Các tin tức tại MEDlatec

Suy thai là gì và gợi ý những cách phòng tránh giúp mẹ bầu

Ngày 01/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Suy thai là một biến chứng sản khoa nguy hiểm cần được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều mẹ bầu hiểu chính xác suy thai là gì. Vậy nên, MEDLATEC sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này trong bài viết sau đây.

1. Suy thai là gì? Đối tượng nào dễ bị suy thai?

Suy thai là tình trạng thai nhi bị đe dọa hoặc tình trạng đáp ứng có chiều hướng bất lợi của thai nhi. Suy thai có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu ngay khi còn trong bụng mẹ hoặc tử vong khi chuyển dạ. Bệnh lý này liên quan đến tình trạng oxy cung cấp đến máu hoặc tổ chức thai nhi trong tử cung không đáp ứng đủ. Thông qua những thay đổi về nhịp tim thai được ghi nhận bằng máy theo dõi nhịp tim thai chuyên dụng, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng suy thai. 

Câu trả lời cho thắc mắc suy thai là gì đó là tình trạng thai nhi bị thiếu hụt oxy 

Dựa theo tính chất cũng như mức độ nguy hiểm, suy thai được chia thành hai dạng cơ bản:

  • Suy thai cấp tính: Suy thai bất ngờ trong khi chuyển dạ, thai nhi dễ bị tử vong nếu không có biện pháp y tế can thiệp kịp thời. 
  • Suy thai mạn tính: Diễn ra trong suốt thai kỳ, mức độ không quá nghiêm trọng, mẹ bầu khó phát hiện bởi triệu chứng không thực sự rõ nét. Thế nhưng trong một số trường hợp, suy thai mạn tính có nguy cơ chuyển sang dạng cấp tính, dễ làm thai nhi bị chết lưu.

2. Dấu hiệu bị suy thai là gì? 

2.1. Màu sắc nước ối thay đổi 

Màu sắc đặc trưng của nước ối là màu trắng trong. Trường hợp nước ối chuyển màu khác lạ thì đây có thể là dấu hiệu suy thai. Cụ thể như:

  • Nước ối màu vàng sẫm. Lúc này, khả năng cao mẹ bầu đang bị suy thai mạn tính, cần phải điều trị. 
  • Nước ối chuyển màu xanh, đây là dấu hiệu cho thấy thai phụ bị suy thai, cần can thiệp sớm. 
  • Nước ối lẫn phân su, một trong những dấu hiệu của suy thai cấp tính trong thời kỳ chuyển dạ hay suy thai trong chuyển dạ. Khi đó, mẹ bầu cần được xử lý can thiệp để phòng tránh tình trạng thai nhi bị hít phân su. 

2.2. Nhịp tim thai thay đổi

Nếu nhịp tim thai lớn hơn mức 160 nhịp/phút rồi giảm xuống 120 nhịp/phút, đây thường là tín hiệu của hiện tượng thiếu hụt oxy, có nguy cơ dẫn đến suy thai. 

Khi nhận thấy nhịp tim thai thay đổi, mẹ bầu nên nhanh chóng đi khám

Bên cạnh kiểm tra nhịp tim thai, mẹ bầu hãy cảm nhận cường độ chuyển động của thai nhi. Do đó mẹ nên chú ý đếm cử động thai bằng cách nằm yên trên giường, đếm xem thai nhi có cử động đủ 4 lần trong 30 phút hay không. 

3. Nguyên nhân dẫn đến suy thai

3.1. Nguyên nhân từ phía thai phụ

  • Thai phụ nằm sai tư thế (nằm ngửa quá lâu) dễ khiến động mạch chủ bị chèn ép bởi tử cung, giảm lưu lượng máu cung cấp cho thai nhi. 
  • Thai phụ bị thiếu máu mạn tính, bị huyết áp thấp. 
  • Thai phụ bị chấn thương, khiến lưu lượng máu cung cấp cho thai nhi giảm xuống. 
  • Thai phụ mắc bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, thừa cân, suy tim, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. 

Việc nằm đúng tư thế cũng là kiến thức các thai phụ cần biết

3.2. Nguyên nhân xuất phát từ phía thai nhi 

  • Thai nhi bị rơi vào trạng thái thiếu máu, nhiễm trùng.
  • Thai nhi gặp phải dị tật. 
  • Thai nhi kém phát triển. 
  • Thai nhi thiếu tháng. 
  • Thai sinh ra chậm hơn so với dự kiến dẫn đến tình trạng bánh nhau vôi hóa, khiến quá trình vận chuyển oxy bị gián đoạn. 

