Các tin tức tại MEDlatec

Rối loạn chức năng gan - Cảnh báo sức khỏe từ bên trong cơ thể

Ngày 14/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Rối loạn chức năng gan được hiểu là tình trạng suy giảm hoạt động của gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, thải độc và nhiều chức năng quan trọng khác. Nhận biết sớm tình trạng rối loạn chức năng gan và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe lá gan và ngăn ngừa các biến chứng bệnh nguy hiểm.

1. Thế nào là rối loạn chức năng gan?

Gan là một trong những cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng sinh lý thiết yếu như chuyển hóa, giải độc, tổng hợp protein và lưu trữ năng lượng. Khi rối loạn chức năng gan, gan không thể thực hiện đầy đủ các chức năng dẫn tới tích tụ độc tố trong cơ thể.

Tình trạng rối loạn chức năng gan có thể là hậu quả của các bệnh lý gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan hoặc do các yếu tố tác động như rượu bia, thuốc và độc tố.

Rối loạn chức năng gan có thể là hậu quả của các bệnh lý gan hoặc do các yếu tố tác động như rượu bia, thuốc và độc tố.

2. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng gan

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn chức năng gan. Bao gồm:

2.1. Một số bệnh lý về gan

  • Viêm gan virus: Viêm gan virus A, B, C, D, E có thể gây ra tình trạng viêm gan cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Xơ gan: Gan xơ hóa do tổn thương kéo dài (thường gặp trong viêm gan virus mạn tính, lạm dụng rượu bia,...) gây rối loạn chức năng gan. 
  • Gan nhiễm mỡ: Sự tích tụ mỡ trong gan thường liên quan đến béo phì, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn chức năng gan. 
  • Ung thư gan: Các khối u ác tính có thể phá hủy mô gan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.

2.2. Nhiễm độc gan

  • Rượu bia: Lạm dụng rượu bia có thể gây viêm gan do rượu và dẫn đến xơ gan.
  • Thuốc và hóa chất: Một số loại thuốc (paracetamol liều cao, kháng sinh, thuốc chống lao) và hóa chất có thể gây độc cho gan, làm suy giảm chức năng gan.
  • Độc tố từ thực phẩm: Một số loại nấm mốc chứa aflatoxin có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.

2.3. Bệnh lý chuyển hóa và tự miễn

  • Rối loạn chuyển hóa: Những người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson) và rối loạn chuyển hóa sắt (bệnh Hemochromatosis) có thể bị tích tụ kim loại trong gan, gây tổn thương gan nặng nề.
  • Viêm gan tự miễn: Viêm gan tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công tế bào gan, gây viêm mạn tính và suy giảm chức năng gan.

3. Triệu chứng của rối loạn chức năng gan

Người mắc rối loạn chức năng gan có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan:

  • Vàng da, vàng mắt: Tình trạng này xảy ra do sự tích tụ bilirubin trong máu khi gan không thể chuyển hóa và đào thải ra ngoài cơ thể. 
  • Mệt mỏi: Chức năng gan suy giảm làm giảm khả năng chuyển hóa năng lượng, người bệnh mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức.
  • Rối loạn tiêu hoá: Một trong những chức năng quan trọng của gan là tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng. Khi chức năng gan rối loạn, người bệnh có thể gặp các vấn đề như chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu,…
  • Ngứa da: Sự tích tụ của muối mật trong máu khi gan gây biểu hiện ngứa da dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu: Khi bilirubin không được chuyển hóa bình thường, nước tiểu có thể trở nên sẫm màu và phân nhạt màu hơn bình thường.
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng hạ sườn phải: Vị trí của gan ở vùng hạ sườn phải, do đó nếu gan bị viêm hoặc tổn thương, người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc tức nặng ở khu vực này. Trong một số trường hợp như viêm gan cấp, áp xe gan, cơn đau có thể trở nên dữ dội hơn.
  • Các biểu hiện khác: Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện khác do rối loạn chức năng gan nặng (trong xơ gan, ung thư gan) như phù, cổ trướng, dấu sao mạch, xuất huyết tiêu hoá, rối loạn tâm thần - thần kinh (bệnh não gan),…

Vàng da, vàng mắt là một trong những dấu hiệu cho thấy suy giảm chức năng gan

4. Chẩn đoán rối loạn chức năng gan

Nhằm chẩn đoán rối loạn chức năng gan, có các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như:

4.1. Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan

  • Men gan (ALT, AST): Tăng AST, ALT là dấu hiệu cho thấy tế bào gan đang bị tổn thương.
  • Albumin máu: Albumin máu giảm do gan giảm khả năng tổng hợp protein.
  • Bilirubin máu: Tăng bilirubin là dấu hiệu suy giảm khả năng chuyển hóa bilirubin của gan.
  • Rối loạn đông máu: Khi gan không tổng hợp đủ yếu tố đông máu, người bệnh có thể bị chảy máu kéo dài.

