Các tin tức tại MEDlatec

Nội soi siêu âm đường tiêu hóa để làm gì, những ai nên thực hiện?

Ngày 31/03/2020
Nội soi siêu âm là một kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm. Đây là thành tựu quan trọng của y khoa trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa tiếp cận và hiểu rõ về kỹ thuật này. Để có thêm những kiến thức về nội soi siêu âm đường tiêu hóa, mời bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.

1. Nội soi siêu âm đường tiêu hóa là gì?

Nội soi tiêu hóa là một kỹ thuật sử dụng thiết bị ống soi để quan sát bề mặt bên trong đường tiêu hóa. Kỹ thuật này cho phép phát hiện và đánh giá những tổn thương trên bề mặt ống tiêu hóa chính xác và rõ ràng. Tuy nhiên nội soi lại không thể phát hiện ra những tổn thương hay những bất thường nằm dưới lớp biểu mô phủ. Trong Nội soi siêu âm thì đầu dò siêu âm được áp sát với các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi. Hiểu được đặc điểm của 2 phương pháp này, các nhà khoa học hiện đại đã kết hợp chúng để tạo nên kỹ thuật nội soi siêu âm.

Người ta gắn vào đầu ống soi một thiết bị có khả năng phát và thu nhận sóng âm như đầu dò siêu âm thông thường. Khi ống soi được đưa vào đường tiêu hóa, ngoài tác dụng nội soi thông thường thì đầu dò siêu âm được áp sát tại vị trí cần thăm dò và có thể siêu âm từ lòng ống tiêu hóa ra. Vì vậy, bác sĩ vừa có thể quan sát bề mặt ống tiêu hóa, vừa quan sát được tổ chức bên dưới lớp biểu mô. Vì thế, sự kết hợp giữa nội soi và siêu âm là một phương pháp được đánh giá cao trong thăm dò tiêu hóa trong những năm gần đây.

Nội soi kết hợp siêu âm đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực khám tiêu hóa

2. Khi nào nên thực hiện nội soi siêu âm tiêu hóa?

Nội soi siêu âm đường tiêu hóa được chỉ định khi cần chẩn đoán các bất thường dưới niêm mạc đường tiêu hóa, bao gồm:

  • Xác định được vị trí tổn thương, tổn thương từ bên ngoài hay ở thành ống tiêu hóa.

  • Phát hiện và đánh giá các khối u trong đường tiêu hóa: kích thước, tình trạng khối u.

  • Hỗ trợ trong chẩn đoán varices ở dạ dày và thực quản.

Siêu âm nội soi tiêu hóa còn phát hiện một số bệnh lý của đường dẫn mật và tuyến tụy, các khối u đường tiêu hóa, ung thư tuyến tụy, túi mật, giun hay sỏi đường mật,…

Ngoài ra, phương pháp này còn được chỉ định nhằm mục đích:

  • Phát hiện bệnh lý viêm nhiễm đường ruột, nhu động thực quản.

  • Phát hiện và đánh giá tình trạng viêm loét dạ dày.

  • Phát hiện ung thư đường tiêu hóa.

  • Dẫn lưu nang giả tụy dưới sự hướng dẫn của SANS.

  • Viêm tụy mạn.

  • Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn SANS.

  • Chẩn đoán và phân loại ung thư. Phá hủy đám rối thần kinh tạng để giảm đau. Co thắt thực quản...

Chỉ định nội soi siêu âm để xác định những tổn thương đường tiêu hóa

Chống chỉ định thực hiện siêu âm nội soi trong trường hợp:

  • Các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản

  • Bệnh nhân bị suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp, cơn tăng huyết áp.

  • Chống chỉ định tương đối:

  • Người già yếu, sức khỏe kém, cơ thể suy nhược.

  • Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần khó phối hợp trong thực hiện thủ thuật.

  • Bệnh nhân bị vẹo cột sống, biểu hiện ho nhiều.

3. Nội soi siêu âm tiêu hóa thực hiện như thế nào?

Trước khi bước vào quy trình nội soi siêu âm, cần chuẩn bị:

  • Hệ thống máy siêu âm nội soi dùng trong chẩn đoán tiêu hóa gồm có: Máy siêu âm đầu dò với tần số sóng âm sử dụng là 7,5 MHz, 10 MHz, 12 MHz; Máy theo dõi mạch và huyết áp; Máy theo dõi nhịp thở.