3.3. Nguyên nhân do các phần phụ của thai nhi

  • Một số vấn đề về nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong sớm, nhau bị vôi hóa. 
  • Vấn đề liên quan đến dây rốn như dây rốn bị rối hay thắt nút, dây rốn bị xoắn lại hoặc bị sa cản trở quá trình vận chuyển oxy nuôi dưỡng thai nhi. 
  • Vỡ ối sớm hơn dự kiến dẫn đến phần chất lỏng bảo vệ thai nhi bị giảm xuống. Hệ quả là khi thai phụ chuyển dạ, tử cung co bóp tác động vào đầu thai nhi hoặc phần dây rốn gây thiếu hụt oxy. 

3.4. Nguyên nhân đến từ vấn đề sản khoa

  • Cơ co tử cung rơi vào trạng thái rối loạn, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cho thai nhi. 
  • Xương chậu người mẹ và xương đầu của thai nhi mất cân đối do phần khung xương của thai phụ nhỏ hoặc phần đầu của thai nhi quá lớn. 
  • Bất thường tại ngôi thai làm cho thời gian chuyển dạ bị kéo dài, đây có thể là nguyên nhân khiến thai nhi bị ngạt, không được cung cấp đủ oxy, quá trình chuyển dạ kéo dài

3.5. Ảnh hưởng của một số loại thuốc

  • Thuốc giảm đau, thuốc gây mê có khả năng khiến thai nhi bị ức chế. 
  • Các loại thuốc kích thích tăng co không kiểm soát khiến tử cung co thắt mạnh hơn, ảnh hưởng đến thai nhi. 

4. Suy thai nguy hiểm như thế nào?

Sự nguy hiểm của tình trạng suy thai được đánh giá dựa theo tính chất, thời gian diễn biến của bệnh lý, cách thức can thiệp y tế. Với suy thai mạn tính, thai nhi có khả năng tự cân bằng lượng oxy phân bổ đến các hệ cơ quan trong giai đoạn đầu. Thế nhưng nếu tình trạng này kéo dài, thai nhi sẽ không thể tiếp tục điều phối oxy đến tất cả hệ cơ quan do không nhận được lượng oxy cần thiết. Khi đó, thai nhi có nguy cơ cao bị chết lưu khi chưa sinh hoặc tử vong sau khi chào đời. 

Suy thai cấp tính dễ khiến thai nhi bị chết lưu hoặc tử vong sau khi chào đời

Còn với dạng suy thai cấp tính diễn ra trong thời kỳ chuyển dạ, thai nhi dễ bị tử vong trong thời gian ngắn hoặc tử vong không lâu sau khi chào đời. Ngay cả khi chào đời an toàn, trẻ vẫn có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như động kinh, kém phát triển, nói ngọng,... ảnh hưởng đến sự phát triển về sau. 

5. Biện pháp phòng ngừa tình trạng suy thai

Tình trạng suy thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi. Để phòng tránh phần nào hiện tượng này, chị em nên áp dụng một vài biện pháp đơn giản sau:

  • Áp dụng chế độ ăn uống điều độ, đủ chất nhằm cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. 
  • Không làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi. 
  • Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, đều đặn. 
  • Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm dễ gây kích thích như rượu, bia, thuốc lá. 
  • Theo dõi kỹ những biểu hiện bất thường của cơ thể và thai nhi để kịp thời thăm khám, can thiệp điều trị hạn chế rủi ro. 

Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức

Nói chung trong suốt thời gian mang bầu, chị em cần duy trì lối sống lành mạnh, chú ý nghỉ ngơi, không làm việc quá sức. Đặc biệt, mẹ bầu nên khám thai định kỳ, bổ sung các dưỡng chất hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Hy vọng phần tổng hợp kiến thức y khoa trên đây đã giúp quý bạn đọc hiểu rõ suy thai là gì. Nếu cảm nhận thấy dấu hiệu bất thường, nghi ngờ đang bị suy thai, chị em hãy tìm đến Chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ kiểm tra kỹ hơn và đưa ra tư vấn hoặc phác đồ điều trị phù hợp. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ 24/7. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.