Các tin tức tại MEDlatec

Thay van hai lá: Khi nào cần thực hiện Chăm sóc bệnh nhân như thế nào

Ngày 10/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Phẫu thuật thay van hai lá là biện pháp rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ suy tim cho người bệnh. Vậy khi nào cần thực hiện phẫu thuật và cần lưu ý gì khi chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật?

1. Thay van hai lá trong những trường hợp nào?

Phẫu thuật thay van tim là phương pháp thường được chỉ định với những bệnh nhân bị hẹp van tim, hở van tim và các bệnh nhân đã dùng thuốc điều trị nhưng không nhận lại kết quả như mong muốn. 

Thông thường, những trường hợp tổn thương van tim đều gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến chức năng tuần hoàn của tim. Chính vì thế, việc thay van tim là rất cần thiết để giúp cải thiện những triệu chứng của bệnh, đồng thời phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm như suy tim, loạn nhịp tim, phòng ngừa nguy cơ tử vong cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. 

Phẫu thuật thay van tim cần được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên môn cao

Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ mô van tim đã bị tổn thương nghiêm trọng và thay thế vào đó là van tim nhân tạo. Trong đó, có nhiều loại van tim nhân tạo như van tim cơ học, van tim sinh học hay van tim tự thân. Các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về từng loại van tim cho người bệnh. Dựa vào các thông tin từ bác sĩ và nhu cầu của bản thân, người bệnh sẽ lựa chọn van tim thay thế phù hợp.

Van 2 lá nằm giữa các buồng tim bên trái và gồm tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Dưới đây là những trường hợp thường được chỉ định thay van hai lá:

- Người bệnh bị hẹp khít van hai lá dẫn tới tình trạng máu bị ứ đọng ở nhĩ trái. Đối với những bệnh nhân bị hẹp đơn thuần thì có thể áp dụng phương pháp nong van hai lá bằng bóng qua da. Tuy nhiên, trong trường hợp hẹp hai lá khít và hở van hai lá hay van quá dày, bị vôi hóa thì cần thay van

- Hở van hai lá: Tùy theo mức độ tổn thương van cùng với hệ thống dây chằng, cột cơ. Bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định cụ thể. Trong những trường hợp người bệnh bị hở van hai lá và kèm theo nhiều biểu hiện nghiêm trọng và kết quả siêu âm tim cho thấy phân suất tống máu tim thấp hơn 60%, bác sĩ sẽ có thể chỉ định phương pháp thay van hai lá.

Sau phẫu thuật thay van tim, đa số bệnh nhân đều có chuyển biến sức khỏe khá tốt. Tùy thuộc và thể trạng sức khỏe và một số yếu tố khác mà khả năng phục hồi ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Đa số bệnh nhân có thể phục hồi sức khỏe sau khoảng vài tuần và có thể thực hiện các công việc đơn giản, nhẹ nhàng sau 6 đến 8 tuần. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân cũng mất nhiều thời gian hơn mới có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn. 

Có hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh những phẫu thuật thay van hai lá cũng luôn tiềm ẩn một số nguy cơ rủi ro như chảy nhiều máu, hình thành cục máu đông, các van thay thế hoạt động không hiệu quả, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng và nghiêm trọng hơn là đột quỵ, tử vong,...

2. Quá trình thay van hai lá

Đây là loại phẫu thuật phức tạp và cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch. Dưới đây là quy trình phẫu thuật thay van hai lá: 

- - Bước 1. Khám trước mổ: Bệnh nhân sẽ được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để bác sĩ đánh giá toàn trạng xem bệnh nhân có phù hợp với phương pháp này không.

- Bước 2. Tiền phẫu: Bệnh nhân được giải thích, viết cam kết và chuẩn bị tiền mê.

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cho người bệnh

- Bước 3. Phẫu thuật: Bệnh nhân được phẫu thuật thay van bằng phương pháp phù hợp.

- Bước 4. Hậu phẫu: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa về phòng theo dõi, chăm sóc sau mổ.

3. Chăm sóc sau phẫu thuật thay van hai lá

Sau khi ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công, bệnh nhân sẽ cần được chăm sóc tại phòng hậu phẫu đặc biệt ít nhất 1 ngày hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân cụ thể. 

Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chăm sóc và hướng dẫn một số cách để sớm cải thiện sức khỏe, như thực hiện các bài tập thở, đi bộ nhiều hơn, tăng dần cường độ vận động,... Đặc biệt, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ, liều lượng thuốc cần dùng, làm sao để kiểm soát cơn đau và nhận biết sớm những vấn đề bất thường để kịp thời liên hệ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh từng bước để quay trở lại với công việc thường ngày một cách an toàn. 

Những trường hợp thay thế bằng van cơ học cần dùng thuốc loãng máu vĩnh viễn để phòng ngừa việc hình thành những cục máu đông. Những trường hợp dùng van mô sinh học để thay thế có nguy cơ bị thoái hóa van tim sau một thời gian sử dụng do đó cần cần được thay thế.

Người bệnh đã được thay van tim thì cần lưu ý về vấn đề khám sức khỏe định kỳ để bảo đảm van tim được thay thế đang hoạt động thuận lợi. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tim, hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật tim. Đây cũng chính là cơ hội để người bệnh được cung cấp những kiến thức hữu ích để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần duy trì lối sống lành mạch trước và sau khi thay van hai lá. Cụ thể là: 

- Không hút thuốc thuốc lá

- Tập thể dục hàng ngày với cường độ phù hợp.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.

- Kiểm soát căng thẳng hiệu quả. 

MEDLATEC là địa chỉ khám tim mạch uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng và lựa chọn

Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp phẫu thuật thay van hai lá, đặc biệt là các trường hợp cần thực hiện cùng với một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh. Để được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe tim mạch, quý khách có thể liên hệ đến Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.