Các tin tức tại MEDlatec
Suy nhược thần kinh gây ra bệnh gì và cách điều trị
- 15/07/2021 | Ghi nhớ để biết sớm dấu hiệu suy nhược thần kinh
- 28/03/2021 | Dấu hiệu nhận biết và các biến chứng nguy hiểm của bệnh suy nhược thần kinh
- 28/03/2021 | Tình trạng mất ngủ có phải là triệu chứng suy nhược thần kinh?
1. Suy nhược thần kinh là bệnh gì?
Suy nhược thần kinh là một hội chứng có tên khoa học là Da Costa, nằm trong nhóm các rối loạn thần kinh chức năng. Cụ thể là tình trạng rối loạn chức năng vỏ não và trung khu dưới vỏ do tế bào não bộ làm việc quá sức dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu hoạt động của cơ thể.
Suy nhược thần kinh là bệnh lý tinh thần phổ biến ở cuộc sống hiện đại
Suy nhược thần kinh khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu và nhiều triệu chứng khác khiến sức khỏe tinh thần suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là các vấn đề tâm lý tiêu cực như: căng thẳng, stress, làm việc quá sức, mâu thuẫn, lo âu quá mức,…
Số người bị suy nhược thần kinh hiện nay đang ngày càng tăng, đặc biệt ở nhóm đối tượng làm việc trí óc. Vì thế kiến thức bệnh lý và cách phòng ngừa, điều trị suy nhược thần kinh được nhiều bạn đọc quan tâm tìm hiểu.
2. Bác sĩ tư vấn: suy nhược thần kinh gây ra bệnh gì?
Suy nhược thần kinh tuy không nguy hiểm đến tính mạng con người ngay lập tức song bệnh kéo dài sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Suy nhược thần kinh còn có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm cần được điều trị sớm. Vậy cụ thể suy nhược thần kinh gây ra bệnh gì?
Suy nhược thần kinh có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe sau:
2.1. Suy nhược thần kinh dẫn đến chứng kích thích suy nhược
Hội chứng kích thích suy nhược là mức độ nặng hơn của suy nhược thần kinh, người bệnh khó kiểm soát tâm trạng, dễ bị kích thích quá mức với các yếu tố tác động như: lo âu, căng thẳng, sợ hãi, kích thích do tiếng động nhỏ hoặc mùi hương lạ,… Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này thường gặp tình trạng rối loạn hormone và trao đổi chất, cơ thể mệt mỏi, đau nhức đầu kéo dài.
Suy nhược thần kinh là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ kéo dài
2.2. Mất ngủ
Hầu hết bệnh nhân suy nhược thần kinh gặp vấn đề về giấc ngủ, cụ thể là chứng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ,… Hậu quả là sức khỏe sụt giảm, cơ thể uể oải mệt mỏi, chân tay bủn rủn sau khi thức dậy hoặc kéo dài cả ngày.
Tình trạng mất ngủ cùng các triệu chứng suy nhược thần kinh kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
2.3. Triệu chứng rối loạn thần kinh
Suy nhược thần kinh còn dẫn đến nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh như đau cột sống, buốt xương sống, tê buốt tay chân, mỏi vùng cổ,… Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan nội tạng, mắt và thần kinh khác cũng bị ảnh hưởng và suy giảm.
2.4. Rối loạn thực vật
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chứng suy nhược thần kinh với rối loạn thực vật và nội tạng đa dạng. Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện bất thường như: đánh trống ngực, hạ huyết áp, tăng thân nhiệt, đau tim, tăng tiết mồ hôi, rối loạn kinh nguyệt ở nữ hoặc liệt dương ở nam,…
Suy nhược thần kinh và trầm cảm có mối liên hệ mật thiết
2.5. Trầm cảm
Suy nhược thần kinh và trầm cảm là hai chứng bệnh nguy hiểm có mối liên hệ chặt chẽ, các triệu chứng rối loạn tinh thần sẽ nâng dần đến trầm cảm. Khi đó, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: buồn rầu, kém ăn uống, chán nản, khó ngủ, không có hứng thú với công việc và nhiều sở thích trước đó.
Trầm cảm lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến giảm khả năng làm việc, tự chăm sóc và sinh hoạt hàng ngày, nguy hiểm hơn là khiến bệnh nhân có ý định tự sát để giải thoát bản thân.
Có thể thấy, suy nhược thần kinh là mối nguy hiểm sức khỏe tiềm ẩn, triệu chứng bệnh có thể khiến nhiều người chủ quan song có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
3. Chế độ chăm sóc và điều trị cho người bị suy nhược thần kinh
Nguyên nhân dẫn đến suy nhược thần kinh được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh hầu hết bắt nguồn từ lối sống thiếu lành mạnh như: thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, thường xuyên bị căng thẳng và áp lực quá mức, tâm trạng tiêu cực không được giải tỏa, chế độ nghỉ ngơi không điều độ,…
Do đó, biện pháp điều trị đẩy lùi suy nhược thần kinh đầu tiên là khắc phục những nguyên nhân gây bệnh này, thay đổi thói quen sống và sinh hoạt hàng ngày lành mạnh hơn. Cụ thể, lối sống lành mạnh cho các đối tượng suy nhược thần kinh cần làm như sau:
-
Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích thần kinh quá nhiều.
-
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đủ bữa và điều độ đảm bảo cung cấp năng lượng đủ cho một ngày dài làm việc.
-
Giải tỏa các cảm xúc tinh thần tiêu cực như: áp lực, căng thẳng, buồn bã, tự ti,… bằng việc chia sẻ, tâm sự với bạn bè, người thân. Các vấn đề gây ra căng thẳng tinh thần cũng nên được giải quyết sớm như: mâu thuẫn nơi làm việc, xung đột gia đình, áp lực tài chính,…
-
Hoạt động thể chất thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, đồng thời tinh thần được thư giãn. Các bài tập tốt cho sức khỏe tinh thần bao gồm: Yoga, thiền định, thái cực quyền,…
-
Nên đi khám bác sĩ tâm lý nếu bạn có các dấu hiệu suy nhược thần kinh và tuân thủ hướng dẫn điều trị, tránh việc tự mua thuốc điều trị hoặc trốn tránh.
Nên đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu suy nhược thần kinh
Nếu bệnh nhân bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại nhà trên, bác sĩ có thể xem xét dùng thuốc điều trị hỗ trợ. Các loại thuốc thường dùng hiện nay bao gồm: asthenal, sulbutiamine, thuốc tăng cường tuần hoàn toàn,… tác động lên quá trình hưng phấn của hệ thần kinh, giảm tình trạng suy nhược thần kinh.
Như vậy, suy nhược thần kinh là căn bệnh tinh thần nguy hiểm có thể hủy hoại sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu suy nhược thần kinh gây ra bệnh gì và cách điều trị, khắc phục.
Nếu bạn hoặc người thân đang có dấu hiệu suy nhược thần kinh cũng như các bệnh lý khác, hãy liên hệ đến hotline Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56 hoặc tới hệ thống Y tế MEDLATEC trên toàn quốc để được tư vấn, hỗ trợ từ chuyên gia.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!