Các tin tức tại MEDlatec

Tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây không? Sự thật bạn cần biết

Ngày 29/06/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Dù vậy, vẫn có không ít người thắc mắc “tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây không”. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về cơ chế hoạt động của vắc xin, những trường hợp có thể vẫn bị lây và cách kiểm tra hiệu quả.

1. Cơ chế hoạt động của vắc xin viêm gan B 

Như đã đề cập trước đó, tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Về cơ chế hoạt động, vắc xin viêm gan B kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus viêm gan B (HBV). Theo đó, sau khi tiêm đủ mũi tiêm theo phác đồ, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ và sản sinh ra anti-HBs, loại kháng thể giúp ngăn virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. 

Thực tế, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sau khi tiêm đủ mũi có thể lên đến 95% ở người khoẻ mạnh. Miễn dịch sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 - 20 năm, hoặc thậm chí là cả đời ở một số trường hợp điển hình. 

Vắc xin viêm gan B kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus HBV

2. Tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây không? 

Tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây không? Câu trả lời là có thể, tuy nhiên khả năng bị lây là rất thấp. 

Trường hợp bạn đã tiêm đủ số mũi vắc xin, đúng thời điểm và cơ thể đáp ứng miễn dịch tốt, thì nguy cơ nhiễm viêm gan B gần như là không. Tuy nhiên, ở một số ít người sau khi tiêm vắc xin, cơ thể không sinh đủ kháng thể bảo vệ, dẫn đến nguy cơ bị bệnh khi phơi nhiễm. Khi ấy, có thể nhiễm virus viêm gan B nếu tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm bệnh. 

Bên cạnh đó,lượng anti-HBs của cơ thể có thể giảm dần theo thời gian, nhất là sau 15 - 20 năm, hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như người già yếu, người bị suy giảm miễn dịch…. Khi ấy, nếu tiếp xúc với virus viêm gan B, nguy cơ bị lây nhiễm vẫn có thể xảy ra dù trước đó đã tiêm vắc xin. 

Vì vậy, để phòng tránh lây nhiễm, bên cạnh việc tiêm phòng, bạn vẫn nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác, như: tránh dùng chung đồ cá nhân (dao cạo râu, bàn chải đánh răng ..) với người nhiễm bệnh, quan hệ tình dục an toàn,…

3. Những trường hợp vẫn có nguy cơ bị lây dù đã tiêm phòng

Dù đã tiêm vắc xin, nhưng một số người vẫn có thể bị lây nhiễm viêm gan B. Cụ thể trong các trường hợp sau: 

  • Lượng kháng thể (anti-HBs) thấp: Ở một số người, dù đã tiêm đủ liều vắc xin, nhưng cơ thể không tạo đủ kháng thể bảo vệ. Khi đó, vắc xin không phát huy được hiệu quả như mong muốn, và người tiêm vẫn có thể bị lây nhiễm nếu tiếp xúc với virus.
  • Kháng thể suy giảm theo thời gian: Lượng anti-HBs có thể suy giảm sau nhiều năm, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có miễn dịch hoạt động kém.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Người đang điều trị ung thư, HIV/AIDS, hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch,… có thể không tạo kháng thể đầy đủ sau tiêm vắc xin. 
  • Không hoàn thành đủ mũi tiêm: Một số người chỉ tiêm 1 - 2 mũi thay vì đủ 3 mũi, khiến cơ thể không hình thành kháng thể hiệu quả. Do đó, làm giảm hiệu quả bảo vệ và tăng nguy cơ lây nhiễm dù đã tiêm phòng. 
  • Tiếp xúc với lượng virus lớn: Trong một số tình huống đặc biệt, nếu tiếp xúc với lượng virus lớn và liên tục, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm do cơ thể không đủ kháng thể bảo vệ. 
  • Không tiêm nhắc lại khi cần: Nhân viên y tế và người thường xuyên tiếp xúc với máu, cần kiểm tra kháng thể định kỳ và tiêm nhắc lại khi cần thiết để làm giảm nguy cơ lây nhiễm. 

Người có hệ miễn dịch suy giảm có thể không đáp ứng tốt vắc xin, làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh dù đã tiêm phòng

4. Cách kiểm tra hiệu quả tiêm phòng viêm gan B

Tiêm phòng là bước quan trọng giúp phòng ngừa lây nhiễm virus HBV. Tuy nhiên, để biết cơ thể có sinh đủ kháng thể bảo vệ hay chưa sau khi tiêm, bạn cần thực hiện xét nghiệm HBsAb định lượng để đánh giá hiệu quả tiêm phòng. Về ý nghĩa chỉ số, cụ thể: 

  • HBsAb < 10 IU/L: Xem như chưa có kháng thể, nếu gặp virus viêm gan B thì vẫn có nguy cơ cao nhiễm bệnh, cần tiêm vắc xin đủ theo phác đồ.
  • HBsAb < 100 IU/L: Có kháng thể bảo vệ nhưng cần tiêm 01 liều vắc xin bổ sung.
  • HBsAb 100 - 1000 IU/L: Đã có kháng thể, không cần tiêm vắc xin.
  • HBsAb > 1000 IU/L: Kháng thể bền vững, không cần tiêm vắc xin.

Các đối tượng nên thực hiện xét nghiệm anti-HBs bao gồm: 

  • Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm virus HBV: Cần kiểm tra anti-HBs và HBsAg khi trẻ đủ từ 9 - 12 tháng tuổi để xác định hiệu quả phòng lây từ mẹ, bảo đảm việc không lây nhiễm, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. 
  • Người lớn đã tiêm phòng từ lâu: Những người đã tiêm phòng nhiều năm cần kiểm tra lại kháng thể, để chắc chắn nó vẫn tồn tại và hoạt động tốt, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh. 
  • Người có bệnh nền làm suy giảm hệ miễn dịch: Những người bị ung thư, HIV, tiểu đường,… có khả năng tạo kháng thể thấp hơn so với người khoẻ mạnh. Vì vậy, việc kiểm tra kháng thể là cần thiết để xác định chính xác mức độ bảo vệ khỏi virus HBV và có biện pháp phòng bệnh phù hợp. 
  • Nhân viên y tế: Những người thường xuyên tiếp xúc với máu, dịch cơ thể cần làm xét nghiệm anti-HBs để kiểm tra lượng kháng thể trong cơ thể. 

Nên thực hiện xét nghiệm anti-HBs định kỳ để đánh giá hiệu quả của tiêm phòng

Như vậy, bài viết trên đây đã giúp giải đáp chi tiết băn khoăn “tiêm phòng viêm gan B rồi có lây không”. Việc tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp điển hình, bệnh vẫn có thể lây nhiễm ở những người đã tiêm phòng do các yếu tố ảnh hưởng khác nhau. Để tăng hiệu quả bảo vệ, bên cạnh việc tiêm vắc xin, bạn cần nâng cao cảnh giác và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.