Các tin tức tại MEDlatec
Nỗi ám ảnh khi bị bệnh rối loạn tiền đình
- 24/05/2014 | Rối loạn tiền đình và cách điều trị đúng
- 30/05/2013 | Mất ăn mất ngủ vì rối loạn tiền đình
1. Rối loạn Tiền đình là gì?
Tiền đình là một bộ phận nằm sau hai bên ốc tai, có nhiệm vụ điều chỉnh tư thế duy trì trạng thái thăng bằng và các phối hợp cử động mắt, đầu, tay, tay chân, thân mình. Dây thần kinh số 8 thực hiện hoạt động dẫn truyền thông tin, điều khiển hệ thống tiền đình. Khi chúng ta di chuyển hoặc xoay người thì bộ phận này sẽ nghiêng theo các động tác đó giúp cơ thể giữ được thăng bằng.
Bệnh Rối loạn tiền đình là tình trạng dây thần kinh số 8 bị tổn thương, khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch, làm cho cơ thể mất khả năng duy trì sự cân bằng khi thay đổi tư thế. Lúc này, người bệnh luôn cảm thấy chóng mặt, đau đầu, đi đứng không vững và dễ bị ngã.
Rối loạn tiền đình khiến bạn luôn cảm thấy đau đầu chóng mặt
2. Nguyên nhân và phân loại bệnh
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh thường do virus gây viêm dây thần kinh số 8, các tổ chức tiền đình bị thoái hóa. Ngoài ra, bệnh còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:
-
Thiếu máu, bị các bệnh tim mạch khiến lượng máu lên não kém hoặc do mạch máu não bị tắc nghẽn, khiến cho hệ thống tiền đình nhận sai thông tin từ não bộ truyền đến.
-
Viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus, hoặc các hệ lụy như: viêm dây thần kinh, u não,…
-
Chấn thương vùng đầu.
-
Ngồi nhiều, ít vận động làm co thắt động mạch cột sống gây thiếu máu nuôi vùng não và dẫn đến bệnh.
-
Uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn nhiễm độc, căng thẳng, mệt mỏi do áp lực công việc lớn.
-
Bệnh có thể do các yếu tố di truyền hoặc môi trường sống quá nhiều tiếng ồn, thời tiết thay đổi đột ngột.
Phân loại bệnh
Bệnh chủ yếu gồm hai dạng bệnh chính:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên: Bệnh do sự tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình hoặc mạch máu ở vùng sau cổ bị tắc gây ra. Dạng bệnh này khá nhẹ, chỉ làm cho người bệnh khó chịu, thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng vẫn còn tỉnh táo để di chuyển.
- Rối loạn tiền đình trung ương: Bệnh do sự tổn thương nhân tiền đình hoặc dây liên hệ các nhân dây tiền đình ở thân não và tiểu não. Dạng này có mức độ nặng hơn dạng kia, khiến người bệnh xây xẩm mặt mày, choáng váng khi thay đổi tư thế, đi lại khó khăn.
3. Đối tượng thường mắc bệnh
Theo một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 35% người lớn trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh này. Trong đó, bệnh phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới và có thể bị nhầm lẫn với bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tiền đình:
-
Người càng lớn tuổi thì càng có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt ở đối tượng bị tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch.
-
Người có tiền sử bị chóng mặt, trong tương lai sẽ có khả năng bị tái đi tái lại nhiều lần.
-
Những người có môi trường làm việc ít vận động như dân công sở, học sinh, sinh viên,…
-
Những người thường xuyên bị căng thẳng và chịu áp lực.
