Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu về Herpes miệng và con đường lây nhiễm của bệnh

Ngày 11/03/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Có hai chủng virus Herpes gây ra tình trạng mụn rộp trên da, trong đó chủng HSV-1 là loại thường gây ra Herpes miệng. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh và triệu chứng bệnh cũng nặng nề hơn, gây nhiều khó chịu hơn so với người lớn. Chăm sóc, điều trị tốt sẽ giúp cải thiện triệu chứng, đẩy lùi bệnh, ngừa tái phát hiệu quả.

1. Tổng quan về bệnh Herpes miệng

Đây là bệnh ngoài da do virus Herpes simplex chủng 1 gây ra nhiều mụn rộp có nước ở quanh môi, miệng. Ban đầu, virus chỉ gây ra các vết phồng rộp nhỏ, cảm giác rát đau nhẹ theo từng đám ở xung quanh miệng và môi. Ở giai đoạn tiến triển, vùng da bị bệnh có thể rộng hơn, lan đến cả má, cằm,…

Bệnh Herpes miệng gây ra mụn rộp đau đớn trên da

Quanh chỗ phỏng da do Herpes thường nổi sưng đỏ, gây đau nhức. Khi dịch mủ căng lên, da bị phỏng có thể vỡ ra, khiến dịch chảy ra ngoài. Dịch này có tồn tại virus Herpes gây bệnh nên có thể gây lây nhiễm cho người lành hoặc vùng da khác trên cơ thể. Sau khi mụn nước vỡ ra, vùng da tổn thương sẽ nhanh chóng đóng vảy và hồi phục hoàn toàn sau một vài ngày.

Ngoài triệu chứng chính là tình trạng nổi mụn rộp trên da này, người bệnh bị Herpes miệng còn có các dấu hiệu khác như:

  • Sốt kéo dài, thường gặp hơn ở trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch kém.

  • Đau rát miệng, ảnh hưởng đến việc ngủ nghỉ và ăn uống. Trẻ bị Herpes miệng còn có thể bỏ ăn, quấy khóc, không chịu bú.

  • Đau họng: Triệu chứng này không thường gặp, nguyên nhân do virus xâm nhập gây tổn thương niêm mạc họng.

  • Chảy nước dãi ở trẻ nhỏ.

  • Sưng hạch cổ, triệu chứng này sẽ xuất hiện khi Herpes virus gây bệnh xâm nhập gây bệnh ở hạch cổ.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị Herpes miệng

Khi bị nhiễm Herpes virus từ người bệnh, bạn có thể không ngay lập tức bị bệnh, virus có thể tồn tại và phát triển từ từ trong cơ thể. Khi gặp yếu tố thuận lợi như hệ miễn dịch kém, tiếp xúc với ánh nắng,… virus mới trở nên mạnh mẽ và gây tổn thương da, mụn rộp.

Người bệnh sẽ không thể điều trị hoàn toàn Herpes miệng mà virus sẽ luôn tồn tại trong cơ thể, gây tái phát nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại. Thông thường, bệnh tái phát sẽ có triệu chứng nghiêm trọng hơn lần trước, mụn rộp có thể xuất hiện ở nhiều nơi ngoài trong miệng.

2. Con đường gây lây nhiễm Herpes miệng

Herpes miệng do virus gây bệnh nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở những người thường xuyên tiếp xúc gần. Virus thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc vùng da xung quanh, bên trong miệng. Ở người bệnh, virus có trong vết phồng hoặc chất dịch ở mụn rộp và lây cho người lành nếu tiếp xúc.

Hai con đường lây nhiễm bệnh chính là:

2.1. Tiếp xúc trực tiếp

Nếu người bệnh Herpes miệng, nhất là giai đoạn bệnh khởi phát tiếp xúc trực tiếp với người lành khi hôn môi, quan hệ tình dục bằng miệng,… virus sẽ dễ dàng lây nhiễm.

Virus Herpes có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp

2.2. Tiếp xúc gián tiếp

Virus có thể có trong dụng cụ ăn uống, dụng cụ vệ sinh, dao cạo, mỹ phẩm, khẩu trang,… Vì thế nếu người lành sử dụng những vật dụng chứa virus Herpes này cũng có thể nhiễm bệnh.

