Tin tức
Phác đồ điều trị viêm tụy cấp bao gồm những bước nào?
- 01/02/2024 | Đừng nhầm lẫn ung thư tuyến tụy với bệnh tiêu hóa thông thường
- 15/08/2024 | Chủ quan quá chén với rượu bia, người đàn ông ám ảnh vì căn bệnh viêm tụy cấp “đeo bám”
- 14/11/2024 | Phát hiện khối bất thường vùng bụng, đi khám được chẩn đoán mắc u tụy hiếm gặp
- 14/11/2024 | Uống gì để phục hồi tuyến tụy bị viêm và gợi ý các loại thực phẩm phù hợp
- 02/01/2025 | Cảnh báo triệu chứng ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu
1. Viêm tụy cấp là bệnh gì?
Một trong những chức năng chính của tuyến tụy là giải phóng enzyme tới ruột non, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Thế nhưng, bởi tác nhân nào đó, tế bào nang lại nhạy cảm một cách bất thường khiến enzyme bị kích hoạt sớm hơn trong khu vực ống tụy. Khi đó, men tụy cũng bắt đầu phá hủy mô, dẫn tới viêm tụy cấp.
Người bị viêm tụy cấp cần được can thiệp y tế kịp thời
Viêm tụy cấp diễn biến một cách bất ngờ, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần được can thiệp y tế kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý
2.1. Nguyên nhân
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể như:
- Thói quen lạm dụng rượu, bia được cho là nguyên nhân phổ biến, chiếm khoảng 30% trong số các nguyên nhân gây viêm tuỵ cấp. Khoảng 10% bệnh nhân nghiện rượu mạn tính bị viêm tuỵ cấp (theo tài liệu Bệnh học nội khoa Đại học Y Hà Nội, nhà xuất bản Y học 2020).
- Ống mật hay ống tụy tắc nghẽn do những yếu tố như sỏi, dị vật, sự phát triển của ký sinh trùng, khối u.
- Nồng độ Triglyceride tăng cao là một nguyên nhân viêm tuỵ cấp. Cơ chế gây viêm là do quá trình thuỷ phân triglyceride tạo ra các acid béo tự do gây tổn thương các tế bào tuỵ và mạch máu của nó.
- Người từng phẫu thuật khu vực xung quanh tuyến tụy hoặc bị chấn thương dễ bị viêm tụy cấp hơn người bình thường.
- Rối loạn chuyển hóa, tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm độc.
Sử dụng rượu, bia có thể làm nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp
2.2. Triệu chứng
Triệu chứng hay xuất hiện ở người bị viêm tụy cấp là:
- Cơn đau dữ dội xuất hiện tại vùng thượng vị, cơn đau có xu hướng nghiêm trọng khi cơ thể hấp thụ thực phẩm giàu dưỡng chất.
- Cảm thấy buồn nôn, nôn ói, thường xuất hiện cùng triệu chứng đau bụng.
- Chướng bụng, khó đi đại tiện, nhu động ruột yếu dần.
- Nhịp tim tăng.
- Có thể lên cơn sốt.
- Không còn tỉnh táo, rối loạn ý thức.
Đau dữ dội tại vùng thượng vị là triệu chứng đặc trưng ở người bị viêm tụy cấp
3. Cách thức chẩn đoán viêm tụy cấp
3.1. Chẩn đoán xác định
Những chẩn đoán xác định có thể được bác sĩ thực hiện khi nghi ngờ bệnh nhân viêm tụy cấp thường là:
- Khám lâm sàng, kiểm tra triệu chứng ở người bị đau tại vùng thượng vị lan tỏa ra khu vực sau lưng kèm dấu hiệu nôn ói.
- Chỉ định kiểm tra định lượng men tụy như amylase, lipase.
- Chỉ định siêu âm, chụp CT có thể thấy dấu hiệu của tình trạng viêm tụy cấp như tụy bị phù nề, sưng, áp xe tụy, mô tụy bị hoại tử,... có thể thấy dịch tích tụ ở màng bụng, quanh tuỵ, màng phổi.
Ngoài ra, chẩn đoán loại trừ những nguyên nhân khác gây ra cơn đau bụng cấp cũng có thể được thực hiện trong quá trình chẩn đoán viêm tụy cấp lâm sàng.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý cần phân biệt với viêm tuỵ cấp thường là:
- Chẩn đoán thủng tạng rỗng: Điều tra tiền sử bệnh lý về viêm loét, sốt thương hàn. Ngoài ra, chụp X-quang sẽ hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hiệu quả hơn.
- Chẩn đoán nhồi máu treo mạc: Dấu hiệu đặc trưng là cơn đau quanh rốn xuất hiện một cách bất ngờ, ban đầu có thể bị nôn ói, đôi khi người bệnh sẽ đi đại tiện ra máu.
