Các tin tức tại MEDlatec
Thay đổi cách dùng một số thuốc chống loãng xương
Về dùng biphosphonat (BPP)
Trước đây, các nghiên cứu cho biết dùng BPP làm tăng mật độ xương (dù kết quả không phải bao giờ cũng thống nhất); mặt khác lúc đó chưa ghi nhận được các tác dụng phụ của BPP với xương nên đã cho dùng rộng rãi BPP, cho dùng kéo kéo dài 5-7 năm. Các nghiên cứu về cơ chế hoạt động, về tác dụng phụ của thuốc sau này đã làm thay đổi quan niệm và cách dùng trên.
Về cơ chế: BPP làm giảm sự tập trung hoạt động của các tế bào hủy xương đồng thời ức chế sự hủy xương do đó làm giảm quá trình hủy xương. Về tác dụng phụ: Trước đây người ta chỉ biết một tác dụng phụ duy nhất là làm trợt thực quản. Từ sau năm 2000 mới phát hiện ra nhiều tác dụng phụ khác như: Làm tăng nguy cơ gãy xương đùi, gây hủy xương hàm, gây đau xương khớp.
Ngoài ba tác dụng phụ trên, BPP còn gây nhiều tác dụng phụ khác nên từ năm 2006 các nước Mỹ, châu Âu hướng dẫn dùng BPP khác trước và hướng dẫn này đã được thống nhất khẳng định trong hội nghị chất khoáng và xương (Mỹ - 2011) bao gồm các điểm chính sau đây: Chỉ khi chắc chắn có sự tăng quá trình hủy xương mới dùng BPP và chỉ dùng từng đợt ngắn 6 tháng, xen kẽ giữa các đợt nghỉ BPP có thể dùng các thuốc thay thế khác. Khi dùng để điều trị loãng xương, cần ưu tiên dùng dạng thuốc uống vì tiện, an toàn hơn dạng thuốc tiêm. Không dùng BBP khi đang có triệu chứng đau, khó vận động vì 75% người dùng BPP bị đau.
Khi dùng BPP cần chú ý, kiểm tra trước và định kỳ hàm lượng canxi máu. Điều trị hạ canxi máu (nếu có) trước khi dùng, cần dùng phối hợp với vitamin D (vì BPP làm giảm sự canxi hóa trong xương, gây ra hiệu ứng ngược, giảm độ chắc của xương, ngoài ra có thể làm hạ canxi máu).
Thuốc chứa canxi, thuốc chống acid làm giảm hấp thu BPP vì vậy phải uống BBP cách các thuốc này ít nhất 1 giờ. Trong khi dùng BPP cần tránh việc nhổ răng, các phẫu thuật liên qua đến xương hàm, nếu cần thiết phải làm việc này thì phải nghỉ dùng BPP.
Về dùng canxi
Nghiên cứu WHI (Women’s Health Intitative ) tại Mỹ trên 36.000 người mãn kinh (50-70 tuổi) cho thấy, dùng mỗi ngày 1.000mg canxi và 400IU vitamin D có thể làm tăng mật độ chất khoáng xương chút ít so với nhóm chứng, nhưng không giảm được nguy cơ gãy xương.
Các nhà nghiên cứu Australia phân tích lại các nghiên cứu WHI thống nhất với kết luận này đồng thời phát hiện thấy việc dùng canxi làm tăng 31% nguy cơ nhồi máu cơ tim (số liệu từ 5 nghiên cứu trên 8.000 người); tăng 27% nhồi máu cơ tim (số liệu từ 11 nghiên cứu trên 12.000 người). Theo đó, Hội nghi chất khoáng xương (Mỹ - 2011) đưa ra kết luận: “Dùng canxi trong điều trị loãng xương không có lợi ích mà còn nguy hại, không nên dùng canxi trong điều trị loãng xương, đặc biệt là loãng xương do tuổi già”.
Ở nữ, estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo xương. Vào tuổi mãn kinh, estrogen giảm đột ngột làm cho quá trình kiến tạo xương giảm. Do vậy, nữ ở tuổi mãn kinh có tỷ lệ loãng xương cao hơn ở nam vào tuổi mãn dục. Như vậy, muốn đề phòng loãng xương phải cung cấp canxi và vitamin D ngay từ trẻ, đặc biệt với nữ phải chú ý làm việc này trong thời kỳ mang thai và cho con bú chứ không phải đợi đến già bị loãng xương mới tính đến.
Người già cần đủ canxi theo nhu cầu sinh lý bình thường (để khỏi mắc các bệnh khác). Canxi trong thức ăn khá đủ, sự thiếu canxi ở người già là do thiếu vitamin D và hoạt động không tốt của tuyến cận giáp. Chỉ thiếu canxi do nguồn cung thì mới dùng thuốc chứa canxi vitamin D nhưng không dùng loại hàm lượng cao, khi bổ sung đủ thì ngừng chứ không dùng liên tục (để tránh thừa canxi, gây hại).
Không nắm thông tin này, nhiều người loãng xương dùng canxi và biphosphonat thường xuyên là không có lợi.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!