Các tin tức tại MEDlatec

Tê nửa đầu sau gáy: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 31/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tê nửa đầu sau gáy là vấn đề sức khỏe thường gặp, nhất là đối với những người làm việc trong văn phòng và người thường xuyên phải lao động nặng. Bệnh thường lành tính và không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tê bì nửa đầu phía sau gáy có thể là dấu hiệu cảnh báo các loại bệnh nguy hiểm.

1. Triệu chứng tê nửa đầu sau gáy

Tình trạng tê nửa đầu sau gáy là hiện tượng đau mỏi và ê nhức vùng đầu sau gáy. Cơn đau có thể lan sang 2 bên thái dương hoặc đau lên cả đỉnh đầu. Mức độ đau có thể khác nhau tùy vào từng thời điểm, đôi khi người bệnh đau dữ dội nhưng đôi khi lại chỉ cảm thấy đau âm ỉ. Những cơn đau thường tăng lên khi người bệnh giữ quá lâu một tư thế hoặc vận động mạnh hay tập thể dục với cường độ cao.

Đau tê nửa đầu sau gáy dữ dội

Tê bì nửa đầu có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, những hoạt động hàng ngày sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Người bệnh cũng rất khó để tập trung trong công việc.

Dưới đây là một số triệu chứng của tê nửa đầu sau gáy:

- Cơn đau có thể kéo dài hoặc diễn ra trong một thời gian dài.

- Người bệnh có cảm giác đau đột ngột giống như bị điện giật, đôi khi cơn đau có thể khiến bạn giật mình.

- Người bệnh có cảm giác buồn nôn và chóng mặt.

- Khi xảy ra những cơn đau đầu, người bệnh rất nhạy cảm với âm thanh, sợ môi trường nhiều tiếng ồn, sợ ánh sáng quá mạnh.

- Rối loạn giấc ngủ và ức chế vận động.

- Một số triệu chứng khác như sốt cao, giảm trí nhớ, khó nói rõ,...

Khi bị đau hay tê nửa đầu, bệnh nhân thường có thói quen vỗ nhẹ và ấn vào nửa đầu sau để giảm đau. Tuy nhiên, không nên thực hiện hành động này vì nó có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh và cột sống khiến cho tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.

2. Nguyên nhân gây tê nửa đầu sau gáy

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tê nửa đầu sau gáy. Dưới đây là những nguyên nhân chính:

- Tê nửa đầu sau gáy do những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, có thể kể đến như:

+ Ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, dùng điện thoại quá nhiều,... Đây là thói quen xấu của rất nhiều người dẫn đến những ảnh hưởng lớn đến mắt, vùng cổ vai gáy.

A person sitting at a desk with her hands behind her head Description automatically generated Đau tê nửa đầu sau gáy do ngồi làm việc quá nhiều

Đau tê nửa đầu sau gáy do ngồi làm việc quá nhiều

+ Do tiếp xúc hay hít phải chất phóng xạ, hóa chất độc hại.

+ Lao động sai tư thế gây ảnh hưởng đến vùng cổ vai gáy.

+ Căng thẳng cũng có thể khiến bạn tê nửa đầu sau gáy và bị co cơ.

- Tê nửa đầu sau gáy do bệnh lý về xương khớp chẳng hạn như:

+ Thoái hoá đốt sống cổ: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau vùng cổ vai gáy, tê nửa đầu. Bệnh thường gặp ở những người phải ngồi làm việc quá lâu, nhất là nhân viên văn phòng.

 

Tê nửa đầu có thể do thoái hóa đốt sống cổ

+ Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đây là vấn đề rất thường gặp ở những người cao tuổi. Khi đốt sống cổ bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đau, tê bì, mỏi cơ và vận động rất khó khăn.

+ Bệnh lao xương khớp: Căn bệnh này khiến hệ thống xương khớp của cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng và có thể để lại những di chứng vô cùng nặng nề.

+ Gai đốt sống cổ: Bệnh có thể dẫn đến tình trạng chèn ép dây thần kinh và khiến bệnh nhân bị đau nhức đầu, cổ.

+ Chấn thương cổ vai gáy do tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông, tai nạn trong khi tập thể thao,... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tê nửa đầu hoặc đau nhức đầu  dữ dội.

- Ngoài ra, một số trường hợp tê hay đau nửa đầu có thể là do bệnh cảm cúm, tình trạng sốt virus, sốt xuất huyết, bệnh về thần kinh tăng huyết áp, viêm màng não mủ,... hay một số bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng tê mỏi nửa đầu, bạn không nên chủ quan mà nên đi khám càng sớm càng tốt.

3. Điều trị tê nửa đầu sau gáy bằng phương pháp nào?

Dưới đây là một số cách giúp giảm đau hay tê nửa đầu sau gáy:

- Nếu nguyên nhân đau đầu sau gáy là do thói quen xấu thì để cải thiện tình trạng bệnh, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt, thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh. Chẳng hạn như không ngồi làm việc quá lâu trước màn hình máy tính, không thức quá khuya, kiểm soát căng thẳng, lao động đúng tư thế, tránh bê vác nặng,...

- Sử dụng thuốc giảm đau: Đây chỉ là biện pháp tạm thời. Thuốc giảm đau có thể giúp bệnh nhân xoa dịu cơn đau hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phương pháp này, có thể dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Do đó, nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng và chỉ dùng trong những trường hợp thật sự cần thiết.

Không nên dùng thuốc giảm đau khi đau nửa đầu

- Chườm lạnh và mát xa lên vùng đầu, phía sau gáy sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn và từ đó cơn đau hay tê nửa đầu sẽ giảm đáng kể.

- Ngồi thiền: Phương pháp này giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả. Sau khi thiền, bạn sẽ cảm thấy thư thái và thoải mái hơn, những cơn đau và tê bì nửa đầu cũng xuất hiện ngày càng ít.

- Nếu nguyên nhân tê nửa đầu sau gáy là do các loại bệnh lý thì cần đi khám và điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. Tùy theo từng loại bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho bạn.

- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu kết hợp với những thiết bị máy móc hiện đại, các bài tập cụ thể do bác sĩ hướng dẫn cũng có thể giúp bệnh nhân giảm tình trạng đau, tê nửa đầu, cải thiện khả năng vận động, tăng chất lượng sống.

Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tê nửa đầu sau gáy, nhất là về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh. Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin hoặc xuất hiện biểu hiện bất thường cần thăm khám tại Chuyên khoa thần kinh của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: tê nửa đầu

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.