- Chẩn đoán tắc ruột cấp: Chất nôn có mùi hôi giống phân, xuất hiện triệu chứng như rắn bò, chụp X-quang vùng bụng phát hiện nhiều mức nước hơi.
- Chẩn đoán viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật: Bệnh nhân từng bị sỏi mật; các triệu chứng xuất hiện là đau quặn mật, giun xâm nhập vào đường mật, đau lan tới vai phải. Đồng thời, siêu âm vùng bụng phát hiện bất thường tại vùng túi mật và đường mật.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân nội khoa khác như người máu cơ tim, đau do loét dạ dày tá tràng cũng dễ bị nhầm lẫn với viêm tụy cấp. Chính vì vậy, quá trình chẩn đoán phân biệt cần thực hiện một cách cẩn trọng.
4. Nguyên tắc chung khi áp dụng phác đồ điều trị viêm tụy cấp
Sau đây là một vài nguyên tắc chung khi áp dụng phác đồ điều trị viêm tụy cấp:
- Điều trị kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa. Trong đó, điều trị nội khoa tập trung vào hồi sức, theo dõi mức độ tiến triển để chủ động can thiệp ngoại khoa kịp thời.
- Tạo điều kiện cho tuyến tụy nghỉ ngơi, hạn chế kích thích khả năng bài tiết thông qua một số loại thuốc, nuôi ăn.
- Điều trị nâng đỡ hỗ trợ toàn cơ thể.
- Điều trị biến chứng.
Phác đồ điều trị viêm tụy cấp áp dụng phụ thuộc theo diễn biến bệnh lý
5. Hướng điều trị cho người bị viêm tụy cấp
5.1. Điều trị nội khoa
Mục tiêu của điều trị nội khoa là giảm đau, hạn chế bài tiết dịch tụy, phòng ngừa và chống tình trạng sốc. Đồng thời, kết hợp chế độ dinh dưỡng, điều trị bội nhiễm bằng kháng sinh, kết hợp biện pháp điều trị khác nếu cần thiết. Cụ thể:
- Giảm đau: Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau, giảm triệu chứng co thắt thông qua tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Hạn chế tiết dịch tụy: Dịch dạ dày cần được hút liên tục. Lúc này, thuốc chống tiết dịch vị, ức chế bơm proton tĩnh mạch cũng sẽ giúp giảm lượng dịch tụy tiết ra.
- Dinh dưỡng: Trong khoảng 1 đến 2 ngày đầu, dinh dưỡng có thể truyền qua tĩnh mạch, rồi dần dần chuyển sang đường ăn bằng miệng. Khi bắt đầu ăn bằng đường miệng, thức ăn cần bổ sung theo thứ tự là nước đường đến cháo đường đến cơm mềm và tiếp đến cơm thông thường. Trong 1 đến 2 ngày đầu nhập viện, bệnh nhân cần phải kiêng sữa, thực phẩm chứa chất béo.
- Phòng và điều trị chống sốc: Phối hợp truyền dịch, biện pháp điều chỉnh rối loạn điện giải, điều trị chống sốc theo nguyên nhân, bù dịch vận mạch trong trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiễm độc nặng.
- Những điều trị cần thiết khác: Điều trị giảm ảnh hưởng của những biến chứng như suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm trùng,... thẩm phân phúc mạc trong trường hợp cần thiết để giảm tối đa nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Trong 1 đến 2 ngày đầu, dinh dưỡng thường được truyền qua đường tĩnh mạch
Trường hợp bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh.
5.2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc áp dụng khi:
- Bệnh nhân xuất hiện biến chứng ngoại khoa như hình thành ổ dịch với hoại tử, tụy bị áp xe, xuất huyết,...
- Bệnh nhân mắc bệnh lý về đường mật cần điều trị ngoại khoa để giải phóng, dẫn lưu đường mật.
- Đã áp dụng biện pháp điều trị nội khoa nhưng thất bại, không giúp cải thiện tình trạng bệnh lý.
Lưu ý, thông tin về chẩn đoán và hướng điều trị trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo.
Viêm tụy cấp là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu các biện pháp can thiệp y tế không triển khai kịp thời. MEDLATEC vừa giới thiệu nguyên tắc chung khi áp dụng phác đồ điều trị viêm tụy cấp. Khi nhận thấy cơ thể biểu hiện dấu hiệu nghi ngờ bị viêm tụy cấp, bạn cần nhanh chóng nhờ người thân đi đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Nếu cần đặt lịch khám cũng như tư vấn thêm, Quý khách vui lòng liên hệ theo hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!