Virus Herpes miệng có thể xâm nhập qua da ở nhiều bộ phận khác nhau không chỉ ở miệng, song thường chỉ gây mụn rộp ở miệng và cơ quan sinh dục. Dựa trên các con đường lây nhiễm này, người bệnh có thể chủ động tự hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho người lành trong thời gian bệnh khởi phát. Mỗi chúng ta cũng nên chú ý quan hệ tình dục an toàn, hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân thì có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả.

3. Chăm sóc trẻ khi bị Herpes miệng

Trẻ bị Herpes miệng thường có triệu chứng nặng hơn người lớn, vì thế cần chăm sóc và điều trị tích cực để bệnh tiến triển nhanh, trẻ phục hồi tốt hơn.

3.1. Điều trị bằng thuốc

Đa phần các trường hợp mắc bệnh sẽ tự phục hồi và biến mất sau một vài ngày khi hệ miễn dịch hoạt động chống lại tác nhân gây bệnh. Song để trẻ bớt triệu chứng khó chịu cũng như giảm thời gian mắc bệnh, bác sĩ có thể xem xét kê thuốc điều trị sau:

3.2. Thuốc mỡ, kem bôi cục bộ

Có thể dùng loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn với hoạt chất khác nhau làm dịu cảm giác đau, ngứa, khó chịu cho trẻ. Ngoài ra, dùng thuốc cũng rút ngắn thời gian mắc bệnh Herpes miệng ở trẻ.

Thuốc uống kháng virus dùng điều trị khi Herpes môi nặng

3.3. Thuốc uống kháng virus

Đây là loại thuốc uống chỉ bán theo đơn, vì thế trẻ chỉ uống theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc có tác dụng tốt khi bệnh mới xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như ngứa, nóng,… Khi mụn rộp do Herpes virus đã sưng to thì thuốc không còn nhiều tác dụng.

Nếu trẻ có hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể kéo dài với triệu chứng nặng nề hơn, vì thế cần khám để bác sĩ xem xét dùng thuốc liều cao điều trị. Nếu xuất hiện tình trạng bội nhiễm vi khuẩn khi mụn rộp Herpes nghiêm trọng, cần điều trị kết hợp với kháng sinh.

3.4. Điều trị bổ sung

Nhằm giảm bớt triệu chứng bệnh cho trẻ, không nhất thiết phải dùng thuốc điều trị, bạn có thể bổ sung cho trẻ các loại:

  • Vitamin C qua hoa quả hoặc thức uống.

  • Bổ sung Lysine.

  • Chanh bạc hà.

Các chất này hoạt động tốt giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi da do Herpes miệng gây ra. Chúng có ở nhiều dạng như thuốc uống, kem bôi, dạng lỏng,… Ngoài ra, có thể cho trẻ dùng kem bôi chứa kẽm oxit để giảm thời gian bị bệnh.

Trẻ bị Herpes miệng nên được chăm sóc tại nhà

3.5. Điều trị chăm sóc tại nhà

Trẻ có thể gặp khó khăn khi ăn uống, ngủ nghỉ do triệu chứng Herpes miệng gây ra. Đặc biệt nếu có sốt và bị nhiều mụn rộp Herpes lở loét trong miệng, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước và chất lỏng.

Ngoài ra, các biện pháp chăm sóc sau sẽ giúp giảm khó chịu do bệnh:

  • Chườm mát bằng khăn ướt hoặc nước đá.

  • Súc miệng bằng nước baking soda.

  • Dùng thuốc mỡ làm dịu và giảm đau.

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều acid.

3.6. Ngăn ngừa Herpes miệng tái phát và lây nhiễm

Môi trường học tập, sinh hoạt có thể khiến Herpes miệng ở trẻ lây nhiễm rất nhanh, để hạn chế tình trạng này nên:

  • Khử trùng vật dụng cá nhân, đồ chơi của trẻ.

  • Không để trẻ hôn nhau hoặc người lớn hôn trẻ khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh.

  • Nên để trẻ ở nhà khi bị Herpes miệng giai đoạn mụn nước vỡ hoặc rỉ dịch.

  • Dùng găng tay hoặc gạc bông để bôi thuốc cho trẻ, tránh tiếp xúc da trực tiếp.

Bệnh Herpes miệng sẽ được kiểm soát tốt nếu thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa trên. Cần cẩn thận nếu trẻ không đáp ứng điều trị, tình trạng nổi mụn rộp và các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, hãy đưa trẻ tới bác sĩ để thăm khám.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.