Các tin tức tại MEDlatec
Phòng tránh đậu mùa khỉ - giải pháp bảo vệ bản thân và gia đình
- 01/11/2023 | Nhận biết dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ để có cách đối phó hiệu quả
- 01/11/2023 | Nguyên nhân bệnh đậu mùa khỉ là gì
- 01/11/2023 | Mách bạn cách phân biệt đậu mùa khỉ và thủy đậu
1. Một số điểm khái quát về bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ là căn bệnh hiếm gặp do virus Monkeypox gây ra. Virus này có liên quan đến họ bệnh đậu mùa có nguồn gốc từ châu Phi sau đó đã lây lan sang một số nước ở châu Âu.
Virus gây bệnh và đặc điểm nốt đậu mùa khỉ
Monkeypox có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc với chất tiết có chứa virus, có thể bắt nguồn từ hệ hô hấp, vết thương hoặc vật thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus cũng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trong thời dài với các giọt bắn từ người bệnh khi họ hắt hơi, ho, nói chuyện,...
2. Các biện pháp phòng tránh đậu mùa khỉ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
2.1. Rửa tay khử khuẩn
Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh đậu mùa khỉ. Cần rửa tay kỹ tối thiểu 20 giây bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật nghi ngờ hoặc đang bị nhiễm bệnh. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa cồn.
- Với trường hợp là người chăm sóc bệnh nhân hoặc là thành viên gia đình của người bị bệnh đậu mùa khỉ thì hãy rửa tay:
+ Trước và sau bất kỳ lần tiếp xúc nào với người bị cách ly.
+ Sau khi chạm vào các bề mặt và đồ vật mà người bị cách ly sử dụng.
+ Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa được rửa sát khuẩn.
- Với trường hợp đã được chẩn đoán bị đậu mùa khỉ thì cần rửa tay trước khi chạm vào các bề mặt và đồ vật thông thường để không lây lan virus ra những đồ vật này.
Rửa tay sát khuẩn đúng cách là biện pháp quan trọng để phòng tránh đậu mùa khỉ
2.2. Xử lý đồ giặt
- Với trường hợp là người chăm sóc và giặt đồ cho người bị bệnh đậu mùa khỉ:
+ Đeo khẩu trang y tế có kích thước vừa với khuôn mặt của mình và dùng găng tay dùng một lần.
+ Vứt bỏ những vật dụng này đúng cách sau khi sử dụng.
+ Giữ đồ giặt của người bệnh tránh xa da hoặc quần áo của bạn.
+ Che bất cứ vùng da nào của bạn có thể tiếp xúc với đồ giặt của người bệnh.
+ Nếu quần áo bạn đang mặc tiếp xúc với đồ giặt của người bệnh thì nên cởi ra và làm sạch giống như làm sạch đồ giặt cho người bệnh.
+ Giặt đồ của người bệnh trong máy giặt bằng nước nóng 70 độ C cùng với xà phòng giặt.
+ Đồ giặt phải được sấy khô trong máy sấy và khô hoàn toàn trước khi lấy ra.
+ Nếu cần vận chuyển quần áo của người bị bệnh đến địa điểm khác, hãy cho nó vào túi kín chỉ dùng một lần.
- Với trường hợp là người bị bệnh đậu mùa khỉ: tốt nhất nên tự xử lý đồ dùng cá nhân của mình.
2.3. Làm sạch và khử trùng bề mặt đồ vật
- Với trường hợp người chăm sóc cho bệnh nhân bị đậu mùa khỉ:
Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà người bị bệnh có thể đã tiếp xúc cũng là phương pháp phòng tránh đậu mùa khỉ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bề mặt có tần suất chạm nhiều lần như: mặt bàn, tay nắm cửa, nhà vệ sinh, công tắc điện, bàn phím máy tính,... Nếu một bề mặt hoặc đồ vật bị đã tiếp xúc với mầm bệnh, hãy làm sạch chúng bằng các sản phẩm tẩy rửa thông thường, sau đó sử dụng chất khử trùng.
- Với trường hợp là bệnh nhân đậu mùa khỉ: sau khi đã khỏi bệnh, hãy làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng tất cả các không gian đã tiếp cận trong nhà. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền tiềm ẩn cho các thành viên khác trong gia đình hoặc khách đến thăm nhà bạn.
2.4. Tránh tiếp xúc
Nên thực hiện các bước sau để phòng tránh đậu mùa khỉ lây nhiễm giữa người với người hoặc từ động vật sang người:
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị phát ban trông giống như đậu mùa khỉ.
- Tránh xử lý quần áo, ga trải giường, chăn hoặc các vật liệu khác đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.
- Cách ly những người mắc bệnh đậu mùa khỉ với người khỏe mạnh.
- Tránh tiếp xúc với động vật hoặc dịch tiết của động vật có thể mang virus.
- Tránh tiếp da kề da với những người bị phát ban trông giống đậu mùa khỉ.
- Không chạm vào vết phát ban hoặc vảy của người bị bệnh.
- Không hôn, ôm, âu yếm hoặc quan hệ tình dục với người mắc bệnh.
- Không dùng chung dụng cụ ăn uống với người bị bệnh.
Khuyến cáo về tránh tiếp xúc để phòng ngừa lây nhiễm đậu mùa khỉ
2.5. Tiêm vắc xin phòng bệnh
Một số loại vắc xin đậu mùa có thể phòng tránh đậu mùa khỉ vì thế chúng có thể được sử dụng tiêm phòng bệnh lý này. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị đậu mùa khỉ nên tiêm vắc xin đậu mùa để phòng ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, người có nguy cơ tiếp xúc với virus do tính chất công việc như: nhân viên y tế, bác sĩ, nhân viên phòng thí nghiệm,... cũng nên được tiêm phòng.
Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ thì việc chăm sóc đúng cách và cách ly ngay từ những ngày đầu tiên là rất quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm. Ngoài ra, để được chẩn đoán chính xác và biết cách điều trị, chăm sóc sức khỏe trong thời gian mắc bệnh, tốt nhất nên khám bác sĩ Da liễu để được hướng dẫn cách xử trí an toàn và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Phòng tránh đậu mùa khỉ không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm cả cộng đồng. Việc duy trì các biện pháp an toàn như đã được khuyến cáo và thực hiện đúng các hướng dẫn từ chuyên gia sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ đậu mùa khỉ phát triển thành dịch.
Ngoài những nội dung được chia sẻ ở trên, mọi thắc mắc về bệnh đậu mùa khỉ, quý khách hàng có thể trao đổi qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC tư vấn, giải đáp cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!