Các tin tức tại MEDlatec
Răng bị đau khi nhai: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào
- 02/11/2022 | Đau răng kiêng ăn gì và một số lưu ý khi chăm sóc răng miệng
- 01/10/2023 | Nên làm gì nếu nhổ răng khôn xong bị đau răng bên cạnh?
- 01/12/2023 | Thuốc chữa đau răng dùng thế nào để khỏi đau mà an toàn cho sức khỏe?
1. Răng bị đau khi nhai do đâu?
Răng chỉ có khả năng chịu đựng một mức lực nhất định khi nhai. Nếu lực tác động lên răng vượt quá khả năng chịu đựng, sẽ dễ dẫn đến răng bị chấn thương. Răng bị đau khi nhai là một tình trạng khá phổ biến, xảy ra ở nhiều người và thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:
Các vấn đề về răng
- Sâu răng: Khi sâu răng ăn sâu vào men răng và ngà răng, nó có thể gây kích ứng tủy răng, đặc biệt khi có lực tác động lên răng khi nhai;
Sâu răng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị đau khi nhai
- Viêm tủy răng: Nếu sâu răng không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm do tủy răng bị vi khuẩn xâm nhập có thể xảy ra. Viêm tủy răng thường gây đau nhức dữ dội, đặc biệt khi nhai hoặc có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột;
- Nứt hoặc vỡ răng: Một vết nứt nhỏ hoặc một phần răng bị vỡ có thể không gây đau đớn thường xuyên, nhưng khi nhai, lực tác động có thể làm các mảnh răng di chuyển, gây ra cảm giác đau;
- Mòn men răng: Theo thời gian, men răng có thể bị mòn do chải răng quá mạnh, nghiến răng hoặc ăn nhiều thực phẩm có tính axit. Khi men răng mòn, lớp ngà răng bên dưới sẽ lộ ra, nhạy cảm hơn với các kích thích, bao gồm cả lực nhai;
- Răng khôn mọc lệch: Khi răng khôn mọc sai vị trí, nó có thể tạo áp lực lên các răng kế cận, gây đau nhức, đặc biệt là khi nhai ở khu vực đó;
- Áp xe răng: Một ổ nhiễm trùng có mủ hình thành ở chân răng đã xâm lấn vào lợi có thể gây đau nhức dữ dội, sưng tấy và đau khi chạm hoặc nhai.
Các vấn đề về nướu
- Viêm nướu: Tình trạng viêm nhiễm ở nướu có thể khiến nướu sưng đỏ, dễ chảy máu và gây đau nhẹ khi nhai, đặc biệt nếu thức ăn cứng hoặc dai;
- Viêm nha chu: Nếu viêm nướu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể phát triển thành viêm nha chu, tác động đến các mô hỗ trợ răng, gây ra tình trạng răng lung lay và đau khi nhai;
- Tụt nướu: Khi nướu bị tụt, phần chân răng sẽ bị lộ ra, không được bảo vệ bởi men răng, dẫn đến tăng độ nhạy cảm và đau khi nhai.
Các nguyên nhân khác
- Sai khớp cắn: Khi các răng hàm trên và hàm dưới không khớp nhau đúng cách, lực nhai có thể phân bố không đều, gây áp lực lên một số răng nhất định và gây đau;
- Nghiến răng: Thói quen nghiến răng, đặc biệt là vào ban đêm, có thể gây căng cơ hàm và đau răng, đặc biệt là vào buổi sáng và khi nhai;
- Bệnh lý về khớp thái dương hàm: Các bệnh lý về khớp thái dương hàm có thể gây đau 1 hoặc 2 bên răng lan lên vùng góc hàm và tai cùng bên, khi ăn khớp cử động liên tục gây đau tức kích thích;
- Chấn thương: Một va đập mạnh vào vùng miệng có thể gây tổn thương răng và các mô xung quanh, dẫn đến đau khi nhai.
2. Răng bị đau khi nhai và biện pháp khắc phục
Răng bị đau khi nhai ban đầu chỉ làm cản trở quá trình ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, ngay khi cảm thấy bị đau nhức khi nhai, bạn nên nhanh chóng tìm đến các cơ sở nha khoa để được bác sĩ thăm khám, xác định được nguyên nhân gây đau và đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Các biện pháp tạm thời tại nhà
- Chườm lạnh: Bạn có thể chườm lạnh lên vùng má gần vị trí đau để giảm sưng và làm dịu cơn đau;
- Sử dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau có thể giúp giảm đau và viêm tạm thời. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng;
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là biện pháp tạm thời nhằm khắc phục tình trạng răng bị đau khi nhai
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Pha một thìa cà phê muối vào cốc nước ấm và thực hiện súc miệng nhẹ nhàng vài lần trong ngày. Nước muối có tính sát khuẩn nhẹ và có thể giúp làm dịu nướu bị viêm.
Thăm khám bác sĩ
Để giải quyết triệt để tình trạng răng bị đau khi nhai, bạn cần đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây đau và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, ví dụ như:
- Trám răng: Đối với răng sâu;
- Điều trị tủy: Đối với Viêm tủy răng;
- Nhổ răng: Được chỉ định khi răng bị sâu mức độ nặng hoặc răng khôn mọc lệch gây biến chứng;
- Cạo vôi răng và điều trị viêm nướu/nha chu: Để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám gây ra tình trạng viêm nhiễm;
- Máng nhai: Áp dụng đối với người có thói quen nghiến răng;
- Vật lý trị liệu, phẫu thuật: Bệnh lý về khớp thái dương hàm, chấn thương…
3. Biện pháp phòng ngừa răng bị đau khi nhai
Để phòng ngừa tình trạng răng bị đau khi nhai, bạn cần chủ động trong việc chăm sóc vệ sinh răng miệng và điều chỉnh các thói quen tác động xấu đến răng miệng, cụ thể như sau:
Chú ý khâu chăm sóc răng miệng
- Hãy đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, định kỳ sáng - tối. Ưu tiên kem đánh răng có chứa fluoride để giúp men răng chắc khỏe và chống lại sâu răng;
Lưu ý trong quy trình vệ sinh răng miệng để bảo vệ sức khỏe răng
- Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa ở kẽ răng, nơi bàn chải đánh răng khó tiếp cận;
- Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch khoang miệng, giảm vi khuẩn và củng cố men răng;
- Dùng dụng cụ cạo lưỡi hoặc mặt sau của bàn chải để làm sạch lưỡi, loại bỏ vi khuẩn và hơi thở khó chịu.
Hạn chế đường và tinh bột
Vi khuẩn trong miệng chuyển hóa đường và tinh bột thành axit, tấn công men răng gây sâu răng. Do đó, những loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột và đường cần được hạn chế và sử dụng đúng thời điểm, mức độ.
Thăm khám nha sĩ định kỳ
Khám răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm các vấn đề và có phương án điều trị phù hợp kịp thời.
Hy vọng những thông tin được nêu trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân và biện pháp xử trí cho tình trạng răng bị đau khi nhai. Nếu có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám chuyên khoa Răng hàm mặt, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!