Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc Cyclosporine là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm định lượng Cyclosporine

Ngày 20/06/2022
Cyclosporine là một loại chất có khả năng ức chế miễn dịch khá mạnh nên thường được dùng trong các trường hợp ngăn cản sự đào thải của hệ miễn dịch đối với cơ quan được cấy ghép vào cơ thể người bệnh. Xét nghiệm Cyclosporine là để đo lường hàm lượng Cyclosporine trong cơ thể, từ đó giúp điều chỉnh lượng thuốc hợp lý, tránh gây ra biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc. 

1. Tìm hiểu về thuốc Cyclosporine

Cyclosporine nằm trong nhóm các thuốc ức chế miễn dịch, làm chậm quá trình phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch trước tác nhân lạ được đưa vào cơ thể như cấy ghép nội tạng, tránh tình trạng phá hủy các khớp (trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp) và hạn chế rủi ro làm tổn thương da (người bị bệnh vảy nến).

Nhìn chung, Cyclosporine được chỉ định đối với những trường hợp như sau:

  • Dự phòng phản ứng đào thải của cơ thể khi cấy ghép các cơ quan ví dụ như gan, tim, thận, phổi, tuyến tụy, giác mạc, thậm chí là cấy ghép tủy xương,...;

  • Điều trị các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch (bệnh Crohn);

  • Hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi không đáp ứng với methotrexate và đã xuất hiện biến chứng. Thay vì dùng đơn độc methotrexate thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kết hợp với Cyclosporine;

  • Điều trị khắc phục biến chứng nghiêm trọng của bệnh vảy nến, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn các mảng vảy nến lan rộng gây tàn tật và dùng methotrexate không hiệu quả, hay bệnh nhân không dung nạp được biện pháp điều trị khác;

  • Điều trị hội chứng thận hư.

Cyclosporine được chỉ định dùng dự phòng đối với trường hợp bệnh nhân ghép gan

Những trường hợp sau được khuyến cáo là không nên sử dụng liệu pháp Cyclosporine:

  • Quá mẫn hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc;

  • Thiếu máu hoặc chảy máu;

  • Bệnh nhân mắc bệnh não hoặc bị hạ magnesium trong máu (Hypomagnesemia) tăng nguy cơ dẫn đến bệnh não;

  • Cholesterol trong máu thấp (Hypocholesterolemia);

  • Bệnh nhân bị vảy nến hoặc viêm khớp dạng thấp nhưng kèm theo các triệu chứng như tăng huyết áp không kiểm soát, suy giảm chức năng thận, hay mắc phải các bệnh lý ác tính khác như: bệnh gan, bệnh thận, ung thư, đã từng có tiền sử bị động kinh, phù gai thị (có vấn đề về mắt, khả năng nhìn bị hạn chế),...;

  • Huyết áp cao;

  • Tăng kali trong máu;

  • Axit uric trong máu tăng cao;

  • Giảm tiểu cầu: Cyclosporine có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn;

  • Nhiễm trùng.

2. Khi sử dụng Cyclosporine cần lưu ý những gì?

Cyclosporine chỉ được sử dụng theo chỉ định và dưới hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm về liệu pháp giảm miễn dịch. Trong quá trình điều trị, ngay từ khi bắt đầu đến khi cần phải thay đổi liệu pháp điều trị bằng Cyclosporine thì đều phải được tiến hành tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ các loại phương tiện xét nghiệm và hồi sức cấp cứu.

Sử dụng Cyclosporine cần phải cẩn trọng, nhất là khi Cyclosporine mà kết hợp điều trị cùng với thuốc khác thì lại càng phải tính toán kỹ lưỡng hơn. Cyclosporine có thể được chỉ định dùng đồng thời với corticosteroid, tuy nhiên Cyclosporine không nên được sử dụng kèm theo các loại thuốc giảm miễn dịch khác vì có thể gây biến chứng u lympho và nhiễm khuẩn.

Cyclosporine khi dùng kết hợp với thuốc khác cần có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa

Nếu bệnh nhân không dung nạp được Cyclosporine theo đường uống thì có thể dùng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch. Việc truyền thuốc cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ và chuẩn bị sẵn các biện pháp hỗ trợ hô hấp, cấp cứu hồi sức, loại thuốc cần thiết để phòng ngừa nguy cơ sốc phản vệ.

Vì Cyclosporine ức chế khả năng phản ứng của hệ miễn dịch với các tác nhân bên ngoài nên khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh nhiễm trùng do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, nấm, vi sinh vật gây bệnh và bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, bệnh nhân điều trị bằng Cyclosporine còn có thể bị ung thư, u ác tính và mắc các bệnh về da. Vì thế, người bệnh không nên tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng chứa nhiều tia cực tím.