  • Phòng hồi tỉnh và cấp cứu dùng trong trường hợp xảy ra các trường hợp ngoài ý muốn.

  • Thuốc gây tê và thuốc mê.

  • Cán bộ gồm 1 bác sĩ chuyên khoa và 1 điều dưỡng.

  • .Người bệnh Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước soi, người bệnh phải được giải thích về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý. Cho người bệnh uống thuốc chống tạo bọt Simethicone trước soi 30 phút

Quy trình thực hiện:

Bước 1: Kiểm tra và chắc chắn hệ thống siêu âm nội soi hoạt động bình thường. Bệnh nhân nằm nghiêng trên giường bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bước 2: Gây mê cho bệnh nhân bằng thuốc mê đã chuẩn bị sẵn với liều lượng thích hợp. Lượng thuốc mê vừa đủ cho bệnh nhân hôn mê, không thấy đau trong khi thực hiện thủ thuật và hết tác dụng không lâu sau khi bệnh nhân tỉnh dậy. Tùy mỗi trường hợp mà thời gian gây mê khác nhau, thường là 25 - 30 phút. Khi bệnh nhân rơi vào cơn mê, chú ý theo dõi nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ và huyết áp của bệnh nhân.

Bước 3: Bắt đầu thủ thuật:

  • Đưa ống soi qua thực quản và xuống dạ dày cho đến khi nhìn thấy hang vị và môn vị thì tiếp tục đưa xuống hành tá tràng và tá tràng.

  • Trong quá trình di chuyển ống soi đi xuống không được sử dụng nút siêu âm.

  • Tiến hành quan sát bề mặt đường tiêu hóa từ vị trí xa nhất (đoạn xuống tá tràng).

  • Áp sát đầu dò lên niêm mạc đường tiêu hóa và thực hiện thao tác siêu âm để quan sát các tạng xung quanh dạ dày (gan, mật, lách, tụy), tâm nhĩ trái và quai động mạch chủ.

  • Rút ống soi từ từ và quan sát hình ảnh siêu âm lẫn nội soi để phát hiện và đánh giá các tổn thương.

Bước 4: Hoàn tất quá trình nội soi siêu âm đường tiêu hóa cho bệnh nhân. Bác sĩ tổng hợp kết quả và thông báo cho bệnh nhân sau khi tỉnh lại. Bệnh nhân được kê đơn điều trị (nếu cần) và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thực hiện kỹ thuật nội soi siêu âm cho bệnh nhân

4. Những lưu ý khi nội soi siêu âm tiêu hóa

Những lưu ý khi thực hiện phương pháp:

  • Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân cần nhịn ăn trong 6 giờ và sử dụng thuốc chống tạo bọt đường tiêu hóa trước 30 phút.

  • Bệnh nhân cần được giải thích về những rủi ro có thể xảy ra và nên đi cùng người nhà để có thể hỗ trợ khi cần.

  • Sau khi nội soi xong, bệnh nhân có thể sẽ thấy khó chịu ở cổ họng. Nếu có các triệu chứng bất thường khác thì cần liên hệ với bác sĩ ngay.

Bệnh nhân cần được giải thích về những rủi ro trước khi thực hiện thủ thuật

Một số tai biến có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp:

Nội soi siêu âm là một kỹ thuật có xâm lấn. Với phương pháp truyền thống là không gây mê, bệnh nhân dễ gặp phải các tai biến nguy hiểm do đau, khó chịu dẫn đến khó hợp tác trong thực hiện thủ thuật. Ngày nay, kỹ thuật đã được hỗ trợ thực hiện bằng phương pháp gây mê bệnh nhân. Điều này giúp cho bệnh nhân thoải mái, bình tĩnh và từ đó sẽ cho kết quả khả quan hơn, ít xảy ra các biến chứng.

Một số biến chứng thường gặp là:

  • Rách hoặc thủng thành ống tiêu hóa.

  • Chảy máu.

  • Các biến chứng thường gặp là do cố đưa máy đi qua chỗ hẹp

Có thể thấy, nội soi siêu âm là một kỹ thuật được ứng dụng và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực khám hệ tiêu hóa. Với các thông tin chúng tôi cung cấp, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về kỹ thuật tiên tiến này và có được sự chuẩn bị tốt nhất nếu cần thực hiện.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.