Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về phẫu thuật Hartmann và cách chăm sóc sau mổ
- 17/12/2021 | Chụp CT - Phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng không đau, chính xác
- 17/11/2021 | Góc hỏi đáp: nội soi đại trực tràng cần chuẩn bị gì?
- 04/10/2022 | 9 bệnh thường gặp ở đại trực tràng bạn nên biết
1. Phẫu thuật Hartmann là gì?
Phẫu thuật Hartmann là phương pháp cắt bỏ khối u và phần trực tràng, đại tràng bị tổn thương. Trong khi phẫu thuật, nếu thấy việc nối các đoạn ruột trong ổ bụng tiềm ẩn nhiều biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn, gây viêm phúc mạc,… thì bác sĩ sẽ tiến hành đóng kín đầu dưới của đại tràng và đưa đại tràng lên qua da, sau đó tạo hậu môn nhân tạo cho người bệnh.
Phẫu thuật Hartmann có thể được thực hiện bằng mổ nội soi hoặc mổ mở, thường thì mổ mở phổ biến hơn do đa số các bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật này đều nằm trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp.
Nhờ vào khả năng giảm tỷ lệ tử vong do phẫu thuật nên phẫu thuật Hartmann đã và đang thay thế cho phẫu thuật Miles. Nếu phẫu thuật Miles có tỷ lệ tử vong đến 38% thì phẫu thuật Hartmann chỉ còn khoảng 8,8%.
Bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng có thể được chỉ định phẫu thuật Hartmann
2. Trường hợp nào được chỉ định phẫu thuật Hartmann?
Không phải trường hợp nào cũng được chỉ định phẫu thuật Hartmann mà phẫu thuật này chỉ được chỉ định trong các trường hợp sau.
Ung thư trực tràng - đại tràng sigma
Đây là tình trạng các tế bào ung thư tăng sinh đột biến, hình thành nên khối u (có thể là lành tính hoặc ác tính) xâm lấn các mô niêm mạc trực tràng - đại tràng. Trường hợp người bệnh gặp biến chứng xuất huyết ruột, tắc ruột hay thủng ruột thì sẽ được chỉ định phẫu thuật Hartmann cấp cứu.
Viêm ruột thừa biến chứng
Phẫu thuật Hartmann cũng được chỉ định trong viêm ruột thừa có biến chứng, cụ thể là biến chứng thủng ruột, hoại tử ruột do vi khuẩn phát triển, thiếu máu cục bộ trầm trọng. Lúc này, người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để tránh nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Các chỉ định khác
Ngoài 2 chỉ định trên thì phẫu thuật Hartmann cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như người bệnh bị viêm loét đại tràng, thủng đại tràng, viêm tuyến tiền liệt, thiếu máu cục bộ, ung thư di căn đáy chậu,…
Phẫu thuật Hartmann được thực hiện trong điều trị các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác
3. Quy trình thực hiện phẫu thuật Hartmann
Như đã nói ở trên, phẫu thuật Hartmann có thể thực hiện bằng mổ nội soi hoặc mổ mở. Phạm vi bài viết này sẽ cung cấp đến bạn đọc quy trình mổ mở.
Trước khi mổ
Trước khi phẫu thuật nói chung, người bệnh sẽ được thăm khám sức khỏe tiền mê cẩn thận, thực hiện các xét nghiệm quan trọng để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật, hạn chế các biến chứng trong và sau khi mổ.
Ngoài ra, người bệnh luôn tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, trước 2 - 3 ngày mổ thì nên ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa. Đêm trước khi mổ, người bệnh nên nhịn ăn, chỉ được uống nước, đồng thời, tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt, tuyệt đối không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng bất kỳ chất kích thích nào.
Nếu được chỉ định uống kháng sinh trước khi mổ thì người bệnh phải uống đúng liều, đúng hướng dẫn. Kháng sinh giúp phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ do đại tràng là nơi chứa chất thải, độc tố và có nhiều vi khuẩn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể được uống thuốc sổ trước khi vào phòng mổ.
Có trường hợp người bệnh phải uống thuốc trước khi mổ theo chỉ định
Tiến hành mổ
Người bệnh được hướng dẫn tư thế phù hợp trên bàn mổ, thường là tư thế nằm ngửa, 2 tay thả lỏng dọc theo thân, lòng bàn tay hướng vào trong. Sau đó, người bệnh được gây mê toàn thân. Khi thuốc mê có tác dụng, bác sĩ đặt ống nội khí quản và bắt đầu mổ. Một ca mổ thường kéo dài từ 1,5 - 3 giờ đồng hồ.
- Sát khuẩn vùng bụng của người bệnh, sau đó dùng dao rạch một đường giữa bụng, tiếp cận khoang phúc mạc.
- Bộc lộ sàn chậu và đại tràng sigma.
- Cắt ngang đoạn ruột cần điều trị.
- Tạo lỗ hậu môn nhân tạo.
- Đóng vết mổ, hoàn chỉnh hậu môn nhân tạo cho người bệnh.
Sau khi mổ
Người bệnh được đưa về phòng hồi sức để theo dõi. Trong thời gian này, người bệnh được truyền tĩnh mạch đến khi thuốc mê hết tác dụng thì chuyển lên khoa. Sau 1 ngày, người bệnh nên đi lại nhẹ nhàng để kích thích nhu động ruột và tăng cường lưu thông máu.
Trong 2 - 3 ngày đầu sau mổ, người bệnh được đặt ống thông dạ dày hoặc nuôi ăn qua tĩnh mạch. Đến 4 - 5 ngày là có thể ăn uống bình thường. Còn với ống thông tiểu thì phải đặt trong 1 tuần sau mổ để theo dõi lượng nước tiểu. Sau 1 tuần phẫu thuật, nếu tình trạng người bệnh ổn định thì có thể xuất viện. Sau 2 - 3 tuần, người bệnh tương đối hồi phục và sau 4 - 6 tuần thì có thể sinh hoạt bình thường.
Sau mổ 4 - 6 tuần, người bệnh đã hồi phục và sinh hoạt như bình thường
4. Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật Hartmann
Đại tiện là một trong những vấn đề lớn sau phẫu thuật Hartmann. Thường thì sau 2 - 3 ngày phẫu thuật người bệnh mới trung tiện và sau 4 - 5 ngày thì mới đi đại tiện. Trong khi đại tiện, người bệnh cần chú ý đi nhẹ nhàng, từ từ, không rặn mạnh hay “gấp gáp”.
Ngoài ra, sau khi mổ, người bệnh sẽ bị đau nhiều và không thoải mái khi ngồi. Lúc này, hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời, không nên ngồi một chỗ quá lâu mà hãy đi lại nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, nếu bị đau nhiều và cảm giác đau không thuyên giảm theo thời gian thì cần nhanh chóng thông báo cho y tá và bác sĩ. Vì phẫu thuật Hartmann là đại phẫu và tiềm ẩn không ít biến chứng như tắc ruột, rỉ dịch chân trực tràng, nhiễm trùng vết mổ,… nên tuyệt đối không chủ quan khi có bất kỳ sự bất thường nào.
Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu phương pháp phẫu thuật Hartmann. Để được tư vấn hoặc đặt lịch khám tại MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 - Tổng đài viên của bệnh viện sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc và đặt lịch khám nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!