Đối với phụ nữ có thai, hiện chưa kiểm chứng được ảnh hưởng của Cyclosporine đối với thai nhi. Cyclosporine được khuyến cáo dùng cho các mẹ bầu chỉ khi nào lợi ích dùng thuốc vượt trội hơn nguy cơ bệnh tác động đến thai kỳ.

Cyclosporine có thể truyền qua sữa mẹ và gây ra các tác dụng không mong muốn cho trẻ nhỏ. Do đó phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ nên ngừng cho con bú nếu cần sử dụng Cyclosporine.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cyclosporine

Khi sử dụng Cyclosporine nếu gặp phải những phản ứng nghiêm trọng sau hãy gọi ngay cho bác sĩ:

  • Sốt, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, đổ nhiều mồ hôi, xuất hiện các triệu chứng giống cúm, miệng và họng lở loét, sụt cân;

  • Tim đập nhanh, khó thở, mất tập trung;

  • Trạng thái tinh thần thay đổi, gặp vấn đề trong lời nói và khả năng đi lại, thị lực suy giảm. Các biểu hiện này diễn ra từ từ và nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn;

  • Da dẻ nhợt nhạt, chán ăn, dễ xuất hiện bầm tím hoặc chảy máu;

  • Cảm giác đau 2 bên hông hoặc vùng lưng dưới;

  • Đau rát khi đi tiểu, nước tiểu sậm màu thậm chí là bị lẫn máu, tiểu ít hoặc bí tiểu;

  • Tăng cân nhanh;

  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy ra máu;

  • Đau bụng trên, phân màu đất sét;

  • Da vàng, có cảm giác sưng tấy, nóng đỏ, ngứa;

  • Co giật (động kinh);

  • Tim đập chậm, mạch yếu, cảm giác tê tê, suy nhược cơ bắp (biểu hiện của kali tăng cao);

  • Huyết áp cao (mờ mắt, lo lắng, nhức đầu, ù tai, khó thở, đau ngực, tim đập không đều).

Trong trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng dị ứng như khó thở, phát ban, sưng mặt, lưỡi, môi hoặc họng,... thì ngay lập tức di chuyển đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được cấp cứu sớm.

4. Xét nghiệm Cyclosporine có ý nghĩa gì?

Như chúng ta đã biết, Cyclosporine có thể gây nên các tác dụng phụ nguy hiểm như ngộ độc (thận và hệ thần kinh), kèm theo những phản ứng khác như buồn nôn, rùng mình, bệnh nhiều lông tóc, tiêu chảy, cao huyết áp,... Do vậy, xét nghiệm Cyclosporine sẽ giúp đo lường nồng độ Cyclosporine trong cơ thể, căn cứ vào chỉ số đó để điều chỉnh liều lượng của thuốc một cách hợp lý, tránh việc dùng không đủ liều hoặc quá liều chẳng những không đem lại hiệu quả điều trị cao mà còn gia tăng nguy cơ biến chứng do tác dụng phụ.

Cụ thể, nếu biết được nồng độ Cyclosporine trong máu hoặc huyết tương đang là bao nhiêu, trong trường hợp hàm lượng thuốc đang quá cao thì cần phải điều chỉnh ngay để tránh bị ngộ độc. Ngược lại nếu nồng độ thuốc quá thấp cũng cần xem lại liều lượng vì có thể xảy ra hiện tượng đào thải.

Xét nghiệm theo dõi định lượng Cyclosporine trong máu đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân trải qua phẫu thuật ghép gan đồng loại, bởi vì sự hấp thu thuốc ở những bệnh nhân này không được ổn định, hay thay đổi thất thường.

Nếu bạn còn đang băn khoăn không biết nên thực hiện xét nghiệm Cyclosporine ở đâu uy tín, nhanh chóng, chất lượng mà chi phí hợp lý thì hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bệnh viện MEDLATEC có đủ năng lực để xét nghiệm Cyclosporine bằng hệ thống máy móc đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP

MEDLATEC là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, chuyên môn giỏi, tay nghề cao. Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại có thể thực hiện được các xét nghiệm và chẩn đoán đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC đã được công nhận đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP, cho thấy năng lực và chất lượng xét nghiệm hàng đầu được nhiều khách hàng tin tưởng chọn lựa.

Quý khách hàng hãy liên hệ ngay tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của MEDLATEC ngay hôm nay.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.