Các tin tức tại MEDlatec
Những thông tin nên biết về bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
- 16/06/2021 | Cần làm gì khi bị vôi hóa tuyến vú và nguyên nhân dẫn đến bệnh
- 09/06/2022 | Chụp x quang tuyến vú và những điều cần biết
- 26/05/2021 | Tổng quan thông tin y khoa cần biết về u xơ tuyến vú
1. Thay đổi sợi bọc tuyến vú là bệnh gì, triệu chứng như thế nào?
1.1. Thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?
Thay đổi sợi bọc tuyến vú còn được biết đến với cái tên khác là xơ nang tuyến vú, được xem là loại u lành tính đặc trưng bởi sự thay đổi cấu trúc mô tuyến vú. Mặc dù chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây ra bệnh nhưng rối loạn nội tiết được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu.
Mô phỏng về sự thay đổi về cấu trúc mô tuyến vú trong bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú gồm 3 loại:
- U nang: là một hoặc nhiều khối u hình tròn hoặc hình bầu dục có kích thước từ vài mm đến vài cm, chứa dịch bên trong thuần nhất hoặc có kèm theo canxi hóa, vỏ nang mỏng (có thể dày nhưng hiếm).
- U sợi: là khối đặc hoặc mảng có kích thước khoảng vài cm, gây ra cảm giác đau nhẹ trước khi bắt đầu kỳ kinh, có giới hạn không rõ ràng, thường kèm theo tổn thương hóa sợi kết hợp tổn thương dạng nang.
- U tăng sản biểu mô: là dạng khối đặc không có dịch hoặc dạng mảng, kích thước 1 - 4 cm, thường gây nên nhiều mảng ở vú với giới hạn không rõ ràng, khi ấn vào cảm thấy đau. Dạng mảng này thường đau và to hơn vào gần ngày kinh nhưng đến ngày kinh nguyệt thì nhỏ lại và giảm đau.
1.2. Triệu chứng bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú như thế nào?
Người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Bị đau ở vú: cảm giác đau ở vú thay đổi theo chu kỳ, thường đau ở 1/4 phía ngoài - trên hoặc một nửa phần dưới vú, đau ở một hoặc hai bên vú, đau có thể lan ra cánh tay ở cùng bên. Thời gian và mức độ đau khác nhau ở từng bệnh nhân: có người đau trước khi kỳ kinh đến một tuần đến khi có kinh lại đau ít hơn, có người bị đau với tần suất liên tục và đau dữ dội vào gần ngày kinh nhưng đến khi có kinh lại đau ít hơn kèm theo cảm giác đau tức vú.
Cảm giác đau tức ở vú là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
- Có tổn thương dạng mảng hoặc cục ở vú: tự sờ vào vú có thể thấy các mảng hoặc u cục nhưng thường ít người biết mà chỉ khi siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh vú mới phát hiện được. Tuy nhiên, với dạng tổn thương này thì khi sờ ấn vào vú sẽ có cảm giác đau. Nếu chú ý quan sát sẽ thấy tổn thương có sự thay đổi theo chu kỳ kinh: gần những ngày có kinh các mảng (u) sẽ đau và to hơn nhưng đến khi có kinh chúng sẽ nhỏ lại và ít đau hơn.
- Đầu núm vú chảy dịch: thường gặp ở những người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú dạng tăng sản. Đặc điểm của dịch là tự chảy ra và dính vào áo, có khi dịch chảy rất ít phải bóp nặn vào tổn thương mới chảy ra, dịch hơi nhầy và có màu vàng trong hoặc màu trắng như sữa loãng, màu nâu xanh, ít khi có màu đỏ.
2. Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú nguy hiểm như thế nào, xử trí ra sao?
2.1. Mức độ nguy hiểm của bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
Về cơ bản, thay đổi sợi bọc tuyến vú là bệnh lành tính nhưng theo thời gian, khối u có thể sẽ tăng lên về kích thước và triệu chứng khó chịu hơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Đặc biệt, khối u to sẽ làm cho vú bị biến dạng.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp bị thay đổi sợi bọc tuyến vú biến chứng ung thư vú. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan với căn bệnh này mà nên thăm khám định kỳ để chủ động phòng ngừa, phát hiện bệnh từ sớm.
2.2. Phương hướng xử trí bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
Tự khám vú hàng tháng để phát hiện sớm bất thường là điều nên làm. Khi điều này xảy ra, hãy đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để xác định tình trạng của mình. Để chẩn đoán bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như: siêu âm vú, chụp nhũ ảnh vú, chọc hút tế bào tuyến vú bằng một loại kim nhỏ, sinh thiết kim lõi,...
Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường ở vùng vú sẽ giúp phát hiện sớm bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú
Với những người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú dạng nhẹ và các triệu chứng không ảnh hưởng đến cuộc sống thì việc điều trị hầu như là không cần thiết. Nếu các mảng, nang hoặc u lớn, sưng nhiều và khó chịu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp như:
- Sử dụng thuốc giảm đau.
- Dùng kim nhỏ để chọc hút.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u (hiếm khi).
Ngoài ra, một số biện pháp sau đây cũng góp phần làm giảm bớt các triệu chứng thay đổi sợi bọc tuyến vú nhờ:
- Hỏi ý kiến bác sĩ để chọn được loại áo ngực phù hợp.
- Khi ngủ và tập thể thao nên mặc áo ngực thể thao.
- Giảm thiểu hoặc tránh dùng chất kích thích.
- Giảm tiêu thụ chất béo trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
- Giảm hoặc dừng sử dụng liệu pháp hormone với những người đang trong thời kỳ mãn kinh nhưng cần trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch cụ thể.
- Chườm ấm để vùng vú bớt cảm thấy khó chịu.
Muốn tầm soát bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú, quý khách hàng có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể. Bệnh viện là nơi làm việc của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, sở hữu Trung tâm Xét nghiệm và Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh với đầy đủ hệ thống thiết bị Y khoa tiên tiến bậc nhất nước ta.
Với những thế mạnh nêu trên, khách hàng lựa chọn khám, tầm soát các bệnh lý tuyến vú tại bệnh viện có thể hoàn toàn yên tâm về sự nhanh chóng, chính xác trong từng khâu khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Ngoài ra, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú, quý khách hàng cũng có thể liên hệ trực tiếp hotline tư vấn 24/7 nêu trên, Tổng đài viên của bệnh viện luôn sẵn lòng chia sẻ những thông tin cần thiết nhất về vấn đề mà quý khách quan tâm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!