Người lớn tuổi là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất
4. Triệu chứng và ảnh hưởng do bệnh gây ra
Triệu chứng thường gặp
Tùy theo tình trạng bệnh mà mỗi người sẽ có các biểu hiện khác nhau. Thông thường, những người bị bệnh thường có các triệu chứng điển hình như:
-
Chóng mặt: đây chính là triệu chứng đầu tiên khi bạn bị rối loạn tiền đình. Do dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép hoặc bị tổn thương. Bạn sẽ cảm thấy chao đảo, quay cuồng khiến việc đứng lên ngồi xuống gặp khó khăn. Không chỉ vậy, bạn còn có thể bị buồn nôn, mắt mờ đi. Tình trạng này sẽ hết ngay sau khi bạn nghỉ ngơi.
-
Mất thăng bằng: Do dây thần kinh dẫn truyền thông tin từ não bộ bị tổn thương. Bộ phận tiền đình tiếp nhận thông tin sai lệch khiến người bệnh mất cân bằng khi di chuyển. Khó khăn trong việc đi lại nên người bệnh lúc nào cũng có cảm giác lâng lâng, phải bám vào người khác nếu không sẽ dễ bị ngã.
-
Mất ngủ do lo lắng quá mức cũng là biểu hiện của bệnh.
-
Ngất xỉu do lượng máu lưu thông lên não bị giảm, tụt huyết áp, rối loạn chức
năng tim. Nếu không điều trị bệnh kịp thời, người bệnh sẽ bị mất ý thức.
Ảnh hưởng của bệnh
Cuộc sống sinh hoạt cũng như công việc của người bị rối loạn tiền đình có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Một số ảnh hưởng mà người bệnh phải chịu đó là:
-
Cơ thể mệt mỏi, đi lại khó khăn làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sinh hoạt và lao động hàng ngày.
-
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt khiến bạn không thể tập trung làm việc, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút.
-
Ngất xỉu có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
-
Ù tai, rối loạn thính giác, thậm chí có thể bị điếc.
Nếu có những dấu hiệu bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bạn nên tìm gặp bác sĩ để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Khi có các dấu hiệu bất thường của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng
5. Cách điều trị bệnh
Rối loạn tiền đình có chữa khỏi không chính là câu hỏi mà bác sĩ thường gặp nhất khi bệnh nhân đến thăm khám. Nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bạn có thể hoàn toàn chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý điều trị tại nhà, trước khi sử dụng thuốc bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bạn có thể lựa chọn các cách chữa trị dưới đây sao cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Cách điều trị theo phương pháp dân gian
Một số cách chữa trị dân gian phía dưới chỉ áp dụng đối với những trường hợp bệnh nhẹ:
-
Ấn huyệt là phương pháp dùng tay ấn vào các huyệt thái dương, huyệt hợp cốc, tam âm giao,… Mỗi lần thực hiện từ 5 - 10 phút sẽ giúp giảm ngay triệu chứng chóng mặt.
-
Massage nhẹ nhàng vùng trán, hai bên ổ mắt, đỉnh đầu, sau gáy mỗi ngày 10 - 20 phút là cách giúp cơ thể thư giãn.
-
Ngâm chân bằng nước nóng là cách làm giúp thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng.
Ngâm chân bằng nước nóng giúp lưu thông khí huyết, giảm bớt căng thẳng
Cách điều trị theo y học hiện đại
Bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị dưới đây sao cho phù hợp với tình trạng bệnh của bạn:
-
Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình: Bạn sẽ được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập phối hợp đầu, cơ thể và mắt để rèn luyện bộ não giúp nhận biết, xử lý các tín hiệu từ hệ tiền đình.
-
Thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc phụ thuộc vào sự rối loạn chức năng tiền đình đang ở giai đoạn nào? Mỗi giai đoạn đầu, cấp tính hay mạn tính đều có cách dùng thuốc khác nhau.
-
Phẫu thuật: Sau khi thực hiện các cách chữa trị trên nhưng không đem lại hiệu quả thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp này.
Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như hiệu quả công việc của người bệnh. Do đó, khi phát hiện mình có dấu hiệu mắc bệnh, bạn nên tìm gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống cũng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng tiền đình. Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D và axit folic như: cam, trứng, sữa, đậu tương,… để làm giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!