Các tin tức tại MEDlatec
Thuốc bổ gan có tốt không? Khi sử dụng cần lưu ý điều gì?
- 22/07/2022 | Cảnh báo 6 dấu hiệu gan nhiễm độc cần đi khám ngay
- 19/12/2021 | Trước khi dùng thuốc bổ gan bạn nên biết những điều này
- 04/10/2021 | Bỏ túi những điều cần biết trước khi dùng thuốc bổ gan
1. Thuốc bổ gan là gì?
Gan được coi là cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Không những lớn về kích thước mà còn lớn về vai trò mà nó đảm nhận. Gan có nhiệm vụ là một máy lọc chủ chốt giúp đào thải độc tố, chuyển hóa các chất dinh dưỡng và thuốc, tổng hợp các chất tham gia quá trình đông máu. Ngoài ra còn cung cấp một lượng protein đáng kể phục vụ cho các hoạt động sống.
Theo như khẳng định của các nhãn hàng thì các thuốc bổ gan có công dụng hỗ trợ giải độc và tái tạo chức năng gan. Mục tiêu chính của những thuốc này là loại bỏ chất béo, giảm nồng độ cồn, đường và những chất độc khác để giảm tải áp lực cho gan.
Hiện nay thuốc bổ gan được quảng cáo và rao bán rất nhiều trên thị trường
Một số thành phần tự nhiên tiêu biểu mà phần lớn các nhà sản xuất sẽ thêm vào sản phẩm thuốc bổ gan của mình đó là:
-
Lá atiso: đặc tính của lá atiso là có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ chức năng gan nhờ các hoạt chất như cynarin, silymarin, rutin, quercetin và anthocyanin;
-
Chiết xuất cây kế sữa: đây là loài thảo dược được sử dụng phổ biến trong các thuốc bổ gan với hoạt chất chính là silymarin. Hoạt chất này có tác dụng giảm viêm, tái tạo mô gan và bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương tương tự như một chất chống oxy hóa. Tuy nhiên bệnh nhân tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì có thể gây giảm lượng đường trong máu. Nhìn chung vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu về công dụng thực sự của loài thảo mộc này;
-
Rễ cây bồ công anh: là một nguyên liệu quen thuộc trong các bài thuốc dân gian, rễ cây bồ công anh được sử dụng để duy trì sự điều tiết dịch mật, hỗ trợ giải độc gan. Ngoài ra trong rễ cây bồ công anh còn chứa rất nhiều vitamin C giúp giảm sưng đau, kích thích khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể.
2. Hướng dẫn uống thuốc bổ gan đúng cách
Nên nhớ rằng các loại thuốc bổ gan chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nên không thể thay thế thuốc đặc trị. Bệnh nhân nên sử dụng thuốc bổ gan vào thời điểm sau khi đã cải thiện được tình trạng bệnh lý tại gan và tình hình sức khỏe nhìn chung đã tương đối ổn định. Khi đã khỏi bệnh thì nên ngừng sử dụng thuốc.
Không thể thay thế các thuốc đặc trị bằng các thuốc bổ gan
Dưới đây là hướng dẫn dùng thuốc bổ gan đúng cách người bệnh nên áp dụng ngay:
-
Tuân thủ đúng liệu trình: thuốc bổ gan đòi hỏi cần phải kiên nhẫn thì mới có hiệu quả sử dụng (thường là sau 1 tháng) và một liệu trình kéo dài trung bình 3 tháng tùy loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh;
-
Uống thuốc đúng liều lượng: đa số các thuốc bổ gan sẽ chứa những thành phần chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên. Tuy nhiên người bệnh không nên vì thế mà lạm dụng, dùng thuốc quá liều. Nên dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý tăng giảm liều lượng mà chưa tham khảo ý kiến người có chuyên môn y khoa;
-
Uống đúng thời gian: nên dùng thuốc trước bữa ăn 30 phút vì đây là thời điểm lý tưởng để thuốc hỗ trợ tăng tiết mật, đào thải độc tố cho gan giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Bên cạnh đó thuốc còn có tác dụng kích thích vị giác hoạt động tốt hơn, nhờ đó mà bệnh nhân sẽ ăn ngon miệng hơn.
3. Bí quyết để duy trì một lá gan khỏe mạnh
Bên cạnh việc dùng thuốc bổ gan và các thuốc đặc trị để chữa lành những tổn thương gan thì bệnh nhân cần áp dụng một số biện pháp sau để bảo vệ lá gan của cơ thể:
-
Không nên uống nhiều bia rượu: khi rượu đi vào cơ thể, gan sẽ là nơi lọc bỏ và chuyển hóa các thành phần độc hại cơ trong rượu, trong đó phải kể đến acetaldehyde. Nếu độc tố trong rượu không được lọc bỏ hết thì sẽ gây hại cho cơ thể, làm tăng rủi ro mắc các bệnh lý về gan cùng những bệnh mạn tính khác;
-
Hạn chế hấp thụ chất béo bão hòa: khi thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa sẽ làm gia tăng nồng độ cholesterol và triglycerides trong máu, khiến chất béo ứ đọng xung quanh gan, dẫn tới bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease, viết tắt là NAFLD) và gan bị tổn thương lâu dài;
-
Không lạm dụng việc dùng thuốc khi không thực sự cần thiết: gan chính là “nhà máy sàng lọc hóa chất" của cơ thể nên khi bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào thì thành phần của thuốc sẽ do gan chuyển hóa. Nếu người bệnh lạm dụng hay uống quá nhiều các thuốc dạng hít hay thuốc steroid thì sẽ khiến gan bị tổn thương vĩnh viễn;
-
Hạn chế nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại: một số sản phẩm như thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa công nghiệp, khói thuốc lá cũng gây hại cho gan;
-
Không uống rượu kết hợp với thuốc: như đã đề cập, các loại thuốc thường không có lợi cho lá gan của người bệnh, nhất lại là khi bệnh nhân dùng chung với rượu thì sẽ càng nhân đôi gánh nặng áp lực cho gan. Do đó người bệnh cần tránh xa bia rượu, đồ uống có cồn khi đang phải điều trị bệnh bằng thuốc;
-
Kiểm tra sức khỏe gan định kỳ: phần lớn bệnh gan ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Do đó mỗi người chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện bệnh ngay từ sớm, qua đó áp dụng các biện pháp điều trị sao cho phù hợp. Hoặc nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ liên quan đến bệnh gan thì hãy đi khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì người bệnh cũng nên xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, ít chất béo
Nhìn chung, tính đến nay các thuốc bổ gan đa số đều chứa một số loại thảo dược có công dụng chống viêm, ngăn ngừa tác động của những tổn thương ở gan khi tiếp xúc với chất độc. Tuy nhiên nếu không được sử dụng đúng cách thì các thuốc bổ gan cũng có thể gây nên những hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe người bệnh. Chính vì thế trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ thì bệnh nhân cũng cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!