Các tin tức tại MEDlatec
Nhược thị là gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị
- 14/06/2023 | Nghiệm pháp Van - Herick trong khám và điều trị bệnh về mắt
- 01/04/2024 | Hướng dẫn cách dùng thuốc Oflovid trong điều trị các bệnh về mắt
- 01/04/2024 | Cách dùng thuốc Tobradex trong điều trị các bệnh về mắt
1. Nhược thị là gì?
Nhược là suy nhược, thị là thị lực, vậy nhược thị là gì thì hiểu đơn giản là tình trạng thị lực bị suy giảm, thường xảy ra ở một bên mắt và hiếm khi xảy ra ở hai bên mắt. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 7 tuổi là đối tượng dễ bị nhược thị mà nguyên nhân chính là do sự phát triển bất thường của thị giác trong những năm tháng đầu đời. Nhược thị nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Nhược thị là gì? Đây là tình trạng thị lực bị suy giảm thường gặp ở trẻ nhỏ
2. Nguyên nhân gây nhược thị
Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây ra nhược thị chính là sự phát triển bất thường của thị giác. Sự bất thường này xảy ra do:
Bệnh lác mắt
Lác mắt hay mắt lé là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng, chẳng hạn như một mắt nhìn thẳng về trước, còn mắt còn lại nhìn ngược vào trong, lên trên hoặc xuống dưới. Lúc này, hai mắt không tập trung vào một tiêu điểm mà sẽ nhìn về hai vật thể khác nhau. Để tránh hiện tượng nhìn đôi, não buộc phải loại bỏ tín hiệu từ một trong hai mắt và chỉ tập trung vào tín hiệu của một mắt. Lâu dần, một bên mắt sẽ trở nên yếu hơn, nhìn mờ, nhìn kém.
Tật khúc xạ
Ngoài bệnh lác mắt, các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị hay loạn thị cũng gây ra nhược thị. Cụ thể, khi mắc tật khúc xạ về mắt thì não sẽ có xu hướng bỏ qua tín hiệu của mắt bị nặng hơn, ưu tiên nhận tín hiệu từ mắt bị nhẹ hơn. Và hệ quả là bên mắt bị tật khúc xạ nặng sẽ bị nhược thị.
Trẻ mắc tật khúc xạ về mắt có thể bị nhược thị
Các bất thường khác ở mắt
Bên cạnh nguyên nhân do lác mắt và tật khúc xạ thì một số bất thường ở mắt cũng gây nhược thị. Những bất thường này bao gồm đục thủy tinh thể (bẩm sinh), sụp mí mắt, sẹo giác mạc,… gây cản trở đường đi của ánh sáng đến võng mạc. Vì vậy mà bên mắt bất thường sẽ có tầm nhìn kém hơn bên mắt còn lại.
3. Chẩn đoán và điều trị nhược thị
Phần trên giúp bạn biết được nhược thị là gì và do nguyên nhân nào gây ra. Ở phần này, chúng ta cùng tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị nhược thị.
Chẩn đoán
Trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra mắt toàn diện. Đặc biệt, nếu có mắt bị lé hoặc nghi ngờ mắt bị tật khúc xạ, có bất thường thì bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm quan trọng sau.
- Trẻ sơ sinh: Dùng đèn soi mắt (thiết bị phóng đại nguồn sáng) để phản xạ ánh sáng đỏ, qua đó, chẩn đoán trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.
- Trẻ nhũ nhi từ 2 - 12 tháng tuổi: Cho trẻ nhìn cố định vào một vật, sau đó từ từ di chuyển vật để kiểm tra mắt trẻ có thay đổi ánh nhìn theo vật hay không và thay đổi như thế nào.
- Trẻ tập đi: Kiểm tra mắt bằng phản xạ ánh sáng đỏ và đo mắt bằng thiết bị chuyên dụng.
- Trẻ mẫu giáo và trẻ lớn: Kiểm tra từng bên mắt bằng hệ thống chữ cái và hình ảnh. Khi mắt kia được kiểm tra thì mắt còn lại sẽ được che, dán lại.
Bác sĩ sẽ thực hiện nhiều phương pháp kiểm tra để chẩn đoán nhược thị
Điều trị
Nhược thị cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, nếu bị nhược thị và điều trị trước năm 7 tuổi thì mang lại kết quả tốt do đây là giai đoạn hệ thống thị giác phát triển nhanh. Sau 7 tuổi đến 17 tuổi thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn, chỉ ở mức đáp ứng điều trị.
Điều trị nhược thị như thế nào tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và mức độ nhược thị, bao gồm các phương pháp sau.
Đeo kính
Nếu bị nhược thị do các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị hay loạn thị thì bác sĩ sẽ cho đeo kính hiệu chỉnh, có thể là kính gọng hoặc kính áp tròng. Kính giúp hình ảnh được rơi vào đúng vị trí võng mạc, nhờ đó, cải thiện được thị lực.
Dùng miếng dán
Miếng dán được đặt lên mắt khỏe nhằm mục đích che tầm nhìn, tạo điều kiện cho mắt bị nhược thị hoạt động. Hay nói cách khác, trong thời gian dùng miếng dán, não sẽ chỉ nhận và phân tích được tín hiệu từ mắt bị nhược thị, và mắt bị nhược thị buộc phải tăng cường hoạt động. Điều này giúp cải thiện thị lực cho mắt hiệu quả.
Thời gian dùng miếng dán có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Thông thường, bác sĩ khuyến cáo nên dùng 6 giờ/ ngày để mang lại hiệu quả. Khi thị lực được cải thiện hoặc không có dấu hiệu của sự cải thiện thêm nữa thì bác sĩ sẽ điều chỉnh thời gian dùng miếng dán cho phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng, rút ngắn hay kéo dài thời gian khi không có chỉ định của bác sĩ.
Nhỏ thuốc
Giống như miếng dán, thuốc nhỏ mắt (atropine) sẽ được nhỏ vào bên mắt khỏe để tạm thời làm mờ mắt, qua đó, kích thích mắt yếu hoạt động. Mỗi ngày người bệnh sẽ nhỏ một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Có nhiều phương pháp điều trị nhược thị, chẳng hạn như nhỏ thuốc
Phẫu thuật
Trường hợp nhược thị do đục thủy tinh thể, sụp mí mắt, sẹo giác mạc,… thì người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Sau đó có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Tóm lại, đối với trẻ em thì thời gian điều trị nhược thị là từ 6 tháng đến 2 năm, tỷ lệ thành công cao nếu chọn được phương pháp điều trị phù hợp. Với người lớn, các chuyên gia vẫn xác định được tỷ lệ và mức độ cải thiện của thị lực sau điều trị.
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp nhược thị là gì và chẩn đoán, điều trị như thế nào. Để được giải đáp chuyên sâu và đặt lịch khám trước tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi ngay đến hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!