Tăng bilirubin là dấu hiệu suy giảm khả năng chuyển hóa bilirubin của gan 

4.2. Chẩn đoán hình ảnh đánh giá chức năng gan 

Các phương pháp hình ảnh học giúp đánh giá cấu trúc gan, xác định tổn thương hoặc phát hiện các khối u ở gan. 

  • Siêu âm gan: Siêu âm là phương pháp đơn giản, phổ biến giúp phát hiện gan nhiễm mỡ, xơ gan, khối u hoặc ứ dịch trong ổ bụng.
  • Chụp CT scan/MRI gan: Giúp đánh giá chi tiết cấu trúc gan, phát hiện u gan, xơ gan, hoặc các bất thường khác.
  • FibroScan (Đo độ đàn hồi gan): Đánh giá mức độ xơ hóa gan mà không cần sinh thiết.

4.3. Các cận lâm sàng chuyên sâu

Ngoài các cận lâm sàng trên, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng khác để đánh giá rối loạn chức năng gan như: 

  • Sinh thiết gan: Sinh thiết gan được thực hiện để xác định chính xác mức độ tổn thương gan. 
  • Xét nghiệm virus viêm gan (HBsAg, Anti-HCV, HBV DNA, HCV RNA): Để phát hiện viêm gan virus B, C.
  • Xét nghiệm miễn dịch (ANA, AMA, ASMA): Giúp kiểm tra bệnh gan tự miễn.
  • Xét nghiệm đồng huyết thanh (Ceruloplasmin): Để chẩn đoán bệnh Wilson.

5. Điều trị rối loạn chức năng gan

Để điều trị rối loạn chức năng gan, cần xác định nguyên nhân, mức độ bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp nhất: 

5.1. Điều trị nguyên nhân

  • Viêm gan virus: Nếu rối loạn chức năng gan do viêm gan virus, cần điều trị bằng các thuốc kháng virus (như entecavir, tenofovir cho viêm gan B, hoặc thuốc ức chế virus cho viêm gan C).
  • Xơ gan: Kiểm soát nguyên nhân gây xơ gan, như hạn chế rượu bia, kiểm soát viêm gan virus.
  • Gan nhiễm mỡ: Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và kiểm soát cân nặng của người bệnh.
  • Bệnh lý tự miễn: Nếu do các bệnh lý tự miễn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid.

5.2. Hỗ trợ chức năng gan

Để hỗ trợ chức năng gan cho người bị rối loạn chức năng gan, cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh: 

  • Chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn uống cần giảm mỡ, tăng cường rau xanh và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Người bệnh cần bổ sung vitamin B, C, E giúp bảo vệ gan.
  • Dùng thuốc bảo vệ gan: Một số hoạt chất như silymarin, N-acetylcysteine, có tác dụng giúp giảm tổn thương gan.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng gan

5.3. Điều trị biến chứng của rối loạn chức năng gan

Rối loạn chức năng gan có thể dẫn tới nhiều biến chứng cho cơ thể, trong đó có 2 biến chứng ảnh hưởng lớn nhất là cổ trướng và suy giảm chức năng gan. Việc điều trị biến chứng bệnh cần:

  • Kiểm soát cổ trướng: Dùng thuốc lợi tiểu hoặc chọc tháo dịch khi cần thiết.
  • Ghép gan: Là phương pháp cuối cùng khi chức năng gan suy giảm nghiêm trọng và không thể hồi phục.

Rối loạn chức năng gan là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng bệnh gan nguy hiểm. Chế độ ăn uống hợp lý, tránh các yếu tố độc hại và theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp duy trì chức năng gan ổn định. 

Nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế hoặc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Liên hệ tư vấn và đặt lịch khám ngay hôm nay: 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.