc chính được dùng là thuốc kháng viêm gồm các dạng như: Mesalamine, Olsalazine, Sulfasalazine, Steroids. Trong đó, Mesalamine được chỉ định phổ biến với bệnh nhân viêm loét đại tràng, giúp thuyên giảm triệu chứng bệnh, không cho triệu chứng bùng lên. Điều này rất quan trọng vì triệu chứng viêm loét đại tràng bùng lên có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện.
Nếu cần thiết, triệu chứng nghiêm trọng, viêm loét đại tràng gây biến chứng thì bệnh nhân bắt buộc phải cho ruột nghỉ ngơi bằng cách không ăn uống, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch.
Đa phần bệnh nhân được khởi đầu điều trị bằng nội khoa
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ cần điều trị nội khoa tùy theo diễn biến bệnh. Nếu đại trực tràng viêm loét có dấu hiệu xuất huyết nặng, cần truyền máu để tránh thiếu máu, tụt huyết áp, sốc.
3.2. Điều trị bằng chăm sóc và nghỉ ngơi
Với bệnh viêm loét đại tràng, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi rất quan trọng, nó góp phần phục hồi bệnh và giảm tiến triển bệnh cũng như biến chứng xảy ra. Nguyên tắc ăn uống trong giai đoạn điều trị bệnh và sau điều trị là chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Cùng với đó nên kiêng rau sống, thức uống có cồn, thức ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,…
Tùy theo mức độ bệnh mà cần tuân thủ ăn uống như sau:
-
Viêm loét đại tràng mức độ vừa và nhẹ: Ưu tiên thức ăn mềm, hạn chế chất xơ.
-
Viêm loét đại tràng mức độ nặng: Cần nhịn ăn hoàn toàn, đưa dinh dưỡng bằng đạm toàn phần, dung dịch đường, acid béo qua đường tĩnh mặt, kết hợp bổ sung nước điện giải, sắt và acid folic.
-
Viêm loét đại tràng đau bụng: Cần dùng thuốc giảm co thắt kết hợp.
-
Viêm loét đại tràng phân lỏng: Cần dùng thuốc bọc niêm mạc.
3.3. Điều trị ngoại khoa
Cần can thiệp để cắt một đoạn hoặc hoàn toàn đại tràng trong các trường hợp viêm loét nặng, biến chứng nguy hiểm như:
Phải cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn đại tràng nếu biến chứng nặng
-
Thủng đại tràng.
-
Có dấu hiệu ung thư hóa, dị sản mức độ nặng.
-
Phình giãn đại tràng nhiễm độc.
-
Điều trị nội khoa không hiệu quả, có dấu hiệu chảy máu đại tràng ồ ạt.
Sau điều trị viêm loét đại tràng, bệnh nhân vẫn cần theo dõi thường xuyên để phòng ngừa tái phát. VIệc theo dõi thường thực hiện 6 tháng một lần, với phương pháp nội soi và sinh thiết đại tràng kết hợp để phát hiện sớm ung thư tiến triển. Chế độ ăn uống nói chung cần tuân thủ đúng hướng dẫn, đồng thời nghỉ ngơi, ngủ hợp lý bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!